Hướng dẫn cách thả cá chép vàng đúng cách nhất trong ngày 23 tháng Chạp

06:00, Thứ ba 23/01/2018

( PHUNUTODAY ) - Trong ngày 23 tháng Chạp làm thế nào để có thể thả cá chép vàng đúng cách nhất? – Đây cũng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm mà chưa tìm được câu trả lời, vậy các bạn hãy tham khảo những thông tin qua bài viết dưới đây.

Thả cá chép đúng cách

Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.

Thả cá chép thế nào cho vừa đúng ý nghĩa tâm linh, vừa đúng mục đích tái tạo nguồn lợi bảo vệ môi trường không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ. Nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa nước cá xuống ao, hồ.

Như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện thái độ bất kính, sai ý nghĩa, chuẩn mực với phong tục cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.

Thả cá chép đúng là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá còn có cơ hội được sống. Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Có như vậy mới mong tìm được sự bình an trong tâm linh và bảo vệ môi trường sống xung quanh.

5.tha-ca-chep-vang-nhu-the-nao-dung-cach-phunutoday.vn
 

Trong văn hóa các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cá chép là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của con người. Cá chép trong tiếng Hán có cách đọc gần giống với chữ “dư”, tức dư thừa, do đó loại cá này mang ý nghĩa uớc vọng về sự no đủ, an lành, thịnh vượng. Cá chép được biết đến với truyền thuyết cá chép vượt Vũ môn hóa rồng là biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, ý chí vươn lên cùng khát vọng về sự đỗ đạt trong thi cử, công danh. Việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp không chỉ mang quan niệm tiễn ông Táo về trời, mà còn thể hiện ước nguyện của dân gian về một năm mới khang thịnh, vạn sự tốt lành.

Nói về phong tục thả cá chép, Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sau khi hóa vàng, cá chép được đem thả ở ao hồ, sông suối gần nhà. Theo quan niệm dân gian truyền lại, cá chép cũng nên được thả trước 12 giờ trưa ngày 23 sẽ kịp để tiễn ông Táo về trời. Xét từ góc độ Phật giáo, Thượng tọa cho rằng phóng sinh cá chép còn thể hiện sự từ bi, hỉ xả cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta.

Không chỉ mang đậm các giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng, thả cá chép xét về khía cạnh môi trường còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Tuy nhiên trên lý thuyết là vậy, còn thực tế có hay không lợi ích về môi trường vẫn còn là điều đáng bàn.

Những năm gần đây, sau mỗi dịp 23 tháng Chạp, trên mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí có cả cá chết nổi trong túi do người dân chỉ “quẳng” cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách. Thêm nữa, cá chưa thả, đã có người đứng đợi câu. Như vậy vô tình đã làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của tục thả cá chép. 

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link