Bảo vệ người tiêu dùng) – Giá gà bán tại các hộ chăn nuôi đang giảm thê thảm chỉ bằng giá một bó rau, EVN lần đầu tiên xin lỗi vì sự cố mất điện, đuổi việc nhân viên tiêm thiếu vắc xin, có thể sử dụng lại vắc xin 5 trong 1 trong tháng 6 tới, Hà Nội chuẩn bị tăng mạnh giá viện phí…
[links()]
Gà rẻ hơn bầu, bí, đậu côve
Tờ Tổi trẻ dẫn lời các hộ chăn nuôi tại khu vực phía Nam cho hay, những tháng qua giá gà liên tục giảm, giá gà công nghiệp loại trên 3 kg/con hiện được các trang trại bán 16.000-17.000 đồng/kg. Giá này tương đương giá khổ qua, đậu đũa, củ cải... thậm chí còn rẻ hơn cả bầu, bí, đậu côve.
Ngày 16/5, giá gà tam hoàng chỉ còn 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 14.000 đồng, nhưng vẫn không bán được.
Giá gà bán tại chuồng giảm mạnh, nhưng người dân vẫn phải ăn gà đắt. Ảnh: TTO. |
Trong khi đó, tại các chợ, siêu thị bán lẻ gia cầm, giá gà nguyên con là 43.000 đồng/kg, đùi gà là 50.000 đồng/kg, cánh gà gần 60.000 đồng/kg, chân gà thì lên tới 71.000 đồng/kg...
Giá gà ở các lò mổ chỉ ở mức 28.000 đồng/kg (gà nguyên con). Thế nhưng, chỉ từ trung tâm giết mổ đến các điểm bán hàng (gồm siêu thị, cửa hàng, chợ lẻ) giá gà đã bị đẩy lên đến 38.000-42.000 đồng/kg, tức tăng thêm 35-50%...
Về tình hình nhập lậu gia cầm, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm, thu giữ 128 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc, gần 447.000 quả trứng gà, trên 626.000 con gà giống, gần 5.000 con vịt… xử phạt vi phạm hành chính hơn 625 triệu dồng.
EVN xin lỗi vì mất điện
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết, chủ trương của EVN là không cắt và sửa chữa điện khi nhiệt độ ngoài trời quá 36 độ C.
Tuy nhiên, một số khu vực vẫn bỗng dưng mất điện. Dù vì trời nắng nóng nên điện lực Hà Nội đã hoãn kế hoạch cắt điện để sửa chữa, đại tu trên lưới điện khu vực Hà Nội.
Theo điện lực Hà Nội, sự cố mất điện giữa lúc nắng nóng là do quá tải, nhảy attomat…
Vì vậy, ngày 17/5, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã gửi lời xin lỗi khách hàng về các sự cố mất điện trong những ngày nắng nóng vừa qua và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ của quý khách hàng.
Đây là lần đầu tiên có một đơn vị thuộc EVN lên tiếng xin lỗi khách hàng vì mất điện. Nếu đơn vị nào của EVN cũng làm như EVN Hà Nội thì có lẽ các đơn vị này chỉ cần nói lời xin lỗi cũng đủ bận túi bụi cả ngày.
Lần đầu tiên một đơn vị của EVN xin lỗi vì mất điện. Ảnh: Infonet. |
Tạm giữ gần 3 tấn sữa bột không rõ nguồn gốc
Ngày 13/5, lực lượng chức năng Đồng Nai đã kiểm tra xe container biển số 33M-4623, do tài xế Nguyễn Văn Ba điều khiển lưu thông theo hướng từ Hà Nội về TP.HCM, đoạn qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng container có gần 3 tấn sữa bột.
Tại thời điểm kiểm tra, do tài xế không có chứng từ chứng minh nguồn gốc cũng như không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên PC46 lập biên bản tạm giữ số sữa bột trên để điều tra, làm rõ.
Đuổi việc nhân viên tiêm vắc xin thiếu cho trẻ
Sau khi họp kiểm điểm việc, Hồi đồng kỷ luật Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã đi tới quyết định buộc thôi việc với y sĩ Bùi Thị Phương Hoa, nhân viên tiêm chủng tại đây, bị phát hiện tiêm thiếu liều vắc xin cho trẻ hôm 19/4.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội,cho biết sẽ tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ về việc đây có phải là sai phạm hệ thống và có liên quan đến những người khác hay không.
Ngay sau đó UBND TP. Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu Sở Y tế kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, bộ phận có liên quan, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu Trung tâm Y tế.
Cuối tháng 6 có thể sử dụng lại 5 trong 1 Quinvaxem
Trong thông báo rộng rãi ngày 14/5, ông Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: Hội đồng khoa học tư vấn về sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã họp và đề nghị bộ trong thời gian tạm dừng vắc xin này (5 trong 1 Quinvaxem, dừng khoảng hai tháng) chưa nên sử dụng loại văcxin khác, mà đề nghị Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Tổ chức Y tế thế giới, sớm đưa ra kết luận cuối cùng về tính an toàn của văcxin Quinvaxem.
“Phương án được đưa ra là nếu cuối tháng 6/2013 không có bằng chứng về mối liên quan giữa Quinvaxem và các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm thì nên sử dụng lại vắc xin Quinvaxem”, ông Hiển cho biết.
Bộ Y tế đang trông đợi vào kết quả kiểm định vắc xin Quinvaxem ở Anh và kết quả làm việc của đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng không có hồ sơ y khoa và các kiểm định vắc xin trước đó đều đảm bảo tính an toàn, rất có thể một lần nữa kết luận lại là “chưa tìm được bằng chứng liên quan”...
Việt Nam có 1,6 triệu ca phá thai mỗi năm
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam mới công bố, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên, tỷ lệ phá thai to ở vị thành niên chiếm 10,4% các ca phá thai to. Lứa tuổi 16-19 chiếm 90,7%, học sinh, sinh viên chiếm 70,9%.
Đáng chú ý, 90,3% các em biết nguy cơ mang thai khi quan hệ tình dục, nhưng có tới 83,3% các em không dùng biện pháp tránh thai nào. Vì thế, 32,3% các em đã có tiền sử nạo hút thai trước đó.
Có thể từ 1/8 Hà Nội sẽ tăng giá viện phí lên gấp đôi. |
Hà Nội điều chỉnh tăng viện phí bình quân gấp đôi
Liên ngành TP. Hà Nội vừa hoàn tất đề án điều chỉnh một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế công lập để trình HĐND TP xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 7 tới, nếu được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/8/2013.
Theo đề án điều chỉnh viện phí, UBND TP Hà Nội đề xuất lộ trình điều chỉnh bằng 75% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ ngày 1/8 và điều chỉnh bằng 100% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ năm 2016.
Theo tính toán của UBND TP, mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng hai lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội.
Như, giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ…
Mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) áp dụng từ ngày 1/8 tại bệnh viện hạng I, điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết, điều chỉnh từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày; các khoa cơ - xương - khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng, mắt, răng hàm mặt, ngoại, phụ sản không mổ, điều chỉnh từ 7.000 đồng/ngày lên 53.000 đồng/ngày…
- Phạm Thanh