(Đời sống) – 6 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tuy không nói có lãi nhưng EVN cho biết Tập đoàn cân bằng được tài chính. Liệu rằng đây đã là tín hiệu để EVN không tăng giá điện để trả nợ, thậm chí là giảm giá?
Một tin có thể xem là tốt lành nhất tuần qua, dù rằng có thể không thay đổi được thực tế, tờ Tuổi trẻ dẫn công bố tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của EVN cho biết: “Các chỉ tiêu kinh doanh điện đạt kế hoạch. Tập đoàn cân bằng được tài chính”.
Hệ thống điện được vận hành đạt hiệu quả kinh tế, EVN cho biết đã khai thác hợp lý cơ cấu các nguồn điện, trong đó đã khai thác tối ưu các hồ thủy điện sát với nhu cầu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành (các nhà máy phải chào giá và cạnh tranh về giá để được huy động), EVN cho biết dù có vướng mắc nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế EVN.
Dù cân bằng được tài chính EVN vẫn chuẩn bị tâm lý để tăng giá điện. Ảnh: SGTT. |
Lâu nay khi giải thích cho việc tăng giá điện, EVN luôn nói rằng phải huy động nhiều điện giá thành cao (nhiệt điện than, khí, dầu) và phải trả nợ các năm trước để lại. Và vì vậy, trong năm 2012, EVN đã 2 lần tăng giá điện, với mức tăng mỗi lần là 5%.
Tuy vậy, tính tới hết năm 2012, EVN còn nợ khoảng 34.000 tỷ đồng (bao gồm 26.600 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá và khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện), và vì vậy hứa hẹn các năm sau đó sẽ vẫn tiếp tục tăng giá để trả nợ.
Nhưng với việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm “Tập đoàn cân bằng được tài chính”, thì có thể hiểu rằng việc thu, chi và trả nợ đã tương đối ổn, thậm chí không loại trừ EVN đã có lãi. Và như thế người dân có thể hy vọng EVN sẽ chưa hoặc không tăng giá điện.
Tuy hiện tại EVN đang phải huy động nguồn điện giá cao từ nhà máy nhiệt điện than, dầu để bù lượng điện thiếu hụt từ thủy điện, nhưng bù lại vào mùa mưa (phần lới thời gian của năm) khi nguồn nước dồi dào EVN lại có thể huy động được nguồn thủy điện giá rất rẻ, nếu tính ra mức trung bình cả năm không hẳn đã là quá cao như lập luận của EVN (nếu quý vị còn nhớ thời điểm cuối năm ngoái, một số nhà máy thủy điện lên tiếng cháo giá chỉ 300-500 đồng/kw, thậm chí cho không EVN để được cháy máy, ấy thế mà EVN vẫn không thèm mua cơ mà, trong khi giá bán lẻ điện bình quân hiện nay ở mức 1.437 đồng mỗi kW/h).
Theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2011 - 2015 của EVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giá bán điện sẽ từng bước được điều chỉnh, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường, và tiếp tục tăng để mục tiêu tới năm 2015 EVN trả hết nợ.
Đấy là chút phân tích vui để quý vị cảm thấy có cái mà hy vọng khi cả tuần qua quý vị đã phải xót lòng móc hầu bao trả thêm tiền cho giá xăng dầu vừa tăng hôm 28/6, giá vàng miếng SJC sau ít ngày giảm lại đã tăng về ngưỡng 38 triệu đồng/lượng (cao hơn thế giới 5,5 triệu đồng/lượng), USD tự do đã gần ngưỡng 21.600 đồng, các mặt hàng thực phẩm cũng đang rục rịch tăng giá…
Còn thực tế giá điện từ giờ tới cuối năm có xu hướng điều chỉnh tăng từ 10-15%, chia làm hai lần vào tháng 9 và thàng 11 – tờ Dân Việt đưa tin.
Vì theo dự kiến của EVN, 6 tháng cuối năm 2013, nhu cầu dùng điện của cả nước tiếp tục tăng và Tập đoàn này dự kiến huy động các nguồn nhiệt điện than, dầu giá cao (chưa kể nguồn mua từ Trung Quốc với giá cao). Với kế hoạch được thông báo trước này, có thể hiểu EVN đang chuẩn bị tâm lý cho người dân rằng giá điện chắc chắn phải tăng, vấn đề chỉ là thời gian.
Theo báo cáo của EVN, Tập đoàn này đã phê duyệt Phương án tái cơ cấu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực giai đoạn 2012-2015. EVN cũng đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn ngoài ngành tại Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng TMCP An Bình, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, Công ty CP Bất động sản Điện lực miền Trung và Công ty CP Bất động sản Sài Gòn-Vina… |
- P.V (Tổng hợp)