"Ở Việt Nam lại khác. Người ta cũng biết con cái họ không phải là tài năng gì, chỉ có một số ngộ nhận. Người ta cũng biết con mình chỉ biết ăn chơi, không chịu học, do đó phải chạy chọt những chỗ học cho nó tử tế, xin xỏ chỗ này, chỗ khác"...
[links()]
Chia sẻ cảm nhận về bài diễn văn "Các em chẳng có gì đặc biệt" của thầy giáo David McColough Jr., trường TH Wellesley, Mỹ, giáo viên các trường PTTH Hà Nội cho rằng đó là một bài diễn văn bình thường, không gây sốc và có lẽ sẽ có nhiều vị phụ huynh Việt Nam không có phản ứng gì.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Phụ huynh Việt Nam sẽ không có phản ứng!
PGS Văn Như Cương |
Tôi không quan tâm quá nhưng ít nhất đã có một người nói ngược chiều với tất cả những bài phát biểu tại lễ tổng kết của trường phổ thông của Mỹ - bao giờ cũng là tuyên dương, khen ngợi học trò.
Tôi không biết thực chất của Mỹ như thế nào nên không dám bình luận bài diễn văn đó là đúng hay sai. Nhưng tôi thấy người dân Mỹ phản ứng có vẻ gay gắt.
Tôi nghĩ rằng những người chỉ đạo về giáo dục nước mình cũng nên xem xét những cách phát biểu, nội dung phát biểu như thế và cũng không nên phủ nhận nó.
Ở Việt Nam lại khác. Người ta cũng biết con cái họ không phải là tài năng gì, chỉ có một số ngộ nhận. Người ta cũng biết con mình chỉ biết ăn chơi, không chịu học, do đó phải chạy chọt những chỗ học cho nó tử tế, xin xỏ chỗ này, chỗ khác.
Nếu bài diễn văn này ông thầy đó nói ở Việt Nam thì chắc sẽ không có phản ứng, bởi phụ huynh họ biết rõ con cái họ như thế nào.
Số phụ huynh tự đề cao con mình như thiên tài, giỏi nhất là chuyện hiếm và không hiểu biết thôi. Người ta tưởng con mình chưa đi học mà đã đọc được chữ, viết được con số lớn lên sẽ học lớp văn, nếu làm được toán nữa thì tưởng là ghê gớm lắm. Nhưng số đó rất ít.
Còn thực chất, số phụ huynh ở Việt Nam nhận thức được con mình khá điểm nào, nghịch ngợm như thế nào, ăn nói, học hành ra sao phụ huynh đều biết rõ. Cho nên một bài diễn văn nói rằng "các em chẳng có gì đặc biệt" đâu, chẳng có gì tài năng lắm đâu, phải cố gắng học lên tôi nghĩ sẽ không gây ra phản ứng gì nhiều.
"Đánh giá không đúng năng lực của con khiến cha mẹ luôn ảo tưởng về con mình". - GS Văn Như Cương - |
Tất nhiên, chúng ta phải đánh giá con mình cho đúng mức để thấy chúng có điểm mạnh, điểm yếu gì và rèn luyện để mà khắc phục. Còn việc tôn chúng lên mây xanh thì sẽ làm hại cho chúng nó thôi. Nhưng tôi nghĩ ở khía cạnh đó phụ huynh Việt Nam không thận trọng.
Khía cạnh thận trọng hơn là biết được khả năng của con mình như thế nào nhưng vẫn cố chạy cho được, xin cho được vào những chỗ học căng thẳng, thuộc vào chỗ đáng nhẽ ra phải là học sinh khá mới vào học, nhưng vẫn chạy cho bằng được, bắt con học thêm bằng được để cho con được vào trường chuyên, lớp chọn, cái đó mới nguy hiểm hơn.
Nó đuối sức. Nó gánh được 30 cân lại bắt chúng gánh 40 - 50 cân làm cho chúng giảm sút tất cả mọi chuyện. Đôi khi họ cũng biết vậy, nhưng việc con họ không vào trường này, trường nọ họ cho rằng sẽ không vươn tới được những chỗ tốt hơn. Thậm chí, đạp đổ cổng trường để vào trường tưởng là con sẽ học tốt hơn, là ghê gớm lắm nhưng người ta đâu biết rằng con họ không chỉ học chỗ đó mà học ở chỗ khác cũng tốt hơn. Vấn đề ở chỗ đó. Đánh giá không đúng năng lực của con khiến cha mẹ luôn ảo tưởng về con mình.
