Gã phạm nhân khát khao ngày về trả nghĩa bố mẹ

( PHUNUTODAY ) - “Mẹ em yếu lắm, tóc cũng bạc nhiều rồi. Nhìn mẹ, em chỉ sợ không có cơ hội về báo hiếu”, Tường tâm sự, rồi vội vàng cúi xuống để giấu đi đôi mắt đỏ hoe.

Ngồi lọt thỏm giữa hai phạm nhân khác, Tường nổi bật với nước da trắng hồng hào và gương mặt khỏe mạnh tuổi hoa niên phơi phới. Nhanh nhẹn lại tinh tường, anh ta được làm ở đội mi giả.

[links()]

Trêu đùa nhưng giết người thật

Vừa bước vào phòng, Đào Văn Tường, sinh năm 1989 ở Minh Nông, Việt Trì (Phú Thọ), phạm nhân đang cải tạo vì án Giết người với 14 năm tù ở trại giam Tân Lập, đưa ánh mắt ngại ngùng nhìn về phía chúng tôi.

Một cái gì đó nửa như dè chừng, nửa như muốn quên lãng cứ ẩn hiện trên gương mặt sáng sủa của anh ta. 23 tuổi, 4 năm sống trong tù, tuổi hoa niên của Tường coi như bỏ phí.

Tường sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp song dù kinh tế chưa đến nỗi khá giả nhưng vì Tường là con út nên dẫu sao cũng được bố mẹ cưng chiều hơn chị và hai anh.

Ngày còn nhỏ thì Tường không nhớ rõ nhưng kể từ lúc đầu óc bắt đầu biết lưu lại những kỷ niệm đẹp thì anh ta nhớ rằng chưa khi nào phải đi học với cái bụng trống rỗng. Nếu không có bát cơm nóng với tí cá kho hay canh dưa thì thế nào Tường cũng được mẹ giúi cho vài ngàn mua bánh mì hoặc xôi ăn.

Hết cấp 1 trường làng rồi đến cấp 2, cấp 3, Tường cứ thế lớn lên trong sự đùm bọc của cả gia đình. So với các anh chị, Tường có tướng mạo sáng sủa hơn cả, nước da trắng trẻo nên bố mẹ cũng đặt nhiều hy vọng vào Tường.

Phạm nhân Đào Văn Tường
Phạm nhân Đào Văn Tường

Thế nhưng trái ngược với sự mong mỏi của gia đình, hướng cho Tường làm nghề sư phạm, anh ta chỉ ao ước trở thành một anh thợ giỏi với một gara sửa chữa ô tô. Tường muốn giàu có, không muốn như anh chị mình, lương ba cọc ba đồng cho dù họ đều làm những công việc được xã hội ghi nhận như kế toán, công nghệ thông tin.

Tốt nghiệp THPT, Tường nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, tham gia khóa đào tạo sửa chữa ô tô. Trường cách nhà 10 km, không xa cũng chẳng gần nên những hôm mượn được xe máy của chị gái, Tường sáng đi tối về còn hôm nào không có, anh ta nghỉ lại phòng trọ của bạn cùng lớp.

Sẽ chẳng có gì khiến mọi người chú ý nếu như không có một người học cùng lớp với Tường, đem chuyện đi lại của bạn mình ra để trêu chọc.

Người bạn đó là Lê Hữu Nam, cùng tuổi với Tường, trú tại khu 4 xã Vân Phú, thành phố Việt Trì. Nam cùng học với Tường một lớp, nhà cách trường chỉ có 3 cây số nhưng lại có xe máy đi đi, về về. Thấy Tường hôm thì ở lại, hôm thì đi xe về, Nam đem chuyện đó ra bỡn cợt.

Một lần, hai lần, mọi người cùng cười, Tường cũng không coi đó làm điều để bụng nhưng rồi những câu nói tưởng như đùa cợt ấy cứ thường xuyên được nhắc đi nhắc lại khiến cho tính “sĩ” trong Tường trỗi dậy.

Cho rằng bạn xỏ xiên mình, cố tình hạ thấp uy tín của mình trước đông người, Tường to tiếng lại, từ đó giữa hai người xảy ra mâu thuẫn. Tường bảo thực tình nếu chỉ vì chê nghèo, chê đi xe mượn, Tường cũng chỉ tức thế thôi, nhưng cái câu đùa dai rằng Tường trông ẻo lả như con gái, cầm tuơ-vít không chặt thì anh ta ấm ức mãi.

