Đường về của giang hồ từng sa vũng lầy tội lỗi

06:13, Thứ tư 22/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Từ một kẻ trắng tay, đứng ở tận cùng bóng đêm tội lỗi đã vươn dậy trở thành một người lương thiện bằng chính nghị lực.

Tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, không được giáo dục cẩn thận, Lê Thừa Dương Hùng thường giao du với đám cô hồn du đãng. Sớm tiêm nhiễm thói hư tật xấu, Hùng trở thành đứa trẻ bất hảo, rồi năm tháng lún dần vào vòng xoay tội lỗi, đứng đầu đám giang hồ đòi nợ thuê gây ra bao nhiêu tội ác, ngay chính Hùng cũng không thể nhớ nổi.




 

Tuổi thơ bị đánh cắp

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Hùng có khi phải ngưng lại, đó là lúc cổ anh nghẹn để hoài niệm về quá khứ bất hạnh của mình. Nhìn lại những gì đã qua, con người vừa chớm tuổi 40 bây giờ vẫn còn như rùng mình, ớn lạnh.

 Để có được niềm vui hiện tại, đó là một hành trình tìm lại bản thân, tìm lại con người mình. Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói câu nổi tiếng: “Hành trình lớn nhất của cuộc đời là tìm lại chính mình”.

Với Hùng, đó là chuyến đi dãi dẵng, mà nếu như thiếu nghị lực tự thân, không quyết tâm hướng thiện, thì “cổ tích” đã không thể đến với anh ngày hôm nay.

Lê Thừa Dương Hùng (SN: 1973, xã Hải Khê, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), ngoài tên gốc, người ta còn biết đến Hùng với biệt danh: Hùng “sầu”. Cái danh rùng rợn đầy ám ảnh, đó là khẩu ngôn giới giang hồ đặt cho anh, trong những năm tháng đâm thuê chém mướn.

Hùng bên ngôi tượng do chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng đặt hàng
Hùng bên ngôi tượng do chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng đặt hàng


Bởi, quãng thời gian thiếu ánh sáng lý trí đó, Hùng sa chân vào bóng đêm tù tội còn một lý do buồn chán, bi quan cuộc đời. Ngày còn nhỏ, bao lần Hùng ngước mặt lên trời hỏi câu than trách: “Bản thân sinh ra làm gì trên đời để phải sớm nếm những mùi vị bất hạnh?”.

 Bên hàng ghế đá của cơ sở điêu khắc, giữa không gian yên bình xen lẫn tiếng lách cách đục đẽo của những học viên trẻ mà anh cưu mang, Lê Thừa Dương Hùng chậm rãi ngược lại ký ức. Anh bộc bạch: “Tuổi thơ tôi bất hạnh và nhiều thiệt thòi. Vô vàn cái trớ trêu nhất của cuộc đời như dòng thác bất hạnh đổ ập xuống đầu một đứa trẻ quá đỗi non nớt”.

Quê của Hùng ở thôn Hải Khê, một làng chài cát phỏng bàn chân, xa tít tắp của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nếu đem so sánh với các xã khác, thì làng Hải Khê thuộc hạng bét, về độ...giàu.

 Ở đó có những con người với đôi bàn chân trần chỏe ngón, quanh năm lấm láp cát biển, nhà của Hùng nằm cuối làng cá nghèo khó đó. Khi Hùng đứng nhỉnh bậu cửa thì ba mất, hai mẹ con thân cô thế cô, tất cả những gì về người cha ruột, chỉ còn mang máng trong miền ký ức nhạt hòa.

 Ít năm sau, người mẹ lỡ làng đi bước nữa, sự xuất hiện của “người thứ ba”, khiến cuộc đời Hùng thêm nhiều chua chát. “Đó là người đàn ông sâu rượu”, Hùng nói về người cha dượng. Chung nhà, nhưng không chung tình yêu thương, người mẹ bất hạnh bận bịu cho tổ ấm mới, cậu bé vừa 6 tuổi bỗng trở thành người thừa.