Ông Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THPT DL Lômônôxốp: Coi con mình là nhất sẽ khiến đứa trẻ quên đi trách nhiệm nó là một con người!
Sau khi được biết đến bài phát biểu của thầy David McColough Jr. trong buổi tốt nghiệp tôi thấy nếu nói đây là phát biểu gây sốc và gây chấn động nước Mỹ có lẽ cách diễn đạt chưa thuyết phục.
Các em đã được cung cấp, đã được rèn luyện và tự rèn luyện để có một hành trang hoặc đi tiếp con đường học vấn ở các cấp học và các trường khác nhau, hoặc bước vào cuộc sống lao động để tạo ra sản phẩm cho xã hội và nhu cầu lợi ích cho bản thân mình. Cho nên, chinh phục được ngưỡng tốt nghiệp THPT là bước trưởng thành rất quan trọng trong cuộc đời học sinh của các em.
Ông Lê Tiến Dũng |
Theo suy nghĩ của những người làm công tác giáo dục như chúng tôi, bài phát biểu cũng bình thường thôi. Lời nhắn nhủ của thầy rất chân tình, rất nhân văn, sâu sắc và rất có trách nhiệm của một người thầy đối với các học trò của mình ở chỗ: các em vừa tốt nghiệp bậc PTTH, các em phải tự nhận thức được rằng giáo dục là một quá trình, một chuỗi hoạt động giúp cho con người ta trưởng thành về mặt nhận thức và tự nhận thức để các em cảm thấy tự tin, có trách nhiệm khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Ông David McColough đã nói lên được ý nghĩa giáo dục: Mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. Tôi thấy sâu sắc ở chỗ đó.
Cũng tương tự như vậy, các em học sinh được vào học ở những trường phổ thông dân lập như chúng tôi là để được giáo dục chứ không phải để được phục vụ. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cũng như các thầy cô giáo cũng như các cán bộ phục vụ ở trường chúng tôi làm thế nào đó để các em cảm nhận được các em ở trong môi trường được giáo dục. Còn phục vụ, đó là trách nhiệm của chúng tôi, chứ không phải các em cảm nhận được rằng các em là những đối tượng được phục vụ. Điều đó rất nguy hiểm.
Cái này nó đồng điệu với lời nhận xét, phát biểu của thầy David McColough Jr. tại buổi lễ tốt nghiệp đó ở chỗ: Chúng ta tôn trọng các em, chúng ta yêu thương các em nhưng không có nghĩa chúng ta tôn các em là thượng đế với nghĩa các em là đối tượng được phục vụ, là đặc biệt với nghĩa này.
Khi chúng ta yêu học trò, chúng ta yêu con cái, chúng ta không biết cách yêu sẽ dẫn đến học trò, con cái phát triển không như mong muốn, mà đó là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục trong việc quan tâm, bồi dưỡng, dẫn dắt thế hệ trẻ trở thành những con người sau này xây dựng đất nước như lời Bác dạy: có trở nên vẻ vang hay không? có hòa nhập được hay không? có làm cho đất nước ta sánh vai với các cường quốc hay không trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những thay đổi?
Điều nữa mà tôi tâm đắc nhất ở bài diễn văn của thầy giáo này đó là: "Các em hãy nhớ rằng, những người tạo dựng nên nước Mỹ là những người có công như thế nào". Đây chính là cái giáo dục truyền thống rất tốt.
Ông cũng nhắn nhủ với học sinh của mình hãy tự chủ, hãy độc lập sáng tạo, không bao giờ cho phép mình tự thỏa mãn với những cái mình đã đạt được để hướng tới việc mang đến niềm vui, hạnh phúc, cho những người khác. Điều đó rất nhân văn và đầy trách nhiệm.
Ở nước ta, chuyện cha mẹ coi con mình là vàng, là ngọc, là nhất thiên hạ là có và điều đó là niềm tự hào, hãnh diện của cha mẹ về con cái là đúng.
