Hà Nội bát nháo dịch vụ đổi tiền lẻ

18:45, Thứ tư 22/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Để kiếm lợi từ việc đổi tiền lẻ tiêu tết, nhiều “con buôn” đã sắm vai là người bán hàng rong, trông giữ xe để đổi tiền lẻ ăn chênh lệch giá cao. Thậm chí, họ dùng mạng xã hội để giao dịch, bất chấp lệnh cấm của nhà nước.

Thời điểm này những năm trước, chỉ cần dạo quanh các tuyến phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm – Hà Nội) là có hàng chục người ngồi bày rao đổi tiền lẻ tiêu tết. Lượt người đến, người đi khiến cả con phố nhỏ trở nên tấp nập và ồn ào. Tuy nhiên, vào những ngày cận tết Giáp Ngọ, không khí ở phố “thế giới sách” này “bỗng” trầm lặng. Thay vào đó là những cái ngó nhìn, thăm dò khách đến đổi tiền hay mua sách kèm theo lời mời nhỏ “Đổi tiền lẻ à?”.

Nhiều "con buôn" sắm vai là người trông xe, bán nước để mời chào đổi tiền lẻ.

Những người đứng ở đây thường “đóng vai” là người bán nước, bán hàng rong hay trông giữ xe để giao dịch đổi tiền lẻ. Khi có khách đến phố, từng người đon đả ra gọi mời gửi xe, uống nước và mách nhỏ ở đây có đổi tiền lẻ. Khi nhận được cái gật đầu đồng ý đổi tiền, họ nhanh nhẹn dắt xe cho khách và dẫn vào góc khuất để trao đổi mệnh giá tiền và giá chênh lệch. Trong vai là người có nhu cầu đổi tiền, nhóm PV báo Phunutoday đã có cuộc “giao dịch” với một người phụ nữ hành nghề đổi tiền lẻ.

PV tiếp cận được người phụ nữ chuyên đổi tiền khi ngỏ ý muốn đổi tiền với số lượng lớn. Vì sợ bị phát hiện nên người phụ nữ này ngồi im sau gốc cây và vẫy chúng tôi lại để “giao dịch”. Như có ý thăm dò, người này hỏi ngay: “Đổi luôn bây giờ hay chỉ hỏi?”. Chưa kịp trả lời, chúng tôi được nhận ngay câu giải thích: “Nếu đổi luôn thì vào đây bàn chuyện còn nếu chỉ tham khảo thì miễn, hôm sau mang tiền đến thì đổi”. Khi biết chúng tôi mang tiền đi đổi, người phụ nữ đon đả dắt chúng tôi vào sau một bức tường để nói cụ thể giá cả.

Được biết, mệnh giá tiền đổi càng thấp thì độ chênh lệch đổi càng cao. Với tiền mệnh giá là 10 nghìn đồng thì tỷ lệ “10 ăn 7” (tức đổi 100 nghìn đồng thì nhận 70 nghìn đồng). Nếu tiền mệnh giá là 20 nghìn đồng thì tỷ lệ “10 ăn 8”. Còn nếu tiền mệnh giá 50 nghìn đồng thì tỷ lệ “10 ăn 9”. Tuy nhiên, theo lời người phụ nữ nói, nếu đổi càng nhiều thì tỷ lệ chênh lệch sẽ ít hơn và còn được ưu tiên nhận tiền mới, cùng dãy số seri.

Khi yêu cầu muốn đổi loại tiền mệnh giá 5 nghìn đồng thì người phụ nữ này lắc đầu và trả lời với giọng điệu ngán ngẩm: “Thời này, lấy đâu ra tiền 5 nghìn đồng lại còn mới để đổi nữa. Nếu có, thì giá chênh cao lắm, 10 ăn 5 có chịu được không?”. Người phụ nữ này cũng cho biết, đối với loại tiền mệnh giá 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng thì không còn tiền mới và cũng không cùng dãy số reri, tiền này chỉ thu gom lại thành tệp lớn để đổi với tỷ lệ chênh “10 ăn 8”.

Khi PV gợi ý có nhu cầu đổi số tiền lớn, người phụ nữ khẳng định: “Bao nhiêu cũng đổi được hết, quan trọng là tiền trao, cháo múc. Nếu muốn đổi thì cứ đến gặp chị ở đây”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ không chỉ diễn ra trên các tuyến phố mà còn diễn ra trên cộng đồng mạng xã hội. Nhiều cá nhân đã tận dụng tiện ích trang facebook để giới thiệu dịch vụ đổi tiền lẻ cùng với đó là ghi rõ tỷ lệ chênh lệch khi đổi các loại mệnh giá tiền. “Chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ số lượng lớn với đủ mọi loại mệnh giá.Tiền lẻ mới 100%. Nhanh chóng chuyên nghiệp với chi phí thấp nhất”, một trang facebook dịch vụ đổi tiền lẻ đăng tải.

Trên facebook, dịch vụ đổi tiền lẻ cũng hoạt động mạnh.

Chuyện đổi tiền lẻ trên các tuyến phố, cộng đồng mạng là vậy. Trong khi, nhiều người đã tìm đến các ngân hàng để đổi tiền thì nhận lại câu trả lời “không có” hoặc “năm nay khan hiếm nên đổi không được nhiều”.

Chị Nguyễn Linh Giang (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Sáng nay, tôi có đến ngân hàng Vietinbank để đổi tiền lẻ những không đổi được. Họ bảo năm nay khan hiếm nên đổi không được nhiều, các nhân viên của ngân hàng còn không đổi được huống gì chúng tôi”.

Chia sẻ về việc chệnh lệch tỷ lệ đổi tiền, chị Nhung (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Mọi năm tôi còn đổi được loại tiền mệnh giá 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng. Nhưng năm nay chỉ đổi được loại tiền 20 nghìn đồng và 50 nghìn đồng. Tỷ lệ chênh lệch đổi cũng cao, khi đổi 10 ăn 8 thì cũng mất một ít tiền, xót thật nhưng cũng đành vì có tiền để lì xì tết”.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã cấm hành vi đổi tiền lẻ nhưng thực trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và còn công khai trong những ngày giáp tết. Lợi dụng nhu cầu đổi tiền lẻ của mọi người nên đã có nhiều kẻ “đục nước, béo cò” tăng tỷ lệ chênh lệch hòng vụ lợi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng giải quyết vụ việc và có những giải pháp đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ tiêu tết của nhân dân theo đúng pháp luật.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Trịnh Đình Tú