Không cùng “giọt máu đào”, trong mắt cha dượng, Hùng là kẻ vô nghĩa. Chẳng bị đánh đập nhưng thay vào đó Hùng hay bị hắt hủi, đày đọa. Lúc phải xuống bến đò kiếm cá, khi lên đồi đẵn củi, về nhà lại luôn bị rầy la một cách vô cớ như một kẻ mắc tội.

Trong đầu cậu bé non nớt dần dần cảm thấy bất mãn, hận cuộc đời. Hùng buồn nhớ lại: “Tôi không muốn về nhà mà thường tìm xuống bãi biển ngủ, nghĩ về nhà là bước chân lại muốn quay ngược”. Đến tuổi đi học, đám bạn cùng trang lứa lã lượt cắp sách tới trường, riêng Hùng chỉ tủi thân nép sau cánh cửa gạt nước mắt tủi phận.

Đơn giản Hùng biết, khi đem khát khao chính đáng ấy bày tỏ với mẹ, đằng nào cha dượng cũng sẽ gạt phắt, mà rằng: “Con cóc mà đòi trèo thang”. Tuổi thơ của Hùng bị đánh cắp theo đúng nghĩa. Không học hành, không tình thương. Hùng đi xin cá, người ta bảo: “Không cho thằng con nhà vô học, mất dạy”.

Lúc đánh bi, đánh cù, chơi khăng… chúng bạn cũng hùa nhau khai trừ: “Chẳng thèm chơi với thằng không cha”.

Lên 7 tuổi, hai từ “không cha” Hùng đã thấm thía những cung bậc tủi hờn. “Hồi đó trong làng, đứa nào chơi với tôi, về nhà cha mẹ chúng đều cấm cửa”, giọng Hùng bùi ngùi nhớ lại. Từ tủi thân trở thành thằng bé lỳ lợm.

 Người ta đuổi đi Hùng sấn đến, xin không cho, Hùng giật phắt ngay trước mặt, những trận đòn như búa bổ, mắt Hùng bao giờ cũng ráo hoảnh. Tuổi thơ cậu bé Hùng được “giáo dục” bằng những bài học chua chát.

“Dương nanh” với cuộc đời

Sáng 16/4/1980 là mốc không thể nào quyên trong đời Hùng. Một ngày mở đầu cho chuỗi năm tháng bụi đời. Đứa trẻ 7 tuổi không còn mặn mà với mái nhà thiếu hạnh phúc, vào cái đêm ảm đạm của tháng tư đó, Hùng quyết định lầm lũi bỏ nhà đi.

Không một đích đến, chẳng người thân thích, trong đầu cậu bé duy chỉ có ý nghĩ đến một nơi nào đó, tìm một khoảng trời, nó khác với cái ngột ngạt hiện tại cậu đang sống. Đường từ nhà đến QL1A- nơi có những chuyến xe đò Bắc - Nam dài khoảng 30 km qua đồi mênh mông cát.

Cậu bé đã lén ra đi khi mặt trời chưa tỏ mặt người cho đến lúc đứng bóng thì đã lả bên vệ đường vì đói, tỉnh dậy thấy mình nằm trong túp lều của một gia đình nghèo. Người ta cho ăn, hỏi han, chăm sóc… lần đầu tiên bước chân ra đời, Hùng cảm nhận được tình thương, điều mà khi ở nhà Hùng chưa từng nhận được từ những người thân.

Đón được xe vào TP. Huế lang thang, cậu xin rửa chén, bốc hàng cho những chủ tạp hóa ở chợ Đông Ba (bờ bắc TP.Huế). Ngày lấy chợ làm nhà, đêm về coi gầm cầu Tràng Tiền làm giường. Những tháng ngày lang bạt, Hùng học cách tự lo cho bản thân.

