Tuổi thơ vất vả dạy tôi không gục ngã trong nghề
Phải mất mấy lần hẹn đi hẹn lại, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với thiếu úy Vũ Văn An (Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội). Chàng CSGT trẻ có nụ cười bẽn lẽn, vừa xấu hổ, vừa giải thích cho tôi rằng, anh vừa làm, vừa học liên thông nên quỹ thời gian hơi hạn hẹp, phải tranh thủ mãi mới có vài phút buổi chiều tối, vừa nghỉ đổi ca, vừa tranh thủ đi ăn, thay quần áo và nói chuyện.
Thiếu úy Vũ Văn An (Đội CSGT số 3, Phòng CSGT Hà Nội). |
Khi được hỏi, vất vả như vậy, không sợ bị đau dạ dày hay sao, anh tủm tỉm: "Nghề của mình nó vậy rồi. Đau dạ dày trở thành... bệnh chung của hầu hết anh em trong ngành. Sinh nghề tử nghiệp. Đã theo thì đành chấp nhận thôi".
Vũ Văn An sinh năm 1987, tại Hà Đông, Hà Nội. Bố mẹ ly dị từ khi còn rất nhỏ, An sống với mẹ và em gái, ý thức được mình là trụ cột trong gia đình khiến anh trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Chàng thiếu úy trẻ cho biết, tuổi thơ của mình gắn liền với những buổi lăn lộn theo mẹ buôn bán ngược xuôi ngay từ khi 9 tuổi, kinh qua đủ mọi “nghề” kiếm sống, từ “đầu bếp” kiêm phục vụ trong quán phở của mẹ, tới “nhân viên” bán chè và hoa quả ngoài chợ…
Nhiều đêm chứng kiến mẹ lặng lẽ khóc thầm, An như cảm thấy những giọt nước mắt không khác gì lưỡi dao đâm vào trái tim bé nhỏ. "Những lúc ấy, mình chỉ ước, giá mình lớn nhanh hơn, để làm bờ vai vững chắc cho mẹ và em thơ an tâm dựa dẫm. Những lúc ấy, mình chẳng biết làm gì cả, chỉ biết quyết tâm học và làm thật nhiều việc để mẹ khỏi vất vả, lo lắng thôi", anh ngậm ngùi kể lại. "Mình còn nhớ mãi, năm mình 12 tuổi, đang đi bán hoa quả ngoài chợ thì nghe tin mẹ bị tai nạn phải vào bệnh viện. Lúc đó mình chết lặng. Mình sợ. Sợ rằng mẹ có làm sao thì anh em mình sao sống được. Lúc đó, mình vứt hết sạp hoa quả ngoài chợ, chạy bộ 1 mạch 3 cây số vào bệnh viện mà ôm mẹ khóc. Cũng may là mẹ không sao. Nhưng cũng từ đó, mình quyết tâm sẽ không bao giờ để mẹ mình như vậy nữa".
Tuổi thơ vất vả rèn cho Thiếu úy Vũ Văn An không gục ngã trong nghề. |
Khi được hỏi về việc trưởng thành quá sớm, liệu có khi nào chàng thiếu úy này cảm thấy bất hạnh hay không, anh chia sẻ: "Trước kia, mình chỉ thấy, cuộc sống của mình sao vất vả quá, gia đình chạy vạy bữa nay lo bữa mai. Nhưng sau này lớn lên mới biết, cái gì cũng có giá của nó. Chính những nghịch cảnh ấy khiến mình mạnh mẽ hơn để không bị gục ngã trong nghề sau này".
Nói về lý do chọn theo CSGT, An ngượng nghịu: "Thú thật là khi đặt bút chọn nghề, mình không nghĩ gì nhiều đâu. Mình chỉ nghĩ, gia đình mình khó khăn như vậy, nếu học các trường khác thì sẽ rất tốn kém. Ấy thế mà lúc đầu chọn đại vậy mà may. Bởi càng làm nghề, càng thấy tình yêu với nghề nó ăn sâu vào buồng tim, thớ thịt mình".
Những chuyện đời đẫm nước mắt chia ly
Vũ Văn An tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1 năm 2009 và hiện đang theo học liên thông tại Học viện Cảnh sát Nhân dân (Hà Nội).
Vừa học vừa làm nên anh vất vả hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp. Anh chia sẻ: “Buổi sáng mình đi học lúc 6 rưỡi sáng đến tận 4 giờ chiều mới tan, thì 4 rưỡi chiều là ca trực của mình, nên lại vội vàng về đội. Những hôm không có việc đột xuất thì trực đến 10h tối, còn những hôm nào có việc thì cứ xác định là đến 6h sáng hôm sau mới hết ca. Việc thức trắng đêm là chuyện xảy ra như cơm bữa. Ban đầu thì thấy mệt mỏi, hầu như không còn chút sức lực nào trong người. Nhưng lâu dần cũng thấy quen thôi”.
An cũng cho biết, 5 năm gắn bó với nghề, là 5 năm anh tiếp xúc với đủ loại người trong xã hội, chứng kiến biết bao câu chuyện buồn vui, trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, bi có, hài có.