Tuổi trẻ thường có những việc bốc đồng, mấy ai nghĩ tới hậu quả nên chuyện xô xát giữa Nam và Tường thi thoảng lại xảy ra. “Nhà em thì xa, nhà Nam lại gần nên nhiều lúc em vẫn nín nhịn nhưng bạn ấy cậy nhà gần, làm quá, vì thế mà em mới tức”, Tường tâm sự, đôi mắt cụp xuống như người hối lỗi.

Vài lần đánh nhau nhưng toàn thua do Nam nhà gần hơn, luôn tìm được bạn hỗ trợ khiến cho Tường nuôi ý định phục thù. Ngày nào đi học Tường cũng giắt con dao nhọn trong người đề phòng bị Nam đánh, đâu nghĩ có ngày phải trả giá đắt.

Sáng ngày 7/7/2008, cũng như thường lệ, Tường lại giấu con dao nhọn vào người, phóng xe tới trường học. Hôm đó có giờ thực hành nên Tường và Nam lại chạm mặt nhau và đôi co những chuyện nhỏ nhặt.

Trong một phút mất bình tĩnh, không làm chủ được bản thân, Đào Văn Tường đã rút dao nhọn trong người, dài khoảng 30 cm, đâm liên tiếp 3 nhát vào người Lê Hữu Nam, khiến Nam chết trên đường đi cấp cứu.

Ngay sau khi gây án, Tường bỏ chạy về phòng trọ của bạn, nhờ chở về nhà để đi trốn nhưng chỉ 3 tiếng sau thì bị lực lượng công an bắt giữ ngay tại nhà.

Với hành vi Giết người, Tường bị TAND tỉnh Phú Thọ kết án 14 năm tù. Cho rằng bản án trên là quá nặng vì mình không có lỗi hoàn toàn, Tường làm đơn kháng cáo, tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên mức án cũ, ngoài ra còn bắt Tường phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ. Vậy là tan giấc mơ ông chủ trẻ một gara ô tô.

Muộn mằn nước mắt thương cha mẹ

Về Tân Lập cải tạo, thời gian đầu Tường bỡ ngỡ khi thấy xung quanh mình chỉ có rừng và núi. Dẫu sinh ra ở nông thôn, nhưng Tường chưa phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì của nghề nông. Chính vì thế mà khi lên Tân Lập, làm quen với việc tăng gia, sản xuất, Tường lạ lẫm lắm.

Thấy Tường có học vấn, nhanh nhẹn và tiếp thu nhanh nên lãnh đạo trại giam điều anh ta về đội sản xuất mi giả. Tường bảo công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, cận thận, không được sai sót nên lúc đầu cũng căng thẳng nhưng lâu rồi cũng quen, giờ anh ta ngày nào cũng vượt kế hoạch được giao.

Hỏi về gia đình, bố mẹ, Tường cười bảo nhớ nhà lắm nhưng chỉ mong mẹ hoặc chị gái lên thăm thôi vì bố lên thăm không nói được gì nhiều. Anh ta không dám thú nhận một điều rằng vẫn còn rất sợ bố, sợ thái độ nhìn nhiều hơn nói của bố nên lần nào được phép viết thư về nhà, Tường đều khoe mình tiến bộ.

Anh ta muốn cả nhà yên tâm về mình và qua đó cũng thầm gửi gắm tới mẹ lòng biết ơn và nhắn nhủ mẹ lên thăm. Tường bảo ngày còn ở nhà thì không biết thương bố mẹ, chỉ đòi hỏi thế này thế khác, nhưng khi vào đây rồi, sống cuộc sống mất tự do mới thấy tiếc những ngày ngao du bên ngoài.

Những hôm nóng bức, mải làm tới khi mồ hôi nhỏ thành giọt xuống tay, Tường chợt nghĩ tới bố mẹ, giờ này đang nai lưng ngoài đồng, chắt chiu từng đồng đợi đến tháng thăm nuôi con trong trại, Tường lại khóc.

