Sáng 2/5, nguồn tin từ công an huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, cơ quan CSĐT công an huyện này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Văn Chỉnh (35 tuổi, trú tại bản Khó, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) về hành vi “hủy hoại tài sản”.
Theo điều tra ban đầu của công an huyện Quan Hóa, ngày 26/4, công an huyện nhận tin báo về việc trên địa bàn bản Khó, xã Hồi Xuân vừa xảy ra vụ hủy hoại tài sản nghiêm trọng.
Nghi phạm đã dùng dao chém đứt gân nhiều con trâu trên đồi, gây hoang mang dư luận. Ngay sau đó, lực lượng chức năng công an huyện Quan Hóa đã nhanh chóng vào cuộc.
Sau nhiều ngày điều tra, công an huyện Quan Hóa xác định đàn trâu gồm 11 con bị chém là của bốn hộ dân ở bản Đanh, xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước (giáp ranh với huyện Quan Hóa).
Số trâu này được các hộ thả rông trong rừng, không có người trông coi. Khi đàn trâu trên di chuyển đến khu đồi rừng ở bản Khó, xã Hồi Xuân, đã vào phá hoại hoa màu của gia đình Hà Văn Chỉnh.
Làm việc với cơ quan công an, Chỉnh cho biết do hoa màu của gia đình thường bị đàn trâu phá hoại, quá bức xúc nên đã dùng dao đuổi, chém đàn trâu.
Trong số 11 con trâu bị chém, phần lớn đều bị chém vào chân, đứt gân không thể đi lại được. Những gia đình có trâu bị chém đứt gân (6 con) đành phải giết mổ, bán thịt./.
Nhận định về vụ việc này, luật gia Nguyễn Bảo Quân chia sẻ, việc người dân ở một số huyện vùng núi chăn thả gia súc theo kiểu “tự do” không phải là hiếm. Việc không có người chăn thả, trông nom khiến trâu đi lạc vào phá hoại hoa màu của các hộ dân cũng khiến nhiều gia đình bị trâu phá hoại bức xúc. Ở một số nơi cũng nghi nhận nhiều vụ việc người dân bức xúc với chủ trâu và xảy ra xô xát, cãi vã.
Để có căn cứ xác định khung hình phạt, cơ quan công an phải tiến hành xác định giá trị thiệt hai do hành vi vi phạm pháp luật của Chỉnh gây ra, ở đây là xác định giá trị thiệt hại việc chém đứt gân 11 con trâu của hàng xóm. Phần II, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng như sau: "Giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng". Theo Điều 143, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Điểm g, khoản 2, Điều này quy định, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Điểm a, khoản 3, Điều này quy định, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Căn cứ vào quy định, có thể Chỉnh phải đối diện mức án 15 năm tù nếu gây thiệt hại trên 200 triệu đồng.