Hạnh phúc và tự hào chịu tăng giá mới là yêu nước!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với những ai hay càm ràm, kêu ca vì tăng giá sau khi được các bộ trưởng cảnh báo có lẽ cũng cần nhìn nhận lại mình, đừng vì lợi ích bản thân nhỏ bé mà không tính đến lợi ích xã hội to lớn lâu dài.

Theo VnEconomy, trong báo cáo, Bộ trưởng đã cảnh báo một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm như GDP, bội chi ngân sách, tỷ trọng đầu tư trên GDP... có thể không đạt kế hoạch. Bộ trưởng Vinh cũng điểm một số yếu kém của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thật bền vững, tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP, xử lý nợ xấu còn chậm, dư nợ tín dụng tăng thấp...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế yếu kém, theo Bộ trưởng là một số vấn đề có liên quan đến chủ trương, quan điểm phát triển còn khác nhau, chưa thông suốt, đồng thuận cao dẫn đến đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, chưa tạo được đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Nói thêm hai chữ "ngập ngừng", Bộ trưởng sốt ruột: “Đường xá phải thu phí cao lên, ta chỉ thu dăm mười nghìn thì không thể đáp ứng được. Trung Quốc thu một trăm hai trăm nghìn thì mới làm được. Rồi dịch vụ công trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục lúc thế này lúc thế kia thì rất là khó khăn. Đề án đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua rất hay nhưng giải pháp về nguồn lực để thực hiện là không có mà chỉ đưa ra yêu cầu”.

Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh “vấn đề chính là xã hội hóa cần được tính toán chỗ nào nên chỗ nào không nhưng cứ xã hội hóa là ta không đồng ý. Ví dụ giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều, đùng cái lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ, cái đó chưa phải là đúng. Cho nên đây là cái ngập ngừng, chúng ta bao cấp còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”.

Có thể thấy, phát biểu của Bộ trưởng Vinh đã mở ra một quan niệm rất mới về sự phát triển của đất nước, thu hút sự chú ý của người dân, đó chính là tăng giá là yêu nước.

Trên thực tế, trước đây người dân Việt Nam cũng đã có cơ hội tiếp xúc với tư duy này đó là khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng  "Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào". Tuy nhiên, đến phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì vấn đề này đã được nâng lên một tầm cao mới, bao quát hơn, và tất nhiên là tác động cũng sâu hơn.

Trên thực tế đã xuất hiện không ít ý kiến tỏ ra không đồng tình với quan điểm được các bộ trưởng đưa ra, tuy nhiên bản thân người viết cho rằng những ai có tư tưởng đấy thì nên nhanh chóng xét lại. Có thể mọi người sẽ nghĩ ở đâu đây sẽ có bóng dáng của sự nịnh bợ nhưng mà xin thưa là hoàn toàn không có đâu ạ. Trên thực tế xu hướng bây giờ là theo đa số, một lãnh đạo ngành nói cũng đã khiến mọi người phải suy nghĩ thì tất nhiên hai người tin theo là đúng rồi.

Chính vì vậy mà mọi người cũng nên biết và ghi nhớ rằng để thể hiện tình yêu đất nước, mỗi khi phải tăng giá hay bị thu phí thì cứ im lặng mà chấp hành thôi nhé, chớ có mà càm ràm nhiều.

Hơn nữa, dường như mọi người không nhìn sâu vào bản chất của vấn đề tăng giá là mang lại lợi ích cho bản thân và toàn xã hội. Này nhé, tăng giá điện, nước, xăng dầu, dịch vụ bệnh viện...thì cũng về các tập đoàn nhà nước, cũng về ngân sách rồi cũng lại vào túi dân cả mà thôi. Toàn lợi ích cả mà mọi người chẳng biết tính toán, cứ hở ra càm ràm. Rõ thật là hay!

Như trường hợp của ngành xăng dầu, trong 6 tháng đầu năm, khi dân mình cứ than vãn, kêu la về việc giá xăng tăng cao, chỉ vỏn vẹn vài tháng mà đã có tới 5 lần điều chỉnh, gồm 2 lần tăng và 3 lần giảm, tuy nhiên tổng cả 3 lần giảm chưa bằng 1 lần tăng, mỗi lần tăng giá xăng dầu, đơn vị tiền tệ đều được tính đến hàng nghìn nhưng khi giảm chỉ được cân đo đong đếm bằng tiền hàng trăm. Đến cuối tháng 6/2013 giá xăng đã tăng cao hơn hồi đầu năm 600đ mỗi lít. Thế nhưng mà mọi người không hiểu rằng cũng nhờ đó mà Ngân sách nhà nước có được nguồn thu lớn. 6 tháng đầu năm 2013 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Tập đoàn/Petrolimex) đã nộp ngân sách nhà nước 15.328 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu hợp nhất Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2013 chỉ bằng 98,6% doanh thu của 6 tháng đầu năm 2012. Trong đó, khối xăng dầu nộp ngân sách 14.342 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2012) trong khi tổng sản lượng xuất bán tại thị trường nội địa không tăng, không giảm.

Chính vì vậy, với những ai hay càm ràm, kêu ca vì tăng giá sau khi được các bộ trưởng cảnh báo có lẽ cũng cần nhìn nhận lại mình, đừng vì lợi ích bản thân nhỏ bé mà không tính đến lợi ích xã hội to lớn lâu dài.

Theo: