Phú Sát Hoàng Hậu (Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu)
Phú Sát Hoàng Hậu còn được gọi là Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu có xuất thân hiển hách, mang dòng họ Phú Sát ở Sa Tế thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Năm 16 tuổi, bà được vua Ung Chính tuyển chọn và trở thành người vợ chỉ định hôn phối với Tứ Hoàng Tử Hoàng Lịch, sau này là vua Càn Long của Đại Thanh hoàng triều.
Vốn là người hiền lành, thục đức, tính tình vô cùng đoan trang, giản dị và hơn hết trong suốt những năm tiếp nhận vị trí mẫu nghi thiên hạ, bà luôn làm tròn trách nhiệm của mình. Không chỉ tài năng trong việc quán xuyến hậu cung, bà còn là người phụ nữ cư xử hòa nhã, tốt bụng với các phi tần khác trong cung. Chính vì điều này, dù nổi tiếng đa tình, mỹ nhân vô số nhưng Càn Long luôn dành cho bà một tình yêu đặc biệt, một vị trí tôn trọng trong trái tim nhà vua.
Tuy sinh được cho vua Càn Long 2 vị hoàng tử nhưng cả 2 đều yểu mệnh. Tâm bệnh nặng nề khiến Phú Sát Hoàng Hậu không đủ sức khỏe để tiếp tục tại thế. Bà đã qua đời khi mới 37 tuổi. Ngoài việc đặt thụy hiệu cho bà, nhà vua còn tổ chức lễ truy điệu trở thành giai thoại trong lịch sử vương triều Đại Thanh.
Cao Quý Phi (Tuệ Hiền Hoàng Quý Phi)
Trong lịch sử triều đại Nhà Thanh ghi nhận, Cao Quý Phi được xem là một trong những vị phi tần được vua Càn Long sủng ái hết mực. Với xuất thân từ dòng dõi Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, tầng lớp Bao y danh giá, bà được chỉ định trở thành trắc phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch và sau khi lên ngôi, Càn Long sắc phong bà trở thành Cao Quý Phi.
Năm Càn Long thứ 10 (1745), trong lúc bệnh nặng, bà được vua Càn Long sắc phong thành Hoàng Quý Phi nhưng chỉ sau 2 ngày kế vị, bà cũng qua đời và được vua phong tặng Tuệ Hiền Hoàng Quý Phi.
Nhàn Phi (Kế Hoàng Hậu)
Nhàn Phi tên thật là Ô Lạt Na Lạp Thị, là con gái của Tá lĩnh Na Nhĩ Bố thuộc dòng dõi cao quý. Ban đầu, bà được chỉ định trở thành Trắc phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch. Đến khi lên ngôi, vua Càn Long sắc phong bà trở thành Nhàn Phi. Và cuộc sống của vị phi tần này về sau là những bước tiến dần đến vị trí cao nhất hậu cung của vương triều Đại Thanh.
Lịch sử ghi lại, Nhàn Phi từng bước trở thành Nhàn Quý Phi sau khi Cao Quý Phi qua đời và chỉ xếp sau Phú Sát Hoàng Hậu. Đến khi vị Hoàng Hậu đầu tiên của vua Càn Long qua đời, với sự sủng ái, thương yêu của Hoàng đế Càn Long, bà chính thức thăng tiến trở thành Kế Hoàng Hậu của nhà vua.
Tuy nhiên, cuối đời bà bị hoàng đế ghẻ lạnh. Ô Lạt Na Lạp thị buông tay trần thế trong sự tịch mịch và cô độc khi mới 49 tuổi. Đám tang của bà bị cắt bỏ hầu hết những lễ nghi hoàng cung. Trên mộ Ô Lạt Na Lạp thị không có bài vị, không được cúng tế, không có cả thụy hiệu, chỉ được an táng như một cung nữ kế bên mộ của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc 207 hai 9 phân 4 li, còn không bằng một quan viên cấp thấp trong triều đình.
Lệnh Phi (Lệnh Ý Hoàng Quý Phi)
Lệnh Phi tên thật là Ngụy Giai Thị, có xuất thân từ Ngụy Thị. Với sự sủng ái của vua Càn Long, vị mỹ nhân này cũng trở thành giai thoại trong lịch sử thăng tiến bậc nhất hậu cung ngày ấy. Từ Quý Nhân trở thành Tần, rồi đến Phi và cuối cùng là Quý Phi.
Càn Long tuy cung tần mỹ nữ vô số nhưng con nối dõi lại không có nhiều và Lệnh phi chính là người sinh cho vua đến bốn Hoàng tử và hai Hoàng nữ. Thế nhưng, trong số đó, lại không có mấy người sống thọ, niềm an ủi duy nhất chính là Thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm sau này trở thành Gia Khánh đế.
Lệnh Phi qua đời vào năm 49 tuổi, ngoài việc ban thụy hiệu Lệnh Ý cho bà, Càn Long còn viết bài thơ tưởng niệm người xưa - Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi. Không những vậy, bà còn là người thứ 5 được hợp táng cùng vua ở địa cung.
Thuần Phi (Thuần Huệ Hoàng Quý Phi)
Trong sử sách, Thuần Phi tên là Thô thị - mỹ nữ được vua Càn Long sủng ái nhất. Không xuất thân cao quý lại là người Hán, khi đến tuổi trưởng thành, bà trở thành Cách Cách của tứ hoàng tử Hoằng Lịch. Do xuất thân bình dân, cộng thêm gia cảnh không phải quan viên và lại là người Hán nên dù sinh con trai bà cũng không được chỉ định thành Trắc Phúc Tấn.
Nhờ được sủng ái lại sinh ra hoàng tử nên vị thế của gia đình bà cũng được nâng lên. Trong suốt nhiều năm sống trong hậu cung, bà được vua chỉ dụ tấn phong Thuần Phi Tô Thị trở thành Thuần Quý phi. Nếu nói đến chức vị, bà chỉ xếp sau Phú Sát Hoàng Hậu, Cao Quý Phi cùng Nhàn Phi mà thôi. Còn nói đến sự sủng ái thì sau khi bà tạ thế vẫn khiến Càn Long thương tiếc khôn nguôi, đặc biệt còn xây dựng một tòa Minh lâu ngói màu lục và dựng văn bia trước mộ bà.