Tường bảo nhiều hôm không sao ngủ được, vừa ân hận vừa nuối tiếc khiến anh ta trằn trọc mãi. Đã 4 năm trôi qua, thời gian khiến kẻ bồng bột ngày nào trưởng thành lên rất nhiều. Tường bảo từ làm ở đội rau, anh ta chuyển sang làm ở đội giấy và trụ lại ở đội mi giả từ đó đến nay.

“Em vừa được lên chức cậu đấy”, Tường khoe nhưng “cũng ân hận lắm bởi ngày vui của chị gái mà mình không có mặt. Cũng may là anh ấy thông cảm, không vì chuyện của em mà gây phiền hà, khó dễ cho chị gái”.

19 tuổi cầm dao giết người, Tường đâu biết rằng tai tiếng mình gây ra đã khiến chị gái lỡ dở mối tình đầu đã mấy năm đeo đuổi. Trong gia đình, ngoài mẹ, Tường quý chị nhất vì chị gái cưng chiều anh ta hơn.

Chính vì thế mà khi nghe chuyện tình cảm của chị không đi đến đâu, Tường buồn lắm, chỉ mong chị vào thăm để nói lời xin lỗi. Tường bảo ở trong tù nhớ nhà lắm nên mong chị gái vào, phần vì muốn “làm nũng” chị, phần cũng muốn xem chị sau sự cố tình cảm có suy sụp không để động viên chị.

Dường như đoán biết được tâm trạng của đứa em út, lần nào vào thăm, chị gái Tường khóc vì thương em và tuyệt nhiên không một lần than thở về chuyện tình yêu lỡ dở.

Chị Tường đang làm kế toán cho một công ty tư nhân, thi thoảng cũng nhận việc làm sổ sách của một số công ty khác về làm thêm nên thu nhập khá ổn định.

Một anh trai cũng đã có việc làm còn một người đang học năm cuối Đại học, khoa Công nghệ thông tin. Tường mừng cho các anh chị mình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn có một chút gì đó tủi phận.

Giá như Tường biết kìm chế, đừng quá nóng nảy mà cầm dao giải quyết mâu thuẫn thì giờ này có lẽ anh ta đã có một xưởng sửa chữa ô tô như mong ước.  

“Ngày nhận được điện thoại của mẹ báo tin chị chuẩn bị lấy chồng, em mừng lắm, trong lòng thấy nhẹ nhõm hẳn”, Tường kể. Không có cơ hội ở nhà dự ngày vui của chị gái, ở trong trại, Tường thầm cầu nguyện chúc phúc cho chị và hình dung cảnh chị mình tươi cười hạnh phúc, rạng rỡ trong bộ quần áo cô dâu về nhà chồng.

Những cuộc thăm nuôi của chị gái thưa dần nhưng Tường vui lắm khi biết chị có tin vui và sinh một bé gái. Chẳng biết lấy gì làm quà cho cháu, Tường nhờ những phạm nhân cùng buồng bày cho mình cách tết con cá bằng sợi nilon và anh ta đã làm được.

Hôm mẹ lên thăm, Tường gửi mẹ mang quà về cho cháu. Cầm con cá do Tường làm ra, bà mẹ òa khóc vì xúc động bởi không nghĩ rằng có ngày con trai biết nghĩ đến người khác.

“Mẹ em yếu lắm, tóc cũng bạc nhiều rồi. Nhìn mẹ, em chỉ sợ không có cơ hội về báo hiếu”, Tường tâm sự, vội vàng cúi xuống để giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Những chuyện khác có thể nói dối nhưng tình cảm đối với người thân, với cha mẹ chắc chắn Tường không giả tạo.

“Em chỉ mong cải tạo tốt để sớm trở về nhà thôi. Nếu không được giảm án, đến lúc ra trại em cũng mới ngoài 30 tuổi, vẫn còn cơ hội để học nghề”, Tường cho biết.

Dường như anh ta vẫn ấp ủ giấc mơ làm nghề sửa chữa ô tô và khao khát sớm trở về để thực hiện ước mơ ấy. Dẫu không biết Tường có thực hiện được không nhưng tôi cũng thầm chúc cho anh ta toại nguyên bởi đó là một ước mơ rất chính đáng và lương thiện.

  • Mai Hạ
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn