Kim Phúc trong bức ảnh Em bé napalm nổi tiếng. Ảnh: AP. |
"Tôi muốn câu chuyện của tôi sẽ mang lại niềm hy vọng cho người khác. Nếu họ đang tìm kiếm sự tha thứ, tôi vẫn sẵn lòng", Phan Thị Kim Phúc, nạn nhân trong vụ ném bom napalm của lính Mỹ năm 1972 tại Tây Ninh, nói với tờ Boston Globe.
Ký ức chiến tranh
Hơn 40 năm trước, Kim Phúc sống ở Trảng Bàng, Tây Ninh, cùng gia đình. Đầu tháng 6/1972, lính Mỹ mở chiến dịch truy tìm chiến sĩ cách mạng tại khu vực này.
Gia đình Kim Phúc và những người hàng xóm phải tạm lánh tại một ngôi đền. Ngày 8/6/1972, người dân nghe thấy tiếng máy bay rất gần. Một người lính yêu cầu tất cả dân làng phải chạy đi thật xa vì máy bay sắp ném bom.
Kim Phúc bước ra ngoài và thấy phi cơ, ngay sau đó là những tiếng nổ lớn vang lên xung quanh. "Bất thình lình, tôi không còn nhìn thấy ai khác ngoài ngọn lửa bao quanh tứ phía. Sau đó tôi thấy tay trái bị bỏng rát", Kim Phúc nhớ lại.
Áo, quần của Kim Phúc cháy hoàn toàn. Do đôi chân may mắn không bị tổn thương nghiêm trọng, cô bé dồn hết sức lực để chạy thoát khỏi ngọn lửa. Sau đó, em dần nhận ra các anh em và những người lính cũng đang chạy rất nhanh.
"Tôi la lên: 'Nóng quá, nóng quá'. Một người lính đến gần, ông tưới nước lên người tôi. Tôi ngất xỉu ngay sau đó", Kim Phúc kể.
Sau này, những bác sĩ nói với Kim Phúc rằng người đã cứu mạng em là nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út, hoặc Nick Ut. Hai anh em họ của cô đã chết trong vụ đánh bom. Bản thân Kim Phúc bị bỏng gần 2/3 cơ thể. Em phải nằm viện hơn 14 tháng, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và cấy ghép da.
Bom napalm để lại những vết sẹo không bao giờ lành trên cơ thể Kim Phúc. Ảnh: Boston |
Khép lại quá khứ
Sau khi ra viện, những vết thương ở lưng và vai thường xuyên gây đau đớn cho Kim Phúc, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết chuyển giao. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khiến cô sợ nhất.
"Tôi nhìn vào các vết sẹo và rất buồn khi nghĩ rằng sẽ chẳng người con trai nào muốn yêu và cưới tôi. Nhiều lúc tôi đã muốn chết", Kim Phúc nhớ lại.
Tuy nhiên, số phận đã mỉm cười sau khi cô đến Cuba du học năm 1986. Tại đây, cô gặp và kết hôn với người chồng hiện tại. Năm 1992, cả 2 đi hưởng tuần trăng mật ở Nga, rồi họ đến định cư ở Canada. Kim Phúc có 2 con trai, Thomas (20 tuổi) và Stephen (17 tuổi). Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) bổ nhiệm Kim Phúc làm đại sứ thiện chí.
Kim Phúc nói cô sẵn sàng tha thứ cho những người gây ra vết thương cho cô. Ảnh: welt.de |
Cô đi khắp nơi trên thế giới để nói chuyện về nghị lực sống và vượt lên hoàn cảnh. "Rất nhiều người đã giúp đỡ tôi tìm lại con đường sống, trao cho tôi tương lai này. Bây giờ, tôi rất muốn giúp lại những người khác", Kim Phúc tâm sự.
Kim Phúc vẫn giữ một bản sao của tấm ảnh nổi tiếng Em bé napalmở nhà. Tuy nhiên, cô đặt nó trong một tủ sách và chỉ cầm ra xem những khi một mình. "Đó là những ký ức kinh hoàng. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy sức nóng đáng sợ. Tôi không muốn sống lại trong quá khứ chiến tranh ấy".
Đối với Kim Phúc, sự rộng lượng tha thứ cho những người gây ra tội ác năm xưa cũng giúp cô thoát khỏi cuộc sống thù hận. "Bom napalm có sức tàn phá rất mạnh, nhưng tình thương yêu và sự tha thứ còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đối mặt với chiến tranh nếu mọi người đều sống bằng tình yêu thương, hy vọng và tha thứ cho nhau", Kim Phúc nói trên Đài Phát thành Quốc gia Mỹ (NPR).
"Em bé Napalm" bây giờ ra sao? (Xã hội) - (Phunutoday) - Dù những vết thương chiến tranh vẫn hằn trên da thịt "em bé Napalm" nhưng giờ đây Kim Phúc đã có cuộc sống thanh bình bên chồng con. |