Ở Việt Nam có 2 loại cây mang tên hương nhu:
- Hương nhu tía: Còn có tên là é rừng, é tía, là loại cây nhỏ sống nhiều năm, cao 1,5-2 m. Thân và cành màu tía, có lông quặp. Lá mọc đối có cuống dài; lá thuôn hình trứng hay hình mác, mép răng cưa, 2 mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm đơn, xếp thành vòng 6-8 hoa. Lá và hoa vò nát có mùi thơm của đinh hương. Cây này thường được trồng trong các vườn thuốc gia đình.
- Hương nhu trắng: Còn gọi là é lớn lá, húng giổi tía. Cây này cao hơn cây hương nhu tía. Lá mọc đối có cuống, phiến lá dài 5-10 cm; hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô. Gân chính của lá có lông. Hoa mọc thành chùm đơn. Hương nhu trắng mọc hoang ở nhiều nơi, hiện được trồng để cất lấy tinh dầu.
Để làm thuốc chữa bệnh, người ta thường thu hái hương nhu phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, nhiệt độ 30-40 độ C (gọi là phơi âm can).
Tác dụng chính của hương nhu là chữa cảm lạnh trong mùa hè. Bệnh thường xảy ra do tắm lạnh hay ngồi hóng mát, uống nước lạnh, khiến hàn tà xâm nhập cơ thể gây nội thương. Biểu hiện: mình mẩy nóng và sợ lạnh, đầu nặng, đau nhức, không ra mồ hôi, bụng buồn bã. Có thể dùng bài thuốc sau: Hương nhu 8 g, hậu phác 8 g, bạch biển đậu 12 g, sắc uống trong ngày, uống khi nước thuốc đã nguội.
Lợi ích từ hương nhu
Làm giảm đau khớp: Mang thai đi kèm với những cơn đau ở cơ, khớp. Tuy nhiên, nếu uống trà hương nhu thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ đau nhức xương, khớp. Dù vậy mẹ bầu vẫn cần lưu ý rằng không nên quá lạm dụng trà hương nhu. Không dùng trà hương nhu thay cho nước lọc.
Giảm căng thẳng: Mang thai là khoảng thời gian căng thẳng và đầy lo âu; vì vậy, người mẹ cần tìm các biện pháp giúp thư giãn bản thân. Đó là lý do mẹ bầu nên dùng trà hương nhu vì loại trà này giúp giải phóng hormone hạnh phúc là serotonin trong cơ thể. Nhờ đó mà giảm được căng thẳng.