Theo bảng đánh giá cấp độ dịch này thì Hà Nội không còn phường xã nào ở cấp độ dịch 3, 4. Trong ngày 11/2 Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố ghi nhận 2.908 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 610 ca cộng động, 2.298 ca đã cách ly, phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày gồm Hoàng Mai (112 ca), Đông Anh (106 ca), Chương Mỹ (101) ca, Đống Đa (95 ca), Hoài Đức (94 ca),…
Báo cáo tại hội nghi giao ban công tác phòng chống Covid-19 chiều 11/2, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ 26/1 – 10/2, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước.
Theo đánh giá thì đây có thể là mức giảm “giả tạo” và trong tuần tiếp theo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể ghi nhận số ca mắc tăng cao. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội đã được đến trường học trực tiếp sau hơn 9 tháng nghỉ. Việc mở cửa trường học không tránh khỏi những rủi ro, nguy cơ lây nhiễm học sinh trở thành F0. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học là cần thiết và các trường cần lên kịch bản ứng khó để tránh lây lan rộng.
Sắp tới đây, Hà Nội cũng mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế,… Nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron khá cao. Chính vì vậy các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà; các túi thuốc điều trị F0…