"Khi ngồi trên ghế nhà trường, được thầy cô cảnh báo trước rằng, nghề này không khác gì làm dâu trăm họ. Làm tốt không ai khen, nhưng không tốt sẽ bị ghét. Nhưng không ngờ ra nghề lại thấy, sự thật khủng khiếp hơn nhiều" - chàng thiếu úy trẻ nói.
Nghề CSGT giống như làm dâu trăm họ. |
"Nghe chửi bới, đe dọa, mắng mỏ... là chuyện hầu như ngày nào mình cũng phải trải qua. Lúc đầu vào nghề mình thực sự sốc, vì những người bề ngoài nhìn rất trí thức, nhưng không ngờ lại có thể nói ra rất nhiều câu khó nghe. Lúc ấy thấy tủi thân lắm. Vì mình làm đúng trách nhiệm của mình, bảo vệ sự an toàn của họ, thế mà họ lại coi mình như cái gai trong mắt. Sau này, mình học được cách kiên nhẫn, làm lơ với những lời đó. Mình làm đúng trách nhiệm thì không sợ gì cả".
Và hơn hết, anh An cho biết, ngoài những lần bị "mắng chửi như hát hay", còn có những kỷ niệm, có những con người đã khiến anh yêu mến và tự hào với nghề của mình hơn rất nhiều. An kể, mãi về sau, anh vẫn không quên được hình ảnh một người đàn ông tướng mạo hung dữ, xăm trổ đầy mình, lao xe vun vút, không mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe bị anh dừng lại. Lúc đầu, người đàn ông này buông những câu tục tĩu, khó nghe, nhưng được An và đồng đội giải thích cặn kẽ, rằng chạy xe như vậy rất nguy hiểm thì anh ta lại bật khóc.
"Anh ấy kể, dù mình có bị ngã gãy tay hay gãy chân cũng phải vào bệnh viện nhìn vợ lần cuối. Vợ anh ấy sắp ra đi. Anh em trong đội nghe vậy thương lắm nên quyết định cử mình chở anh ta vào viện gặp vợ. Sau này, mỗi khi rảnh, anh ta đều ghé qua bốt mình làm việc để cảm ơn. Anh ta bảo, cả đời chả làm gì tốt với vợ cả. Nhưng lần gặp cuối đó, vợ đã tha thứ và khuyên anh ta nên tu chí làm ăn, đối xử tốt với mọi người. Mỗi lần nói về vợ, anh ta đều khóc rưng rức như trẻ con", An kể lại.
Nhắc đến CSGT, nhiều người nghĩ ngay đến hành vi... "ăn" hối lộ, nhưng chàng thiếu úy còn rất trẻ này lại cười tươi: "Từ khi ra nghề đến nay, mình tự hào rằng, mình chưa từng nhận một đồng hối lộ nào. Sau này cũng thế. Mình muốn sống như cây tùng cây bách, chứ không muốn làm sâu mọt của dân".
An cũng bật mí, không phải ai làm CSGT cũng cứng nhắc, chỉ chăm chăm phạt theo luật. Bởi vì: "Nhiều người lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội không biết đường, vi phạm luật nhưng mình chỉ gọi vào chỉ nhắc nhở chứ không phạt. Nhưng nếu vi phạm lần 2 mà bị mình gặp được, thì mình sẽ phạt đấy. Mình cũng từng nghèo mà, nên mình hiểu, kiếm được đồng tiền đâu có dễ. Nhưng không phải vì thế mà phạm luật được".
Đôi khi phải trả giá bằng cả máu và nước mắt
Những tháng ngày làm CSGT, An cũng gặp phải nhiều tai nạn nghề nghiệp. Lần gần đây nhất là bị chấn thương ở chân, phải nằm viện hơn 1 tháng. An kể lại: “Lúc đó là nửa đêm, mình nhận được tin báo có đối tượng không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao đã vượt qua 2 chốt CSGT. Mình liền ra đón đầu. Đối tượng thấy mình thì cua xe vòng sang đường khác định chạy. Ai dè bị ngã xe, mình ở gần đó nên bị mảnh vỡ của xe găm vào chân, phải nằm viện mất hơn một tháng” – chàng cảnh sát giao thông trẻ nhớ lại.
“Trong đội của mình, hầu hết ai cũng từng bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Mình bị như vậy đã là rất nhẹ nhàng rồi. Có nhiều đồng chí còn hy sinh khi truy bắt đối tượng vi phạm lúc nửa đêm. Có đồng chí ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, bỏ lại vợ con nheo nhóc. Mình đến thăm mà thấy tội vô cùng. Lúc đó, dù cứng rắn và mạnh mẽ đến đâu cũng không kìm lòng được mà rơi nước mắt. Những khi ấy, chỉ lặng lẽ hứa với lòng rằng, khi đi làm sẽ thật cẩn thận. Mình mà làm sao, mẹ và em gái biết sống thế nào?”- chàng cảnh sát giao thông trẻ ngậm ngùi.