Bùng phát dịch bệnh
Ngày 25/7, đại diện Bệnh viện E cho hay, trung bình mỗi ngày khoa Bệnh Nhiệt đới đã khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị để giảm nguy cơ biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
7h ngày 25/7, toàn bộ nguồn nhân lực của khoa Bệnh Nhiệt đới đều tập trung vào khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho hay, cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây, cao điểm ngày 24/7, người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới lên đến 80 người.
Đối với những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới đã cho 40 bệnh nhân xuất ra viện. Nhưng ngay đêm hôm đó, (rạng sáng ngày 25/7) lại có thêm 25 bệnh nhân mắc mới phải nhập viện điều trị.
Theo BS Hạnh, tính đến nay, Khoa đang theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh nên đã hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có thể tăng gấp 2-3 lần nhưng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng và biến chứng lại không nhiều. Qua điều trị thực tế, các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới gặp các tình trạng biến chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết như: ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể sốt xuất huyết nặng hay nhẹ)…
Trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, BS Hạnh khuyến cáo, người bệnh nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…
Còn theo BS Vũ Mạnh Cường – Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, những cảnh báo của ngành y tế về dịch sốt xuất huyết đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc đi khám và điều trị sớm khi mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ làm cho các bệnh viện quá tải.
Sau khi khám, chẩn đoán bệnh, các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới sẽ sàng lọc đối với những bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Nhưng đối với những bệnh nhân nặng, xuất hiện đau đầu, sốt cao, tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm, có nhiều nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng sẽ được chỉ định vào viện theo dõi.
Bệnh nhân tăng nhanh đến từ phía Bắc Thủ đô
Theo các bác sĩ ở khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân khám và điều trị ở khoa Bệnh Nhiệt đới tập trung chủ yếu ở phường Mai Dịch, Dịch Vọng, Cầu Diễn (quận Cầu Giấy), Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội)…
Bệnh nhân B.T.L. (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 22/7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp. Các bác sĩ cho bệnh nhân tiến hành công thức máu cho bệnh nhân thấy, lượng tiểu cầu giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150 – 500G/L), nghi ngờ bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm dengue dương tính.
Bệnh nhân có sốt xuất bội nhiễm. Khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong khi tại cơ quan đã có người mắc căn bệnh này.
Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân N.T.N. (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 24/7, trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau… Các xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết degue. Theo bệnh nhân N., ở nhà có một người em cũng bị mắc sốt xuất huyết.
Trước đây, bệnh nhân cũng đã từng mắc bệnh nhưng không biết mắc sốt xuất huyết. Và dù, ở nhà có người mắc bệnh nhưng mọi người trong gia đình chủ quan ngủ không mắc màn nên bị muỗi đốt đã nhiễm bệnh cùng nhau.
Theo BS Hạnh, hiện sốt xuất huyết chưa có vắc – xin phòng bệnh. Việc chữa bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế như: dùng thuốc hạ sốt, bù điện giải... các BS đưa thêm thuốc ức chế virus tăng phục hồi men gan cho thấy hiệu quả tốt trong điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy.
- Thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.