(Đời sống)- Ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc tập đoàn dầu khí (Petro Việt Nam) vừa cho biết, dư nợ tiền của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với đơn vị này tính đến nay đã lên tới trên 14.000 tỉ đồng.
[links()]
Theo hợp đồng được ký giữa EVN và Petro Vietnam, đến thời điểm này, khoản lãi chậm trả của EVN với Petro Vietnam đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power, trong năm 2012), Tổng công ty sẽ bị lỗ nếu như hạch toán đủ cả khoản lãi vay phải trả phát sinh từ khoản dư nợ tiền điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa thanh toán.
Tuy nhiên, theo Economy, để đảm bảo nhiệm vụ phát điện được giao, PV Power phải vay vốn lưu động là 10.250 tỉ đồng của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) để thanh toán chi phí nhiên liệu cho PV Gas, PV oil, trong đó lãi vay phải trả cho PVFC trong năm 2012 là gần 1.400 tỉ.
Vì vậy, mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PV Power là 716 tỉ đồng nhưng trên thực tế, nếu hạch toán đủ cả khoản lãi vay phải trả này, PV Power bị lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Năm 2013, PV Power dự kiến sản xuất trên 14 tỉ kWh điện, hoàn thành công tác xây dựng nhà máy thủy điện Hủa Na vào quý 1/2013, phát điện tổ máy số 1 thủy điện Đăkring vào quý 4/2013, phát điện tổ máy số 1 Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào tháng 9.2013.
Được biết, sau hai lần tăng giá bán điện năm 2012, EVN lãi 6.000 tỷ đồng. Sau khi dành 3.500 tỷ đồng tiền lãi để bù lỗ kinh doanh điện các năm trước, EVN dự kiến dành số lãi còn lại khoảng 2.500 tỷ đồng “chia nhau”.
Trước đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, EVN kinh doanh điện năm 2012 có lãi 6.000 tỷ đồng. Đây là số lãi hợp nhất toàn Tập đoàn. Trong đó, EVN giảm lỗ lũy kế các năm trước 3.500 tỷ đồng, toàn bộ số lãi còn lại, khoảng 2.500 tỷ đồng sẽ phân bổ cho các công ty thành viên.
Như ông Vượng cho biết, EVN có 9 Tổng công ty và 14 Công ty trực thuộc sẽ được “hưởng” phần lãi này.
Tuy “chia nhau” phần lãi năm qua, nhưng đến nay, EVN vẫn còn khoản lỗ “treo” lên tới 34.000 tỷ đồng, bao gồm 26.600 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá và khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện.
Vì vậy, ông Vượng cho hay, từ nay đến năm 2015, EVN sẽ phải giải quyết hết số lỗ trên. Trong đó, lỗ tỷ giá theo quy định Bộ Tài chính sẽ chỉ phân bổ trong 2-3 năm, ngoại trừ điều kiện kinh tế không thuận lợi thì mới được lui lại. Tập đoàn này còn một nguồn khác là được phân bổ lỗ vào giá điện, hay nói cách khác được phép tăng giá điện để giảm lỗ.
- Khánh Trung (Tổng hợp)