Hụt thu hàng nghìn tỷ, Hải quan muốn tăng quyền?

10:42, Thứ tư 07/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Tổng cục Hải quan) kiến nghị mở rộng phạm vi điều tra cho cơ quan hải quan đối với các loại tội phạm này.

Nhận thấy tình hình tội phạm phát sinh trong lĩnh vực Hải quan đang ngày tăng và khó kiểm soát, Hải quan Việt Nam đã kiến nghị tăng quyền điều tra.


Tại hội thảo “Đổi mới tổ chức các Cơ quan điều tra hình sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân theo tinh thần cải cách tư pháp” do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức trong hai ngày 5 - 6/8, Infonet dẫn lời ông Đặng Công Thành - Trưởng phòng Xử lý vi phạm (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) cho hay tình hình tội phạm trong lĩnh vực hải quan ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi hơn.

Nhưng thực tế hiện nay, địa bàn hoạt động và nhiệm vụ của cơ quan hải quan, đối chiếu với các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), ông Đặng Công Thành cho rằng có 15 loại tội phạm phát sinh trong lĩnh vực hải quan. Qua tổng hợp kiến nghị của cơ quan hải quan các tỉnh, thành, ông Đặng Công Thành kiến nghị mở rộng phạm vi điều tra cho cơ quan hải quan đối với các loại tội phạm này.

Ông Thành đưa ra dẫn chứng để chứng minh "đòi hỏi" của mình không quá. Qua việc tham khảo pháp luật một số nước cho thấy những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan hải quan cũng chính là những tội phạm phát sinh trong lĩnh vực hoạt động hải quan.

Đơn cử, tại Trung Quốc, từ năm 2003 đến nay tất cả các loại tội phạm qua biên giới đều do lực lượng Cảnh sát Hải quan - cơ quan trực thuộc Cao uỷ Hải quan Trung Quốc - thực hiện điều tra. Các lực lượng như công an, biên phòng khi phát hiện đều chuyển cho cơ quan Cảnh sát Hải quan Trung Quốc để khởi tố điều tra và chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố.

Tại Mỹ, những tội phạm liên quan đến hoạt động và thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan hải quan là tội phạm về buôn lậu ma tuý, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế. Tại Pháp, những tội phạm liên quan đến hoạt động của Hải quan Pháp là tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, buôn lậu ma tuý, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, các tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế...

Hải quan Việt Nam bị thất thu 24 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng
Hải quan Việt Nam bị thất thu 24 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng


Từ đó ông Thành kiến nghị cần quy định cơ quan điều tra trong lực lượng hải quan là một trong những cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra các tội phạm phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời hoàn thiện bộ máy các đơn vị chuyên trách thực hiện các hoạt động điều tra hình sự của cơ quan Hải quan ở cả 3 cấp: Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan và Chi cục Hải quan để bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động điều tra hình sự.

Mới đây, báo VnEconomy dẫn nguồn báo cáo về kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 của Tổng Cục Hải quan cho biết ngành hải quan hụt thu hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, việc xây dựng dự toán chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế của nền kinh tế. Dự toán năm 2013 được xây dựng trên cơ sở “ước thu ngân sách năm 2012 là 216.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dự kiến ở mức 5,5%; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 258,5 tỷ USD (trong đó nhập khẩu là 134,2 tỷ USD), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 7-8%...

Tuy nhiên, thực tế số thu ngân sách năm 2012 chỉ đạt 197.845 tỷ đồng (hụt so với dự kiến 18.155 tỷ đồng); tốc độ tăng GDP cả năm 2012 chỉ đạt 5,03% (thấp nhất trong vòng 13 năm qua); chỉ số CPI tăng 6,81% (thấp hơn nhiều so với các năm trước)…

Thứ hai, Tổng cục Hải quan cho rằng những biến động của nền kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, được thể hiện trên một số phương diện như tăng trưởng kinh tế suy giảm; nhu cầu nước ngoài giảm (đặc biệt là khu vực đông Euro, Mỹ) ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, các dòng vốn FDI, ODA vào Việt Nam…
 

  • Thanh Trúc (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc