Hòa Thân ra đi hơn 200 năm, đến nay nơi chôn cất vẫn là dấu hỏi lớn với hậu thế

08:32, Chủ nhật 16/07/2023

( PHUNUTODAY ) - Hòa Thân là quan tham nổi tiếng của Trung Quốc dưới thời vua Càn Long nhưng lại được vua trọng dụng. Hoàng đế Càn Long vừa băng hà được 10 ngày ông đã bị vua Gia Khánh bắt giữ, công bố 20 đại tội.

Đại tham quan Hòa Thân (1750 – 1799) là viên quan nổi tiếng sống vào thời nhà Thanh. Ông được hoàng đế Càn Long tin tưởng và trọng dụng nên từng bước trở thành đại thần nắm trong tay quyền lực lớn trong triều đình.

Nhờ có địa vị cao cộng thêm sự che chở của nhà vua, Hòa Thân đã dùng nhiều thủ đoạn để có được gia sản kếch xù như mua quan bán chức, nhận hối lộ, “ăn chặn” một phần đồ tiến cống mà các địa phương gửi vào cung…

Độ xa hoa của phủ Hòa Thân không thua kém gì Hoàng Cung, người ta đếm được 144 sập vàng, 23 sập khác nạm bằng vàng ròng, 40 sập sơn son mạ vàng, ngay tới chậu rửa mặt cũng được nạm ngọc thạch. Tính riêng số tỳ thiếp thì phủ họ Hòa đã có tới 600 người, giai nhân thì không đến xuể.

Cuối cùng tham quan Hòa Thân bị vua Gia Khánh (con trai hoàng đế Càn Long) bắt giữ và xử tội vào năm 1799. Sử sách ghi chép lại, 10 ngày sau khi hoàng đế Càn Long băng hà, đại tham quan Hòa Thân bị vua Gia Khánh bắt giam, công bố 20 đại tội và tịch thu tài sản. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có.

Hoàng đế Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân tội lăng trì nhưng các quan đại thần và công chúa cầu xin, Hoàng đế mới đổi lại, ban cho Hòa Thân tự tử trong nhà.

Sau khi nghe xong phán quyết của Hoàng đế Gia Khánh, Hòa Thân cầm dải lụa trắng dài hơn 3m, rồi cười một cách lạnh lùng, ghê rợn. Sau đó ông viết một câu thơ dự ngôn và năm sau thi điều đó xảy ra:

Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân

Kim triều tản thủ tạ hồng trần

Tha niên thủy phiếm hàm long nhật

Nhận thủ hương yên thị hậu thân.

Tạm dịch:

Năm mươi năm hư hư thực thực

Kiếp này buông tay tạ hồng trần

Năm sau nước dâng con lũ lớn

Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân.

Hai câu thơ đầu là hồi ức về những điều đã qua của Hòa Thân, coi cuộc đời 50 năm của mình như mây khói. Hai câu sau ông đã mượn điển cố để đưa ra dự ngôn về một sự kiện xảy ra trong tương lai. “Thủy phiếm hàm long” chỉ nước lũ dâng cao.

Quả nhiên, năm đầu tiên sau khi Hòa Thân bị ban cho cái chết, đê sông Hoàng Hà tại Hà Nam bị vỡ, khiến rất nhiều bá tánh bị chết.

Con trai của Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức do là chồng của Cố Luân Hòa Hiếu công chúa (con gái vua Càn Long) nên được miễn tội. Phong Thân Ân Đức được chuẩn bị và lo liệu tang lễ cho cha. Nhưng đến nay, giới khảo cổ vẫn chưa tìm ra nơi chôn cất cả Hòa Thân.

Dân gian lưu truyền một số giai thoại về ngôi mộ của Hòa Thân. Tương truyền, khi còn sống, tham quan này sở hữu số của cải khổng lồ nên đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng lăng mộ bề thế cho bản thân ở Kế Châu, Hà Bắc ngày nay.

Lăng mộ này bề thế, xa hoa không kém nơi yên nghỉ ngàn thu của các thành viên hoàng tộc nhà Thanh. Người dân địa phương gọi đó là "Hòa Lăng".

Sau khi tham quan Hòa Thân bị xử tử, Vua Gia Khánh đã cho người tới Kế Châu để tra xét lăng mộ mà Hòa Thân xây cho bản thân trước đó. Binh sĩ được triều đình cử đi đã lấy tất cả những món đồ quý giá mang về cung. "Hòa Lăng" bị phá hủy.

Người dân tin rằng, Phong Thân Ân Đức đã không chôn cất Hòa Thân ở "Hòa Lăng" vì sợ bị kẻ thù tìm đến trả thù, hủy hoại thi hài. Vậy nên, Phong Thân Ân Đức bí mật chôn cất cha ở địa điểm không ai biết đến. Đó chính là thôn Thượng Vạn ở Phòng Sơn, cách "Hòa Lăng" khoảng 300 dặm.

Tại đây có một quả núi nhỏ, trên núi có 5 ngôi mộ nhưng không có bất kỳ một tấm bia nào. Dân gian đồn rằng đó là "mộ Hòa gia". Trong nhiều năm, khu mộ này bị mộ tặc ghé thăm.

Giới chức trách và các chuyên gia đã kiểm tra khu mộ trên nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chứng cứ xác thực Hòa Thân được chôn cất tại thôn Thượng Vạn. Do đó, các nhà khảo cổ vẫn nỗ lực tìm kiếm các manh mối giúp làm sáng tỏ bí ẩn về nơi chôn cất Hòa Thân.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy