Một trong những sự kiện bí ẩn nhất thế giới chưa thể làm sáng tỏ, đó là câu chuyện tên sát thủ hàng loạt “Jack xé xác” từng giết 5 gái điếm ở London cách đây 124 năm.
Ngày 31/8/1888, là thời điểm “Jack xé xác” (Jack the Ripper) ra tay giết người đầu tiên Mary Ann Nichols 43 tuổi; Annie Chapman 47 tuổi bị giết ngày 8-9; Elizabeth Stride 44 tuổi bị giết ngày 30-9 và sau đó đến lượt Catherine Eddowes 46 tuổi. Cuối cùng là Mary Jane Kelly 25 tuổi bị giết ngày 9-11.
Đầu mối nghi ngờ là “Jack xé xác” bám theo các nạn nhân sau khi dò la những thủy thủ “hám gái” và nhậu nhẹt trong khu ổ chuột Whitechapel gần bến cảng London. Cách giết người của hắn là cắt cổ hoặc mổ bụng cắt bỏ bộ phận ngũ tạng (như tử cung, tim) rồi vứt thi thể nạn nhân ngoài đường.
Trước khi ra tay, “Jack xé xác” thường uống rượu rồi “săn” người, sau đó về chỗ trú ẩn.
Những nạn nhân xấu số
Cơn ác mộng “Jack the Ripper” bắt đầu vào thứ Sáu, ngày 31/8/1888, khi cơ thể của một phụ nữ tên là Mary Ann Nicholls, 42 tuổi, được tìm thấy ở phố Bucks Row (nay là phố Durwald Street). Mặt mũi nạn nhân bầm tím và cổ họng bị cứa hai vết sâu khiến đầu gần như lìa khỏi cổ. Bụng của Nicholls bị rạch toang. Nicholls sau đó đã được công nhận là nạn nhân đầu tiên của “Jack the Ripper".
Ngày 8/9/1888, nạn nhân thứ hai đã được phát hiện. Đó là Annie Chapman, 47 tuổi, một phụ nữ sống bằng nghề “ăn sương”. Thi thể của cô được tìm thấy trên một lối đi bộ phía sau phố Hanbury. Một số tài sản cá nhân vương vãi xung quanh. Cũng giống như Nicolls, hầu như không còn phần nội tạng nào của Chapman còn nguyên vẹn.
Ngày 28/9, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư ký tên “Jack the Ripper” tự nhận là tác giả của hai vụ thảm sát nói trên và đe dọa sẽ còn nhiều nạn nhân nữa. Cái tên “Jack đồ tể” nhanh chóng hằn sâu vào nỗi sợ hãi của người dân sau khi nó xuất hiện trên nhiều tờ báo cùng lúc. Cả khu vực Whitechapel ở East End hoảng loạn. Một số kẻ quá khích thậm chí còn tấn công bất cứ ai mang theo túi màu đen sau khi có tin đồn lan truyền rằng “Jack the Ripper” luôn mang dao trong túi để sẵn sàng hành động.
Ngày 30/9/1888, tức chỉ hai ngày sau, đã cho thấy những lời đe dọa của “Jack the Ripper” không phải là đe dọa suông, khi mà có tới hai nạn nhân nữa bị sát hại trong khoảng thời gian cách nhau không lâu. Elizabeth Stride là một trong hai người phụ nữ không may mắn đó. Xác của cô gái điếm này được tìm thấy ở phố Berner vào lúc 1 giờ sáng, khi máu vẫn còn đang chảy ra từ cổ họng. Hiện trường xung quanh cho thấy dường như đã có một cuộc vật lộn dữ dội giữa nạn nhân và thủ phạm.
Nạn nhân tiếp theo được phát hiện chỉ 45 phút sau đó, trên một con hẻm chỉ cách phố Berner vài phút đi bộ. Chứng kiến thi thể của Crtherine Eddowes, 43 tuổi, không ai có thể kìm nén được lòng thương cảm. Lần theo dấu máu hiện trường, cảnh sát tìm đến một ô cửa gần đó, nơi một dòng chữ được viết bằng phấn: "Người Do Thái không phải là những người không bị buộc tội". Không hiểu vì lý do gì mà, Charles Warren, Giám đốc cảnh sát Luân Đôn khi đó đã ra lệnh xóa dòng chữ này. Vì vậy, một trong những manh mối có giá trị nhất đã bị phá hủy.
Sự kinh dị của hai vụ giết người xảy ra gần như đồng thời đã bóp nghẹt tinh thần người dân London. Người ta rỉ tai nhau những tin đồn kiểu như “Jack the Ripper” là một bác sĩ điên rồ, một người Ba Lan mất trí, một người Nga và thậm chí một nữ hộ sinh thần kinh. Sau đó, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư khác từ “Jack the Ripper" nói rằng hắn rất tiếc vì đã không thể gửi cho cảnh sát cái tai của nạn nhân như đã hứa.
Ngày 9/11, “Kẻ sát nhân đồ tể” tái xuất giang hồ. Nạn nhân mới nhất tên là Mary Jeanette Kelly, một cô gái 25 tuổi xinh xắn. Thi thể của cô được tìm thấy trong phòng trọ tại khu nhà Millers ở phố Dorset Street (ngày nay là phố Duval Street). Cảnh tượng trong phòng vô cùng kinh khủng. Người thu tiền nhà trọ phát hiện ra thi thể của Kelly, nói: "Tôi sẽ bị ám ảnh từ nay đến cuối đời".
Nhận dạng tính cách
Dựa trên các phân loại của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) về tội phạm giết người hàng loạt, Jack Đồ tể thuộc loại giết người "không suy tính trước".
Kẻ giết người loại này thường có các vấn đề về thần kinh, kém giao tiếp và kỹ năng xã hội. Theo ý kiến của các nhà tâm lý tội phạm, Jack Đồ tể là kẻ có xu hướng sống khép kín và không thể kiểm soát hành vi khi gặp đúng "con mồi".
Bằng chứng được thể hiện trên các vết cắt, rạch dã man của Jack trên các cơ thể nạn nhân.
Nhận dạng khuôn mặt
Năm 2011, thám tử Trevor Marriott đã trình tập hồ sơ dày hàng nghìn trang về trường hợp của Jack Đồ tể lên sở cảnh sát London.
Với quyết tâm đưa Jack the Ripper ra ánh sáng, Trevor Marriott đã nghiên cứu tất cả các tư liệu, giấy tờ điều tra về trường hợp của Jack từ năm 1888 đến 1912.
Theo vị thám tử này, kẻ tình nghi số 1 mang bí danh Jack the Ripper là Carl Feigenbaum. Năm 1894, Carl Feigenbaum bị kết tội giết người và phải chịu án tại nhà tù Sing Sing ở New York (Mỹ).
Theo Trevor Marriott, kẻ này đã từng ở Anh và thực hiện loạt tội ác man rợ tại các khu ổ chuột của London trước khi chạy trốn sang Mỹ. Từ tư liệu thu thập được, Trevor Marriott đã dựng hình ảnh của tên tội phạm được cho là Jack Đồ tể.
Kết luận của Trevor Marriott nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà điều tra về Jack. Họ cho rằng, hình ảnh về Carl Feigenbaum không phải là kết luận cuối cùng về tên đồ tể.