Giải mã hiện tượng "bóng đè" trong giấc ngủ

20:30, Thứ bảy 12/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên thế giới, những người thường xuyên thấy ma quỷ trong giấc mơ không phải hiếm. Những câu chuyện xung quanh hiện tượng này vẫn luôn là chủ đề được nhiều người bàn tán và gây ra nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Tình trạng tê liệt trong giấc ngủ (mà dân gian ta quen gọi là "bóng đè") xảy ra khi con người trở nên tỉnh táo nhưng các cơ vẫn trong trạng thái nghỉ ngơi, ngăn không cho con người hành động. Bởi vậy, cho dù người trải qua có cố gắng giãy dụa hay kháng cự như thế nào đều không thể thoát ra trong lúc đó. Sự bất lực này làm cho người bị “bóng đè” trở nên hoảng loạn.

"Bóng đè" là một hiện tượng khá phổ biến.

Ở Việt Nam, tại phòng tư vấn tâm thần Bệnh viện tâm thần TW, cậu Nguyễn Văn Quang (trú tại phố Đào Tấn, Hà Nội) kể lại: Thỉnh thoảng cậu mơ thấy một cô gái xinh đẹp, mặc áo mỏng như sương vào phòng cậu trong giấc ngủ. Cô gái ve vuốt cậu. Nhưng không hiểu sao lúc đó cậu rơi vào một trạng thái bất động, chân tay cứng đờ, muốn nói cũng không nói được. Đến khi vận sức bật dậy thì cô gái biến mất. Nghe chuyện, người nhà cậu không tin, nghĩ cậu mắc bệnh tâm thần nên đưa cậu đến bệnh viện.

Cũng trong tình trạng như anh Quang, chị Ái (TP Thanh Hóa) trở nên hoang mang và hoảng loạn khi đêm nào chị cũng ngủ mơ. Giấc ngủ cứ chập chờn theo kiểu nửa thức nửa tỉnh. Những lúc như vậy, chị thấy có những con vật không rõ hình hài làm cho đầu óc chị như phát điên, khó thở. Dù vẫn tỉnh táo, nhưng chị không thể cựa quậy, tứ chi bất động, cảm giác như có vật nặng đè lên người. Phải một lúc sau chị mới vùng dậy được.

Người bị bóng đè không thể cử động dù rất muốn.

Liên quan đến hiện tượng nói trên, các nhà nghiên cứu James Cheyne và Gordon Pennycook của đại học Waterloo (Canada) đã mở một cuộc khảo sát trên 293 người, hầu hết là nữ giới. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy "bóng đè" xảy ra với tần suất từ 5 đến 60%, phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu. Có những người bị "bóng đè" thường xuyên nhưng có người cả cuộc đời chỉ bị một đến hai lần.

Chính vì thế, giới chuyên gia bác bỏ khả năng "bóng đè" là một hiện tượng siêu nhiên.

Trải nghiệm bóng đè thường in rất sâu vào tâm trí con người.

Thường thì trải nghiệm "bóng đè" sẽ được con người ghi nhớ khá chân thực và rõ ràng sau đó. Một người đàn ông từng kể lại cuộc gặp gỡ tưởng tượng của mình với những đứa trẻ suốt trong một thời gian dài. Chúng hát và đi xung quanh giường của ông ta, thậm chí còn ngồi lên gối và nói chuyện. Tuy nhiên, sự yên bình này kéo dài không được lâu cho tới một đêm ông ta từ chối trả lời câu hỏi của mình. Ngay lập tức, đứa trẻ biến thành một con qủy khủng khiếp lao tới.

Những hình ảnh quái dị luôn xuất hiện khi bị "bóng đè".

Giải mã những hiện tượng trên, các nhà khoa học phát hiện ta rằng sau khi ngủ, các chất hóa não trong cơ thể bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng khoảng 90 phút, lúc này hoạt động của não hết sức kích động, và các giấc mơ đạt mức cao trào.

Nếu cơ thể ở trong trạng thái mệt mỏi hay lo lắng về một vấn đề gì đó thì lúc này hoạt động của chất hóa não giúp giữ con người nằm yên trong khi não ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị nhất.

"Bóng đè" thường hay xảy ra mỗi khi bạn thay đổi chỗ ngủ trong nhà, đến một nơi quá lạnh hoặc quá nóng. Những chuyến đi xa cũng tiềm ẩn nguy cơ "bóng đè", nhất là khi ngủ lại ở một nơi xa lạ, dễ khiến chúng ta sợ hãi.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, "bóng đè" không phải là một bệnh, lại càng không liên quan đến vấn đề mê tín như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn (không có tổn thương thực thể), nguyên nhân chủ yếu là căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc và những nguyên nhân tác động ngoại lai khác như các chất kích thích, rồi loạn nhịp tim...

Hiện nay chưa có biện pháp chữa trị triệt để với hiện tượng này nên cách hạn chế tốt nhất là tập thể dục, ăn uống điều độ, tránh căng thẳng và tạo thói quen đi ngủ đúng giờ để tránh rối loạn giấc ngủ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link