Thời gian sau đó, cậu dần làm quen rồi nhập bọn với đám bạn lang thang, mưu sinh ở tuyến ga tàu Huế - Đà Nẵng. Chính thời gian này Hùng tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Trộm cắp, lừa lọc, móc túi trên tàu, có lần Hùng đã trả giá bằng những chuyến trượt chân ray tàu suýt chết.

Ngày đó với đám “cô hồn” trên toa tàu thường bị truy đuổi rất gắt. Sự xuất hiện của đám trốn vé như Hùng thường bị xua như đuổi hủi. Người ta sẵn sàng đạp phăng xuống toa, bất luận hậu quả như thế nào.

Và hai lần ngã tàu suýt chết Hùng nhận ra, cuộc sống đeo bám bên thân tàu cũng chỉ vạ vật, sớm muộn cũng phải đoạn tuyệt. Rồi một ngày, giã từ ga tàu, Hùng đón xe ngược về quê nhà, gặp đứa con bao năm bặt vô âm tín, người mẹ ôm chầm khóc. Riêng người cha dượng “ném” vào Hùng một câu sẵng ngoét: “Giỏi sao không đi mất xác luôn sao còn trở về?”.

Trong mắt Hùng có chàn ngập tia lửa thù hận, đêm đầu tiên sau bao năm xa nhà, Hùng lại về bãi biển xưa tìm chốn ngủ.

Nhưng sự xuất hiện của Hùng bây giờ, là thằng bé bất cần đời. “Ngày nào không đánh nhau, gây sự với ai đó, trong người tôi như bứt rứt không chịu được”, Hùng thổ lộ. Ở trong làng, đám choai nghe đến “thằng Hùng không cha”, chẳng đứa nào dám ho he. Hùng sẵn sàng đánh bất cứ ai, kể cả lớn tuổi, miễn dám xúc phạm. Ngày đó, già trẻ ở làng chài Hải Khê thường bảo rằng, Hùng là thằng “vô học”, “mất dạy”, “chẳng biết trên dưới”.

 Một lần đang cắt tóc bên vệ đường, hai người đàn ông tuổi bậc chú đến vỗ vai: “Mày là thằng Hùng nhà ở cuối làng phải không?”, nhìn qua gương Hùng gật đầu.

Một người tiếp lời: “Nghe nói mày không biết sợ ai?”, rồi người kia phát ngay cú bạt tai. Không trả lời, Hùng cướp ngay chiếc kéo thợ đang cắt đâm luôn một nhát về phía đối diện, một người gục xuống, người kia mặt xanh tàu lá tháo chay. Hùng bị công an bắt đi trại cải tạo Hoàn Cát (huyện huyện Cam Lộ), năm đó Hùng vừa tròn 15 tuổi.

Hơn 1 năm ra trại, Hùng gia nhập băng nhóm giang hồ Lê Lam (băng nhóm khét tiếng, khuy đảo khắp miền Trung lúc đó do đại ca Lê Lam đứng đầu).

Không ngại đâm chém, Hùng sớm nổi danh trong giới giang hồ ở các ngóc ngách bến xe, bến tàu ở hai tỉnh Quảng Đà (nay là Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình - Trị - Thiên (nay là Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế). Trong một lần hòa giải bất thành, bàn tay Hùng chính thức nhuốm máu.

Hôm đó theo lệnh đại ca, Hùng dẫn đầu đám đàn em đi giải hòa với băng nhóm “không đội trời chung” đòi giết đại ca Lê Lam. Cuộc thương lượng đẫm máu, đến giờ Hùng vẫn nhớ như in. Trong màn đêm tối, nhóm của đối phương hơn 10 tay gậy, mã tấu bặm trợn, còn nhóm của Hùng tay không.

Cuộc “nói chuyện” căng thẳng cuối cùng thất bại. Nhóm của Hùng bị vây ráp dồn vào bức tường, một tên vung ghế sả, Hùng nhanh chóng lách người thoát ra ngoài, và chạy vào trên tay với chiếc dao xắt chuối còn sắc lẻm.

