Giá vàng thế giới đã giảm 4 phiên liên tiếp và tính đến 21h ngày 21/6 giá vàng giao ngay chỉ còn 1.266 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8/2018 cũng giảm mạnh 0,8% xuống 1.264,50 USD/ounce.
Sự gia tăng đồng đô la làm cho vàng đắt hơn đối với chủ sở hữu ngoại tệ và do đó, làm giảm nhu cầu về kim loại quý. Trong khi đó, lợi suất Kho bạc dài hạn cũng phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tuần, hỗ trợ sự tăng giá của đồng đô la.
Giới phân tích cho rằng, giá vàng vẫn đang trong xu hướng giảm chủ yếu do sự tăng giá của đồng USD. Phiên này, đồng bạc xanh đã vọt lên gần mức cao nhất trong 11 tháng so với giỏ các tiền tệ lớn nhờ đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Bên cạnh đó, phát biểu mới đây của Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8% (mức thấp nhất trong 18 năm) và lạm phát gần mức mục tiêu 2% của Fed, khả năng lãi suất tiếp tục tăng dần lên là rất cao.
Ngày 13/6 vừa qua, Fed quyết định nâng lãi suất lần thứ 2 trong năm, với mức lãi suất cho vay tăng từ 1,75% đến 2%. Việc tăng lãi suất lần này đã cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mức tăng trưởng việc làm và lạm phát gần đạt tới mức mục tiêu của Fed.
Giá vàng giảm còn do giá dầu thô Brent lao dốc mạnh xuống mức 72USD/thùng và giá dầu thô nhẹ ngọt giảm xuống mức 63USD/thùng trong những phiên giao dịch vừa qua do OPEC và một số quốc gia ngoài khối này có thể sẽ xem xét nâng sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp ngày 22/6 để cân đối cung cầu hiện nay trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, những căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc cũng được cho là tác động không nhỏ đến thị trường vàng, các nhà đầu tư không còn coi vàng như một nơi trú ẩn an toàn nữa mà coi đó như một hàng hóa thô.
Ông Trump đã yêu cầu đại diện thương mại Mỹ đưa ra một danh sách các mặt hàng (Trung Quốc) sẽ bị áp thuế 10% với tổng trị giá 200 tỷ USD. Biện pháp này nhằm trả đũa quyết định của Bắc Kinh đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD. Mức thuế này của Trung Quốc tương đương với loạt thuế đầu tiên mà ông Trump áp lên hàng Trung Quốc. Tin tức khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và hỗ trợ cho giá vàng.
Trong nước, chiều qua, giá vàng tiếp tục giảm theo đà giảm của giá thế giới. Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng ở mức 36,7 - 36,8 triệu đồng/lượng. Công ty SJC niêm yết vàng 99,99 ở mức 36,65 - 36,83 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm, giá vàng trong nước cũng khó tránh được xu thế này trong phiên này và một vài phiên tới. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/6 giá vàng trong nước đã chứng kiến đà giảm rất sâu, giảm ngay từ đầu tới cuối phiên và thủng mốc 36 triệu đồng.
Ở thời điểm đầu phiên giao dịch, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đã giảm nhẹ 20 nghìn đồng về 36,72 - 36,92 triệu đồng/lượng.
Cũng giảm nhẹ 10 nghìn đồng, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu là 36,76 - 36,84 triệu đồng/lượng. Giảm mạnh hơn là giá vàng thương hiệu riêng của doanh nghiệp này, Rồng Thăng Long giảm tới 50 nghìn đồng ngay đầu phiên và chỉ còn 35,98 - 36,43 triệu đồng/lượng.
Đầu phiên, chỉ có giá vàng SJC trên hệ thống Doji giữ được giá 36,76 - 36,86 triệu đồng/lượng.
Nhưng mức giá này không giữ dược bao lâu, trong phiên giá vàng trong nước tiếp tục giảm sâu: vàng SJC tại SJC chỉ còn 36,65-36.83 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 70 nghìn đồng chiều mua vào và giảm mạnh 90 nghìn đồng chiều bán ra.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu cũng giảm mạnh 40 nghìn và 50 nghìn đồng về 36,72-36,79 triệu đồng/lượng, giá vàng Rồng Thăng Long thậm chí còn giảm sâu tới 200 nghìn đồng và mất mốc 36 triệu đồng khi chỉ còn 35,78-36,23 triệu đồng/lượng khi kết thúc phiên giao dịch.
Như vậy, tính chung cả phiên này, giá vàng trong nước giảm mạnh từ 90-200 nghìn tuỳ thương hiệu.