"Khi người lớn tự cho mình được tự do thái quá, ứng xử với người khác không chân thành, không có trách nhiệm, hời hợt, vô cảm thì con trẻ sẽ bắt chước. Chúng ta phải dám nhận rõ nguyên nhân này để có cái điều chỉnh khiến thế hệ nối tiếp phải tốt lên.". - Ông Lê Tiến Dũng - |
Chỉ có điều ở mặt giáo dục, nếu như mọi điều phát ra từ con mình, mọi sự yêu thương, quan tâm, bao bọc, coi con mình là trung tâm của vũ trụ thì là sai. Bởi con em chúng ta muốn trưởng thành được, muốn làm con người có học vấn, trình độ, văn hóa là phải do sự giáo dục của gia đình, tuyệt đối không được coi con tôi là nhất thiên hạ.
Từ xa xưa, các cụ đã dạy: Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường khối kẻ còn giòn hơn ta. Tức là còn nhiều người tốt, người giỏi, cần phải học. Con mình phải hòa nhập thì mới học được cái hay, cái tốt, cái đẹp của người ta để tự kiểm tra, tự phấn đấu theo hướng nhà trường, các thầy các cô dạy dỗ. Còn nếu cứ coi con mình là nhất thì sẽ khiến đứa trẻ quên đi trách nhiệm nó là một con người.
Tôi nghĩ các bậc cha mẹ học sinh khi được biết về bài phát biểu này cũng giống như tôi và nghĩ rằng: mình phải suy nghĩ lại về việc dành tình cảm như thế nào đối với con em mình, với học sinh của mình. Tôi luôn quan niệm rằng mỗi học sinh là một cá thể, là một thế giới riêng. Các em có thể va vấp, nhưng các em có rất nhiều những tiềm tàng mà chúng ta có thể giúp các em nhận ra và phát huy.
Chúng ta chứng kiến rất nhiều những hiện tượng làm chúng ta đau lòng, ví dụ như câu chuyện Đồi Ngô vừa rồi, thấy cái xấu mà không dám phê phán. Đó là sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm.
Tôi rất không thích, tôi phản đối cái sự hời hợt. Nếu học tập, rèn luyện nghiêm túc, lúc đầu có thể có khó khăn nhưng khi đã cảm thấy cái đấy là cái có lợi không phải chỉ riêng cho ta mà cho bạn bè ta, cho những người xung quanh ta thì sẽ cảm thấy rất hứng thú. Kỷ cương đó nghiễm nhiên trở thành một cái tự nhận thức và hãy coi chuyện đó là bình thường.
Nếu chỉ coi con mình là đặc biệt, học sinh của mình là đặc biệt, là đối tượng để xung quanh mình phục vụ thì sẽ dẫn đến trở nên ích kỷ, sẽ dẫn đến chuyện sợ sệt. Ý thức của các em thế nào, của các công dân khác thế nào khi mà thấy các hiện tượng ác mà vô cảm, tránh né? Nó xuất phát từ nhận thức, đánh giá về con người không đúng mà cụ thể ở đây là nhận xét, đánh giá của cha mẹ đối với con cái, của thầy cô đối với học sinh.
Hơn nữa, khi người lớn tự cho mình được tự do thái quá, ứng xử với người khác không chân thành, không có trách nhiệm, hời hợt, vô cảm thì con trẻ sẽ bắt chước. Chúng ta phải dám nhận rõ nguyên nhân này để có cái điều chỉnh giúp thế hệ nối tiếp phải tốt lên.
Tôi là một người cha có 3 đứa con, cái phân định vai giữa người thầy trong nhà trường và người cha trong gia đình tôi coi đấy là một sự may mắn cho mình thực hành công tác giáo dục. Với tôi, các con mình không phải là thần đồng hay là cái gì đặc biệt, đều là những đứa trẻ bình thường thôi.
Tôi khuyến khích các con cố gắng có phương pháp đúng và nhận thức đúng trong gia đình, ứng xử với bố mẹ, ông bà, các em, và bạn bè làm thế nào để chúng tự tin và cảm thấy thoải mái. Các con tôi không phải là xuất sắc về kết quả học tập, nhưng tôi luôn luôn nhắc các con phải trung thực. Đừng bao giờ hưởng ứng và nếu thấy gian lận trong học tập thứ nhất phải tránh, khéo léo nhắc bạn, đừng bị hấp dẫn bởi những thứ đó.