Một cú phạt từ trên xuống, bàn tay của tên đại ca rơi hẳn, chưa dừng lại ở đó, Hùng quyết định xẻo luôn lỗ tai mang về trình đại ca Lê Lam.

 Hành động ghê rợn làm đám “lục lâm thảo khấu” ai nấy mặt cắt không ra máu, tìm đường chuồn thẳng. Với “chiến tích” này, Hùng chính thức trở thành kẻ có máu mặt trong giới giang hồ, biệt danh Hùng “sầu” xuất hiện từ đó.

Cuộc trốn trại ngoạn mục

Sau đêm hãi hùng này Hùng “sầu” bị bắt vào lao Thừa Phủ (TP.Huế, tỉnh Bình - Trị - Thiên). Nhưng chỉ vỏn vẹn 9 ngày tạm giam chờ công an hoàn thành hồ sơ, Hùng đã tìm cách trốn trại.

Những lần tắm rửa ở khu vệ sinh trong trại tạm giam, Hùng quan sát rằng, ở vách tường có một thanh sắt B40 có thể bấu víu, bên kia bờ thép gai là cây chàm, chỉ cần níu được ngọn là có thể đu người ra ngoài tẩu thoát. Vào ngày ngày chủ nhật, ở trại chỉ có duy nhất một cán bộ quản giáo trông coi.

Giả vờ xin đi tắm, Hùng lấy toàn bộ quần áo ra giặt. Khi không có quản giáo, gã phạm nhân dùng quần áo bện thành dây, sau đó bấu vào thanh sắt B40, một tay vứt mạnh chiếc dây vải.

Đầu bên kia của sợi dây trúng ngay ngọn cây, Hùng đu người ra ngoài trong nháy mắt, rồi chạy thục mạng hướng Đà Nẵng. Ngay sau đó lệnh truy nã tên tội phạm trốn trại Lê Thừa Dương Hùng được bắn đi khắp nơi. Thoát thân vào Đà Nẵng chui lũi một thời gian, Hùng “sầu” quyết định xuôi phương Nam tìm chủ mới.

Sau khi đáo trại ở lao Thừa Phủ (TT - Huế) thành công, xuôi vào Sài Gòn, Hùng bắt đầu nghiệp mới với nghề: Đòi nợ thuê. Tại ngã tư An Sương, Sài Gòn, Hùng lân la làm quen với Tâm “voi”, một đại ca đứng đầu băng nhóm chuyên bảo kê quán sá, đòi nợ thuê, lũng đoạn khu vực ngã tư An Sương lúc bấy giờ.

 Dấu thân phận bị truy nã, với nhã ý muốn được đầu quân băng nhóm, Hùng “sầu” được đại ca Tâm “voi” dang rộng vòng tay nhận làm đệ tử. Cuộc đời của kẻ lang bạt bắt đầu một nấc thang tội lỗi mới. Nếu như ngày trước Hùng “sầu” chỉ quan loa mấy vụ đâm chém vì một phần hận đời, thì khi gia nhập vào băng nhóm Tâm “voi”, bàn tay Hùng mới thực sự vấy bẩn.

Tại đây, dưới sự chỉ đạo của đại ca Tâm, ba tay máu mặt đâm người không ghê tay là Nghĩa “sói”, Việt “hít le”, Dũng “nhung” cùng Hùng “sầu” được mệnh danh là “tứ trụ máu lạnh”. Những việc như bảo kê quán ăn, nhà hàng, đến nhà nghỉ, khách sạn, chăn dắt gái mại dâm…Hùng “sầu” đều nhận làm để đổi lấy miếng ăn.

