Những thảm họa không đỡ nổi của sách Việt

14:45, Thứ hai 17/11/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Công Lý mặc quần xà lỏn lên bìa sách luật, đồng dao bạo lực hay truyện cổ tích mô tả cảnh sex là những thảm họa khó tin của sách Việt.

Công Lý mặc quần xà lỏn lên bìa sách Bộ luật Dân sự

Công lý mặc quần xà lỏn lên bìa sách luật

Hình ảnh nghệ sỹ Công Lý trên bìa cuốn sách "Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014 ".

Chuyện khó tin này là có thật và đó là cuốn Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014 do NXB Lao động - Xã hội ấn hành. Sách được in 1000 cuốn.

Trên bìa 1 của sách, hình minh họa là một người đàn ông mặc duy nhất quần xà lỏn gồng vai cầm hai chiếc cân, gương mặt tươi cười hớn hở. Không khó để nhận ra đó là khuôn mặt của nam diễn viên hài Công Lý. Tuy nhiên thân hình lại ghép của một lực sĩ nào đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, người chọn hình minh họa đã bị nhầm lẫn và liên tưởng quá nhiều khi "photoshop" ra bức hình Công Lý cầm cân để in lên sách luật. Thông thường, pháp luật phương Tây chọn bức tượng thần Công Lý trong Thần Thoại La Mã làm biểu tượng. Đó là một vị nữ thần bịt mắt cầm trên tay chiếc cân, biểu tượng cho sự công bằng, chính trực, khách quan và lấy lẽ phải làm chân lý. Không phải nam thần và cũng không khỏa thân trần trụi.

Cận cảnh hình ảnh nghệ sĩ Công Lý trên bìa sách

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Thẩm phán Phạm Công Hùng (TAND tối cao) bức xúc: “Khi nhìn vào bìa sách và tên sách, điều đầu tiên tôi có thể nói đó là sự thiếu văn hóa của người thực hiện cuốn sách này khi đưa một hình ảnh hài không ra hài, bi không ra bi để làm bìa cho một tác phẩm với nội dung là Bộ luật dân sự và các văn bản liên quan. Tôi thấy người ta lấy gương mặt một diễn viên hài khá quen thuộc ở miền Bắc ghép vào hình người đứng lên quả cầu và trên người chỉ mặc độc một chiếc xà lỏn. Hai tay dang ra cầm hai chiếc đĩa cân. Liệu đây có phải NXB muốn nói đến hình ảnh mới của công lý, công bằng và tư pháp Việt Nam? Rằng cả nền tư pháp, tố tụng của Việt Nam chỉ là nụ cười hài hước trên một thân hình được lắp ghép?”.

Nam diễn viên Công Lý hiện rất bức xúc vì bị in ảnh trái phép và đang chờ lời xin lỗi từ phía NXB.

Nhà chức trách cho biết cuốn sách đã bị thu hồi cách đây vài tháng.

Truyện cổ tích 18+

truyện cổ tích 18+

Đó là cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành. Trong phần truyện về con thiên nga, người biên soạn đã lấy tích Leđa và con thiên nga trong Thần thoại Hy Lạp để biến nó thành thể loại cổ tích và đưa vào sách. Điều đáng nói hơn tích truyện này kể chuyện thần Dớt vì mê đắm sắc đẹp của nàng Leđa mà biến thành con thiên nga bắt cắp nàng đi và làm tình với nàng. Người biên soạn đã giữ nguyên nội dung đó: 

"Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại....", đó là một đoạn ngắn trong Leda và con thiên nga thuộc cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú.

Từ điển Tiếng Việt Vũ Chất

tu dien vu chat

từ điển vũ chất

Cuốn từ điển tiếng Việt của tác giả Vũ Chất in ở bìa là NXB Trẻ ấn hành là một thảm họa về từ điển. Điều đáng nói là nó không phải duy nhất. Sau khi vụ việc từ điển Vũ Chất bị công chúng phản ánh, người ta còn tìm ra nhiều cuốn từ điển mang phong cách Vũ Chất khác đang lưu hành trên thị trường nhiều năm. 

Cuốn từ điển bị xem là thuốc độc nhiều năm đầu độc các thế hệ học sinh nhờ những phần định nghĩa như: Đồn trưởng là trưởng đồn; Lâu đài là lầu và đền đài; Thơ ngây là ngây thơ; Cào cấu: vừa cào vừa cấu; Nắn bóp: nắn và bóp; Bế mạc: hết dứt buổi hát; Bản sắc: màu tự nhiên; Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả; Bồ bịch là bạn bè thân thích; Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào.

Đồng dao bạo lực dành cho trẻ mầm non

đồng dao bạo lực

Đồng dao dành cho trẻ mầm non là bộ sách tranh 6 tập gồm nhiều bài đồng dao do nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành.

Tuy dành cho trẻ mầm non nhưng cuốn sách lại đưa vào những đoạn đồng dao không phù hợp, ngôn ngữ không có tính giáo dục và có đoạn bạo lực.

Ví dụ đoạn: "Ở với ai/Với bà/Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng/ Lăng gì?/ Lăng Bác/ Bác gì?/ Bác Hồ/ Hồ gì?/ Hồ ao/ Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm". Việc đưa nội dung gây tranh cãi như “Bà ngoại - Ngoại xâm”, “Bác Hồ - Hồ ao”, hay “Quả gì - Quả đấm” vào sách dành cho lứa tuổi mầm non là điều không phù hợp.

Bên cạnh đó, trong cuốn sách này, một bài đồng dao khác cũng có nội dung bạo lực được in trong trang 17 với tên gọi Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng, cũng gây bức xúc:

“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi

Ông Nhăng bảo để mà nuôi

Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro

Ông Nhăng bảo để bà kho

Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng".

Phiếu bé ngoan in hình bán nude

phiếu bé ngoan in hình sex

Một phụ huynh “giật mình thon thót” khi tấm phiếu bé ngoan của con được thưởng in hình nàng tiên cá hở ti. Cháu bé vô tư khoe với cả gia đình rằng “hôm nay con được phiếu bé ngoan nàng tiên cá có cả ti…” khiến bậc phụ huynh này vô cùng bức xúc. 

Trên phiếu bé ngoan có in logo riêng của trường mầm non Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội). Khi trao đổi về vấn đề này lãnh đạo nhà trường mới kiểm tra lại những hình ảnh được in trên phiếu bé ngoan và tịch thu những phiếu không phù hợp.

Bài toán chặt ngón tay

bài toán chặt ngón tay

Một vị phụ huynh rợn người khi dạy con học bài trong tập sách Phép cộng trừ trong phạm vi 100, bài toán có lấy ví dụ "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Bên cạnh đó là hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên. Tập sách còn ghi chú "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1".

Cổng trường treo cờ Trung Quốc

cổng trường treo cờ trung quốc

Cuốn sách Phát minh toàn diện trí thông minh cho trẻ, trang 16 có in hình em bé đứng cạnh cô giáo trước cổng trường và cổng trường treo cờ Trung Quốc. Một em học sinh mang sách về nhà đã thắc mắc rằng cờ này không giống cờ mà em vẫn nhìn thấy. Phụ huynh đã bức xúc phản ánh về sự việc lên truyền thông.

Cuốn sách sau đó được xác định là mua bản quyền Trung Quốc và đối tác yêu cầu không được chỉnh sửa. Thế nhưng điều đáng nói là nó vẫn vượt qua kiểm duyệt để bày bán trên thị trường.

 

 

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Ngọc Dung