Sau khi đọc bài diễn văn của thầy David McColough Jr. tôi cũng đã đưa cho thằng út đang chuẩn bị thi vào lớp 10 đọc. Nó bảo: "vâng, con đọc rồi. Con thấy bình thường, đâu mà sốc". Và tôi thấy hài lòng về câu trả lời của nó.
Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thực Nghiệm: Không phải phát hiện mới
Bà Lê Thị Mai Hương |
Những lời phát biểu của thầy David McColough Jr. có thể gây sốc đối với học sinh THPT Mỹ, khi mà họ đã được một sự quan tâm ưu ái mọi mặt.
Nhưng đó không phải là một phát hiện mới, nhiều người lớn đã suy nghĩ đến chuyện này, người ta không chỉ phát biểu trong một dịp lễ tốt nghiệp như thế.
Trong những dịp này, thường là những lời khen ngợi động viên khích lệ sự cố gắng và mở ra những tương lai tốt đẹp cho các em học sinh trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đương nhiên, đây không phải là lời cảnh báo dành riêng nước Mỹ, mà cho lớp thanh niên trẻ trên toàn thế giới.
Theo tôi, việc coi con mình là nhất nhưng lại sợ con cái họ tư duy khác biệt là do điều kiện sống ngày nay đã khác xa trước kia, vì vậy những người làm cha mẹ trước kia đã có cuộc sống vất vả thường có xu hướng mong con cái mình có cuộc sống đầy đủ hơn mình trước kia.
Tâm lý cầu toàn cũng khiến bố mẹ mong muốn con mình phát triển theo một con đường an toàn vạch sẵn, trước những khó khăn cám dỗ của xã hội, bố mẹ có xu hướng bảo bọc con tránh xa chứ không tìm cách giúp con tự vệ để có thể đứng vững vàng trong cuộc sống.
"Đối với con cái, khi giáo dục chúng tôi học cách lắng nghe, tập đóng vai mình là con để có thể cố gắng hiểu được con, từ đó phân tích xem những yêu cầu gì là chính đáng, yêu cầu gì là quá đáng để xử sự. Cũng cần có những nguyên tắc giới hạn mà con cần biết là không được phép vượt qua". - Bà Lê Thị Mai Hương - |
Hậu quả là sẽ có một lớp thanh niên sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, đề cao cái tôi, coi sự chăm sóc của cha mẹ và người khác là đương nhiên nhưng ít khi biết làm điều ngược lại là quan tâm đến người khác. Điều này dẫn đến sự vô cảm của một lớp trẻ. Nhưng cần nhấn mạnh chủ yếu là con cái của gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở các thành phố lớn.
Mặt khác, sự bảo bọc quá mức của người lớn cũng khiến trẻ không có được kỹ năng sống, sẽ gặp khó khăn khi buộc phải rời khỏi vòng tay cha mẹ để tự mình kiếm sống.
Với tôi, dạy học đúng nghĩa vô cùng khó. Không có một công thức nào cho mọi đứa trẻ. Điều này đòi hỏi người giáo viên cần phải linh hoạt. Tuy nhiên cần phải có nguyên tắc làm việc, kể cả ngay với trẻ nhỏ.
Ở trường chúng tôi, không có trẻ em nào là rất đặc biệt. Chúng tôi chấp nhận những khả năng khác nhau của các em và cố gắng giúp các em phát huy. Nhưng chúng tôi không ép các em làm những điều quá sức. Sự động viên là cần thiết, lời khen đúng lúc là phương pháp hữu hiệu.
Tuy nhiên, không có sự nuông chiều hoặc tung hô quá mức. Và chúng tôi nhận ra rằng, học sinh ở độ tuổi THCS đã hoàn toàn có thể tự đánh giá được bản thân và đánh giá lẫn nhau về khả năng của chúng. Thống nhất những quy định và tôn trọng quy định, tôn trọng và đánh giá cao từng học sinh là nguyên tắc làm việc của giáo viên trong trường chúng tôi.
Đối với con cái, khi giáo dục chúng tôi học cách lắng nghe, tập đóng vai mình là con để có thể cố gắng hiểu được con, từ đó phân tích xem những yêu cầu gì là chính đáng, yêu cầu gì là quá đáng để xử sự. Cũng cần có những nguyên tắc giới hạn mà con cần biết là không được phép vượt qua.
- Thường Xuân (Thực hiện)