Nghiệp đòi nợ thuê đã để lại cho Hùng bao ký ức tội lỗi. Lật lại ký ức “đen”, Hùng kể tiếp. Nhận lệnh đại ca, Hùng “sầu” cùng đàn em tìm đến một hộ gia đình ở Bình Phước đòi nợ. Nhìn thấy đám người bặm trợn, vợ chồng chủ nhà mặt mày xanh tái, dù rất muốn trả nhưng trong nhà không còn gì ngoài chiếc xe máy Honda Cup 82 cũ kỹ.

Chủ nhà quỳ lạy cầu khẩn: “Chiếc xe là phương tiện làm ăn duy nhất, nếu mất đi cả nhà sẽ bị đói”. Tuy có chút nhũn lòng, nhưng đã đi đòi nợ mà nặng tình cảm thì chỉ có thất bại. Suy đi tính lại Hùng “sầu” quyết định ra lệnh xiết luôn chiếc xe máy, người chủ khóc lóc ôm chân van xin, Hùng vung chân đá luôn vào bụng. Sau này mới biết là người phụ nữ đó đã bị sẩy thai.

Cuộc chiến khai trừ “nàng tiên nâu”

Hoạt động một thời gian ở Sài Gòn, ngửi thấy mùi truy nã của công an, năm 1997 Hùng “sầu” nhanh chân ngược ra Bắc. Tại đây y bắt mối, sau đó móc nối với “nguồn cung” ở miền Nam, rồi chăn dắt gái ra các tỉnh như: Hà Tây, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Yên. Bị truy quét ráo riết, đúng gần 1 năm sau, Hùng “sầu” lại ngược vào Nam với nghề cũ.

Lúc này lệnh truy nã Hùng ngày càng ráo riết hơn, sợ bị công an bắt, Hùng “sầu”  lại trốn sang Campuchia, ngược lên Lào. Nhưng ở xứ chùa không có chỗ dung thân cho một kẻ đâm chém, hơn một năm rưỡi Hùng “sầu” lại quay về về Việt Nam. Chưa kịp tạo dựng sự nghiệp khi nửa năm sau đó, Hùng đã bị công an bắt tại ấp Trung Mỹ Tây (huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Về Huế thụ án với thời gian 3,5 năm, nhưng chừng ấy năm trong tù vẫn không thể từ bỏ thói hư tật xấu. Ra trại như sáo sổ lồng, Hùng “sầu” lại ngựa quen đường cũ, lao vào hút chích thỏa thê.

 Dù không làm nghề đâm thuê chém mướn nữa, nhưng là một kẻ nghiện dặt dẹo, vô gia cư, người đời khinh miệt, xua đuổi. Những năm tháng làm giang hồ, Hùng tận mắt chứng kiến anh em chí cốt như: Tâm “voi”, Sơn “đầu bạc”, Cường “răng vàng”, Sơn “hít –le”... kẻ thì sốc thuốc, người nhiễm HIV, đứa thì bỏ mạng vì đâm chém, hay vào tù “bóc lịch”.

Lê Thừa Dương Hùng bên những học viên do anh cưu mang
Lê Thừa Dương Hùng bên những học viên do anh cưu mang


Hơn 70 anh em giang hồ trong băng nhóm cuối cùng đều tan rã. Hình dung kết cục bi thảm cho những kẻ tội lỗi, Hùng thấy sợ vô cùng. Nhưng cho đến khi những lời của cô người yêu khuyên trước lúc trút hơi thở cuối cùng vì sốc thuốc (dùng ma túy quá liều) mới làm Hùng chính thức tỉnh ngộ.

Trong tận cùng nỗi bi quan, không nhà, không cửa, không nghề…hơn 30 tuổi đầu, Hùng vẫn là kẻ 2 bàn tay trắng theo đúng nghĩa. Nhưng khát khao trở về nẽo thiện, làm lại cuộc đời trong Hùng  trỗi dậy hơn bao giờ hết. Và sự may mắn của Hùng đó là những lời khuyên của bậc đàn anh lúc đó.

Hùng gặp lại Lê Lam ngay tại đất Sài Gòn, nhưng Lê Lam bây giờ là một người lương thiện với nghề chạy xe ôm chứ không phải là đại ca như ngày nào.

