Hàng loạt phụ huynh bị lừa chuyển tiền vì "con bị tai nạn'': Thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Trong những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng thông tin nhiều phụ huynh bị lừa với kịch bản con đang cấp cứu ở Bệnh viện.

Vụ gọi điện thông báo con bị tai nạn: Thêm hàng loạt phụ huynh bị lừa hàng trăm triệu đồng

Ngày 6/3, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, tính đến 15h cùng ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp phụ huynh đến tìm thông tin của con sau khi nhận được cuộc gọi của người tự xưng là thầy giáo, thông báo con của họ bị tai nạn đang nguy kịch.

Trường hợp thứ nhất là chị N.T.P (38 tuổi, có con học tại trường Hoàng Diệu, Quận 4, TPHCM) đến bệnh viện tìm thông tin của con. Tuy nhiên, trên hệ thống thông tin người bệnh của bệnh viện không ghi nhận thông tin của con chị.

Nhân viên y tế đã tìm hiểu nguyên nhân và nhận định chị P có thể bị kẻ xấu gọi điện lừa đảo nên đã mời phụ huynh này đến phòng bảo vệ để tiếp nhận phản ánh.

Chị P cho biết, sau khi nhận cuộc gọi từ người xưng là thầy giáo báo tin con chị bị tai nạn, chấn thương sọ não đang nguy kịch thì chị đã bấn loạn tinh thần. Đối tượng liên tục thúc ép chị phải chuyển tiền gấp vì con chị đang nguy kịch, mất nhiều máu phải mổ cấp cứu... Chị P đã chuyển vào tài khoản do đối tượng chỉ định với số tiền là 20 triệu đồng rồi nhanh chóng đến bệnh viện tìm con.

Đến khoảng 10h cùng ngày, phòng bảo vệ của bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp có con đang học tại trường Quốc tế Canada (quận 7) và trường Á Châu (quận 10). Với thủ đoạn tương tự, kẻ gian đã hối thúc và yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng.

download (77)

Trong đó, chị Đ.T.M.T (42 tuổi) đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản có tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà tổng cộng 200 triệu đồng. Anh N.Đ.N (45 tuổi) phụ huynh có con học Trường Quốc tế Canada cũng bị đối tượng yêu cầu chuyển khoản nhưng rất may anh đã không chuyển tiền mà trực tiếp đến bệnh viện xác thực lại thông tin.

Đến 12h trưa cùng ngày, thêm một nạn nhân khác là chị L.V.T (42 tuổi) có con học tại trường Lương Định Của (quận 2) đến bệnh viện liên hệ, tìm thông tin của con. Chị T đã chuyển khoản 20 triệu đồng vào tài khoản có tên Đặng Thùy Trang cũng với lý do con bị té chấn thương sọ não, đang nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cần nộp tiền tạm ứng để mổ gấp.

Ngoài ra, 3 phụ huynh khác cũng đến trường tìm thông tin sau khi nhận được cuộc gọi thông báo con bị tai nạn chấn thương sọ não. Những phụ huynh này bình tĩnh hơn, sau khi nhận được cuộc gọi đã không vội vã chuyển tiền mà chủ động đến bệnh viện tìm thông tin và liên hệ với nhà trường. Khi đang ở bệnh viện, phụ huynh đã liên lạc được với giáo viên chủ nhiệm và được thông báo con vẫn đang học tại lớp nên may mắn không bị mất tiền.

Trước đó vào ngày 3/3, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 3 trường hợp đến tìm thông tin sau khi nhận thông báo từ "thầy giáo" về việc con bị tai nạn đang cấp cứu tại đây. Có 2 phụ huynh đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo. Một người chuyển 70 triệu đồng, người còn lại chuyển 20 triệu đồng.

Vì sao phụ huynh lại dễ dàng bị kẻ gian lừa chuyển tiền đến như vậy?

Nhiều người khi đọc thông tin cũng băn khoăn vì sao phụ huynh lại dễ dàng bị kẻ gian lừa chuyển tiền đến như vậy? Nhưng thực sự, khi nghe câu chuyện của người trong cuộc thì mới thấy rằng, chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu không thực sự tỉnh táo.

Kể lại chuyện của chính mình với phóng viên VOV.VN, chị Vũ Thị Hương Lan (Hà Nội), Phó Tổng Giám đốc một công ty ở Hà Nội vẫn chưa hoàn hồn. Chị kể, gia đình chị sống ở Hà Nội, nhưng ngày hôm qua (6/3) chị có cuộc gặp gỡ khách hàng ở TP.HCM. Gần 14h, thấy số điện thoại từ số máy 094 8650745 gọi cho mình, theo thói quen chị không nghe số lạ. Số này liên tục gọi 4-5 lần khiến chị nghĩ rằng, có chuyện gì người ta mới gọi nhiều đến như vậy.

