Theo ông Tường, hóa chất nói trên không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm, cũng không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng do Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ban hành. “Do có tính kiềm cao nên hóa chất nói trên có thể gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp. Khi hít vào gây tổn thương cơ quan hô hấp, phổi…” - ông Tường nói.
“Hóa chất 6-benzylaminopurine một khi đã ngấm vào giá đỗ sẽ không thải hết khi ngâm trong nước sạch. Dư lượng hóa chất tồn dư trong giá đỗ sẽ gây nguy hại sức khỏe người sử dụng” - ông Tường lưu ý.
Như báo chí đưa tin trước đó, vào 23 giờ ngày 22-9, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang ông Đỗ Như Báo (phường Hố Nai, TP Biên Hòa) sử dụng hóa chất không có nguồn gốc để sản xuất giá đỗ.
Theo ông Báo, hóa chất được pha loãng với nước lạnh rồi tưới trực tiếp lên hạt đậu nhằm mục đích kích thích hạt đậu nảy mầm nhanh, mập, trắng, đẹp và tươi lâu.
Bước đầu, cơ quan công an đã lập biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời thu giữ 5 kg hóa chất và lấy một số mẫu giá đỗ phân tích để có cơ sở xử phạt vi phạm.
Ông Nguyễn Tấn Toàn (Phó phòng Thanh tra Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương) cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở dùng hóa chất của Trung Quốc để sản xuất giá đỗ. Các mẫu hóa chất này được mang đi kiểm nghiệm và phát hiện hóa chất này có tên là 6 benzylaminopurine.
Loại hóa chất có tác dụng điều hòa sinh trưởng cho thực vật, không có danh mục trong hóa chất được phép sử dụng đối với thực vật. Hóa chất này chỉ tan trong dung dịch kiềm, rất ít tan trong nước. Vì vậy, giá đậu được làm bằng hóa chất này dù được rửa nhiều lần trong nước cũng không sạch hóa chất.
Thầy Trần Như Ý (giáo viên hóa học trường THCS Nguyễn Chí Thanh – Thừa Thiên Huế) cho biết, việc sử dụng thuốc tăng trưởng đối với rau mầm nói chung, giá đỗ nói riêng là rất nguy hại. Trong thành phần của các loại thuốc kích thích tăng trưởng thường có 6 benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Khi hai chất này theo thức ăn ngấm vào cơ thể người rất có hại cho sức khỏe, về lâu dài, có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Một cán bộ thuộc Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, loại thuốc tăng trưởng như thế này bị cấm sử dụng. Người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ càng khi mua các loại rau mần, giá đậu. Cách phân biệt đơn giản, giá đậu được làm bằng thuốc kích thích thường mập, mọng nước, giòn, không có rễ. Riêng giá được ủ mầm bình thường thân nhỏ, rễ dài, bẻ ra cứng và dai hơn.
Trước đó, vào đầu tháng 6, Chính quyền bang North Rhine-Westphalia (Đức) cũng đã tuyên bố lần đầu tiên họ đã tìm thấy chủng vi khuẩn E.coli gây chết người trên giá đỗ. Trước đó vài ngày, loại rau mầm này vẫn còn cho kết quả kiểm nghiệm âm tính.
"Theo chúng tôi được biết, giá đỗ này xuất phát từ một trang trại bị nghi ngờ gần đây ở vùng Bienenbuettel, bang Lower Saxony", ông Johannes Remmel, bộ trưởng bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
Rau mầm này được tìm thấy trong một chiếc túi hở, bị quẳng trong một thùng rác ở một gia đình, sống gần thành phố Bonn. Hai thành viên trong gia đình đã ăn giá đỗ và nhiễm E.coli vào trung tuần tháng 5.
"Phát hiện này đã xác nhận cảnh báo của chúng tôi về việc không nên ăn giá đỗ. Ngày càng có nhiều cơ sở để xác nhận rằng chính loại rau mầm này là thủ phạm phát tán E.coli ở châu Âu", ông Remmel nói.
Theo hãng tin xinhua, trước đó, chủ tịch viện Robert Koch cũng nhấn mạnh rằng giá đỗ là nguồn lây của đợt dịch nguy hiểm này, và rằng "người ăn giá đỗ có nguy cơ bị tiêu chảy ra máu và các dấu hiệu nhiễm E.coli khác cao gấp 9 lần người không ăn". Tuy nhiên, ở thời điểm ông đưa ra kết luận này, chưa có mẫu xét nghiệm nào cho kết quả tìm thấy E.coli.
Các xét nghiệm đã cho thấy Đức từng nhầm lẫn trong xác định nguồn lây trong hai lần trước đó. Hiện tại, Viện Robert Koch cũng đã đỡ bỏ cảnh báo với dưa chuột, cà chua và rau diếp.