Trên các diễn đàn pháp luật và các diễn đàn mạng, rất nhiều người đã mang câu chuyện này ra để mổ xẻ. Và nhiều người cũng bày tỏ những băn khoăn trong việc lựa chọn giải pháp nào khi mình gặp phải tình huống như lái xe Mercedes.
Hai tên cướp bẻ gương của anh Trung.
Trên diễn đàn Tôi Yêu Luật, anh Quế Tiến Nhật cho rằng: “Không đồng tình với việc húc như thế. Giả sử tài xế nào đó vì bức xúc, quá kích động mà truy đuổi hay húc thẳng, mạnh vào tên cướp thì rất dễ xảy ra chết người, điều này không nên. Mặt khác, việc truy đuổi vào lúc đông người mà lao xe nhanh có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngay việc tăng tốc độ xe rượt đuổi cũng nguy hiểm rồi”.
Và anh Nhật đưa ra giải pháp rằng: “Có lẽ tài xế nên đuổi theo truy hô người dân và báo cho cơ quan có chức năng”.
Tuy nhiên, ngay sau đó một thành viên khác lại đặt dấu hỏi: “Liệu truy hô và báo cơ quan chức năng có bắt được tang vật không? Trong khi những tên cướp thì manh động, sẵn sàng đáp trả một cách tiêu cực và giải pháp húc xe để chúng ngã có thể là giải pháp cần thiết”.
Trên một đàn khác thành viên Tín Trung cho rằng: “Việc làm của tài xế lái xe là phòng vệ và bảo vệ tài sản trước hành vi xâm phạm của người khác. Trong thời điểm đó tài xế không thể xuống tay bo với hai tên cướp được, làm thế có khi là tự sát và tự giết mình. Tuy nhiên, tài xế có thể vượt lên và ép xe máy của hai tên cướp dừng lại rồi hô hoán thì hay hơn là đâm. Dẫu sao việc cướp tài sản và việc húc xe vào người, có thể tước đi sinh mạng là hai thứ hoàn toàn khác nhau”.
Luật sư Trần Anh Dũng, giám đốc công ty luật Đại Phúc phân tích dựa trên quy định của Bộ luật hình sự: “Tuy hành vi hai kẻ bẻ gương xe là trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và dù hành vi ngăn cản tội phạm là cần thiết, nhưng nếu hành vi chống trả, ngăn cản tội phạm vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và để lại hậu quả thì căn cứ vào hậu quả của hành vi "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" người chống trả vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trước bối cảnh không truy đuổi thì mất đồ, mà truy đuổi thì có thể trở thành người phạm tội một bạn đọc tên Phương hiến kế cho tài xế rằng: “Cách thứ nhất, mua bảo hiểm mất cắp. Nếu bị mất cắp thay vì truy đuổi có thể nguy hiểm cho mình thì báo cho cơ quan bảo hiểm biết để hưởng chế độ chi trả. Tuy nhiên cách này cần phải chứng minh việc mất cắp nữa.
Cách thứ hai, gương xe nên khắc dấu nổi vào củ gương và khắc tên chủ xe lên mặt gương để hạn chế cướp bán xe đồ trộm cắp, cướp giật cho người khác, nhất là cho các nơi thay thế phụ tùng. Khắc biển số xe chìm lên kính, trộm cắp lấy được cũng khó bán cho ai. Đồng thời lắp camera hành trình để theo dõi kẻ gian nếu có ăn cắp gương, sau đó cung cấp bằng chứng cho công an.
Cách thứ ba, là cộng đồng cùng hành động, cùng đoàn kết khi thấy hành vi cướp, trộm và sẵn sàng ra tay tương trợ. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm những hành vi phạm tội này. Có như vậy mới phần nào làm giảm nạn “gương tặc” đang hoành hành”, độc giả này phân tích.
Trước đó, trưa 25/12, anh Nguyễn Chí Trung đang dừng đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ hướng về sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Bình, TP HCM) thì bị 2 thanh niên đi xe Attila áp sát và bất ngờ dùng tay chụp kính chiếu hậu bên tài. Chỉ trong tích tắc vỏ kính chiếu hậu và mặt kính đã nằm gọn trong tay kẻ cướp. Hai thanh niên phóng xe vượt ngã tư hướng về đường Hoàng Văn Thụ vào sân bay. Sau vài giây anh Trung nhấn ga chiếc xe vọt lên, chạy khoảng 300 m xe thì anh Trung đã áp ngay sau xe bọn chúng. Anh Trung hạ kính xe và la to "cướp cướp..." đồng thời nhấn ga húc mạnh vào xe bọn 2 tên cướp khiến chúng ngã nhào xuống đường còn xe thì trượt một đoạn dài khoảng 15 m tới ngay trước cửa sân vận động QK7. Sau khi ngã xuống đường 2 tên cướp nhanh chóng đứng dậy, bỏ xe chạy băng qua bên đường, vào công viên Hoàng Văn Thụ bỏ trốn. Sau đó anh Trung chạy xe vòng qua đường Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ để truy đuổi 2 tên cướp nhưng không thấy đâu nữa. Cảnh sát đã đến hiện trường để tiếp nhận vụ việc. |