Hùng kể: “Những tháng ngày lang thang, tôi gặp Lê Lam, một đàn anh và cũng là đại ca một thời. Ban đầu tôi không tin rằng một kẻ giang hồ từng hàng chục năm nghiện ma túy, nhiều năm trong tù, bàn tay vấy bao tội lỗi như Lê Lam lại có ngày đoạn tuyệt kiếp giang hồ”.

Trong cuộc gặp vắn tắt này, Lê Lam nói với Hùng như thế này: “Cuộc đời con người chẳng là bao, tại sao chúng ta không làm người tốt? Đó là vì chúng ta mãi mê chạy theo đồng tiền mà không chịu nhận ra. Đúng hơn là chúng ta chưa một lần cúi đầu nhìn lại”.

Lê Lam tiếp lời: “Làm người tốt đâu có khó, bây giờ chúng ta sẽ làm một phép toán trừ đơn giản như thế này. Con người mình bao giờ cũng có thiện, ác, nhưng hiện tại cái ác đang lấn át. Nếu trừ đi cái ác sẽ còn lại thiện, và lúc đó mình sẽ là người tốt. Muốn làm người tốt, hãy bắt đầu bài toán trừ với ma túy, được hay không là ở cái quyết tâm của mình”.

Sau cuộc gặp, những câu nói đơn giản nhưng thấm thía đó cứ xoay trong tâm khảm của Hùng. Tại sao người ta quay đầu được? Sao người ta có thể làm được điều kỳ diệu đó?

 Hùng quyết định làm lại cuộc đời. Nhưng nghĩ là một điều, mà làm được là cả một vấn đề, nhất là Hùng đang là một con nghiện nặng. Hoặc là kết cục theo đám bạn giang hồ, hoặc là trở thành người có ích cho xã hội, Hùng chỉ được chọn một. Và Hùng đã chọn con đường quay đầu.

Rồi một ngày Hùng quyết định mượn người bạn ít tiền, mua mấy tép heroin, một thùng mì tôm, một thùng nước lọc và thuê căn phòng nhỏ ở ấp Trung Mỹ Tây (huyện Hóc Môn), bắt đầu ngày tháng tự mình cai nghiện. Hùng nhờ người bạn khóa trái cửa, rồi bảo: “Tao đã quyết tâm, hoặc là chết hoặc là sống, tao muốn sống. Nếu 16 ngày sau trở lại thấy tao còn sống có nghĩa tao đã thành công, còn ngược lại, tao cũng chẳng oán trách ai”.

 Đúng như quết tâm của Hùng, đói ăn mì tôm, khát uống nước lọc, lúc lên cơn chỉ hít một ít, sau đó giảm liều dần. Đúng 7 ngày cắt cơn nghiện, nửa tháng sau không còn cảm giác thèm, ngày thứ 16 người bạn trở lại mở cửa Hùng vẫn còn sống, bạn bè ôm nhau khóc. Cuộc khai trừ ma túy vẫn được Hùng duy trì cho đến ngày thành công hoàn toàn.

Cổ tích cho kẻ hoàn lương

“Nghe tôi đoạn tuyệt ma túy, gác kiếm giang hồ mọi người ai nấy đều động viên, giúp đỡ. Ngày thành công bạn bè, người thân ai nấy vui mừng”, Hùng nhớ lại.

 Nhưng khi thành công rồi, một cái nghề mới tạo nên sự bền vững, giúp anh thoát khỏi sự cám dỗ luôn rình rập. Hùng luôn cảnh giác với bản thân, tìm việc lương thiện làm để quên đi quá khứ, năng đi chùa tụng kinh để tâm hướng thiện.

Hùng thừa nhận, cũng chính cơ duyên đến với cửa chùa, mà có ngày Hùng thành một thợ điêu khắc giỏi như bây giờ. Hùng bảo: “Khi quỳ trước đức Phật từ bi, hay Quan thế âm bồ tát, tôi thấy thanh thản đến lạ.