Khi chị nghe máy thì giọng nam ở đầu dây bên kia xưng là giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân, hoảng hốt thông báo con gái chị bị ngã đập đầu vào cầu thang, “thầy” đang đưa con vào bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ cần gặp gia đình để nói chuyện.

Người này chuyển máy luôn cho một người nghe giọng trung tuổi xưng là Trưởng khoa Chấn thương sọ não, bệnh viện Bạch Mai tên Mạnh hay Hạnh gì đó. “Lúc đó tôi rụng rời chân tay, đầu óc quay cuồng nên nghe không còn rõ nữa. Bác sỹ này còn đọc rõ cả họ và tên đệm của con tôi, cho biết tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, bị ngã đập đầu, dập não hôn mê sâu, tiên lượng xấu nên cần phải mổ gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Gia đình quyết định gấp”.

Nghe đến đây, chị Hương Lan ngã khụy, rơi cả điện thoại xuống đất. Kẻ xưng là giảng viên lúc này liên tục gọi chị giục giã, gia đình cần đến ngay để ký giấy đồng ý mổ cho con không tình hình nguy cấp lắm rồi. Khi biết gia đình chị Hương lúc đó không có ai ở Hà Nội, “giảng viên” hỏi rằng có đồng ý ký giấy ủy quyền không, nếu không mổ gấp thì không cứu được bệnh nhân. “Lúc đó tôi mụ mị, khóc nấc lên không biết gì nữa, chỉ liên tục bảo họ "ký đi, ký đi". Kẻ xưng là thầy còn động viên tôi bình tĩnh mới cứu được con, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi”.

Chỉ 5 giây sau khi dừng cuộc điện thoại, “giảng viên” lại tiếp tục gọi cho chị Hương Lan thông báo bệnh viện yêu cầu đóng viện phí 50 triệu thì mới cho vào phòng mổ. Gia đình chị mang tiền vào viện sợ lâu, mất thời gian ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân nên người này sẽ xin số tài khoản của bệnh viện, gia đình chuyển tiền vào đó.

“Lúc này tôi không nghĩ được gì, chân tay bủn rủn, chỉ biết làm theo như một cái máy. Khi có số tài khoản, tôi vào app chuyển tiền của ngân hàng chuyển khoản ngay. Khi được thông báo xác nhận lại có gửi cho tài khoản đó không, tôi như sực tỉnh. Vì sao số tài khoản bệnh viện mà lại tên cá nhân nhận. Linh tính mách bảo, tôi nhấc máy gọi cho con nhưng lại luôn nghĩ không có ai nhấc máy vì con đang cấp cứu. Sau mấy hồi chuông đổ thì thấy con nghe máy và nói con đang học, mẹ gọi có chuyện gì không”- chị Hương Lan kể.

Vẫn chưa hoàn hồn, chị nhắn tin cho con “con có bị tai nạn không” thì con chị nhắn lại “mẹ bị lừa rồi, mẹ bạn con cũng vừa bị lừa mất 50 triệu đồng với thủ đoạn như vậy”.

Đầu dây bên kia liên tục gọi. Chị nhấc máy thì “giảng viên” hỏi dồn dập “Chị chuyển khoản chưa, chuyển khoản chưa, cháu nặng lắm rồi, gấp lắm rồi?”. Chị nói với giảng viên “Em ơi, sao em sống thất đức quá” thì đầu dây bên kia dập máy.

“Khi tôi gọi lại số máy 094 8650745 thì không liên lạc được. Hôm nay kể câu chuyện này tôi vẫn còn run, không nghĩ thủ đoạn của bọn lừa đảo lại tinh vi đến vậy. Không hiểu nó lấy đâu ra họ tên, trường học của con gái và số điện thoại của tôi. Thủ đoạn của chúng đánh trúng tâm lý của những người mẹ và tinh vi là từ trường KTQD chuyển thẳng ra bệnh viện Bạch Mai cũng rất hợp lý”.

Chị Hương Lan cho biết chị muốn kể câu chuyện của mình để cảnh báo với mọi người hãy cảnh giác vì thủ đoạn của bọn lừa đảo rất tinh vi, đánh vào tâm lý người mẹ nên rất dễ bị lừa. “Mọi người khi nghe những cuộc điện thoại tương tự, trước tiên hãy kiểm tra từ người thân của mình đã”./.

TP.HCM chỉ đạo "nóng" trước nạn lừa đảo phụ huynh bằng tin báo "con bị tai nạn"

Ngày 7/3, Sở GD&ĐT TPHCM đã phát đi văn bản về việc rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình, học sinh, sinh viên sau khi nhiều phụ huynh tại bị lừa đảo với kịch bản “con té lầu, tai nạn, đang cấp cứu tại bệnh viện, phải chuyển tiền gấp để mổ”.

Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị thủ trưởng đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin học sinh, sinh viên giáo viên được quản lý tại đơn vị.

Phòng GD&DT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở GD&ĐT khẩn trương kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình; việc công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin.

Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp sai sự thật.

TAGS:
Theo:  xevathethao.vn copy link