Về nhà tôi mua mấy cái đục sắt, ngồi đẽo tượng Phật chơi, có khi mang cả vào chùa đục. Cho đến khi so sánh tượng Phật và khúc gỗ do anh đẽo không còn sự khác nhau, mới ngỡ mình có tay nghề điêu khắc bấy lâu mà không hay”.

Nhưng trong suy nghĩ của Hùng lúc đó không hề có ý định đi học nghề đục đẽo. Vì như Hùng nói: “Đó chỉ là công việc mà tôi làm để quên đi quá khứ, hướng tâm lương thiện mà thôi, không ngờ đó lại là cái làm tôi biến đổi cuộc đời”.

Trong một lần tình cờ có công ty điêu khắc liên doanh với nước ngoài trên địa bàn tuyển thợ, Hùng nộp đơn và được nhận ngay.

 Hơn 4 năm làm thợ luôn được công ty xếp hạng ở tốp thợ có tay nghề cao.  Ít năm sau Hùng dành dụm vốn quyết định mở xưởng điêu khắc và thu nạp những trẻ em lang thang cơ nhỡ đến trực tiếp dạy nghề.

Giải thích cho cái việc làm “không tưởng” của mình, Hùng nói: “Ngày trước mình thiếu tình thương, không được học hành, thiếu sự giáo dục nên mình thấy thương bọn trẻ nhiều lắm, muốn bù đắp cho các em”.

Anh cho biết, hoạt động của cơ sở điêu khắc của anh không nhằm mục đích vụ lợi, mà hướng đến dạy nghề, giải quyết việc làm cho những trẻ em lang thang. Anh tự hào: “Nhiều năm qua, cơ sở đã đào tạo nhiều lớp trẻ thành nghề, nhiều em sau khi rời cơ sở đã có thể đứng vững thành những ông chủ, rất thành công”.

 Và, cuộc đời đã không phụ anh, khi một cô gái gốc Sài Gòn đã cảm kích nghị lực chàng trai hoàn lương mà gật đầu làm vợ. Từ một kẻ trắng tay, đứng ở tận cùng bóng đêm tội lỗi đã vươn dậy trở thành một người lương thiện bằng chính nghị lực.

Anh tự hào: “Giờ đây tôi cảm thấy rất thanh thản và hạnh phúc. Tôi có vợ hiền, con ngoan, mua được nhà và có một cuộc sống vừa đủ với nghề kiếm tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình".

Trả nợ quá khứ và báo hiếu gia đình

Khi đã trở về nẽo thiện, Lê Thừa Dương Hùng đã tìm lại những người ngày xưa anh từng gây lỗi để tạ tội. Anh đã đích thân tìm về người mà anh từng cắt tai, chặt tay ngày xưa, quỳ để người ta phán xét.

Anh cũng gõ cửa gia đình người phụ nữ bị anh đá sẫy thai năm nào để tạ tội. Nhưng tất cả họ đều cảm thông, tha thứ bởi, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Hùng bảo, đến giờ ân oán gian hồ tôi đã trả hết, thâm tâm hoàn toàn thanh thản.

Những năm qua, bằng công sức mồ hôi nước mắt, thầy trò Lê Thừa Dương Hùng còn tranh thủ làm từ thiện. Giúp đỡ quê nhà bằng gạo, cúng dường chùa ở quê những bức tượng giá trị mà không hề tính công trạng.

Cơ sở điêu khắc tượng phật của Lê Thừa Dương Hùng còn được biết đến với những sản phẩm điêu khắc chất lượng, uy tín với độ thẩm mỹ cao, nhiều ngôi chùa khắp mọi miền đất nước đã tìm đến đặt hàng. Anh mong muốn, sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nữa để các các em có do anh cưu mang không bị thất nghiệp.

 

  • Tiểu Nhiên

[links()]


 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc