Khi một tài khoản thanh toán bị phong tỏa, chủ tài khoản sẽ không thể thực hiện các giao dịch như chuyển khoản, rút tiền, hay sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản đó trong suốt thời gian phong tỏa. Điều này có thể gây ra nhiều bất tiện cho chủ tài khoản, đặc biệt khi họ cần tiền mặt hoặc phải thực hiện các giao dịch tài chính quan trọng.
4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán:
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
- Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán:
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Có thỏa thuận bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Có quyết định chấm dứt phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong thanh toán chuyển tiền quy định tại điểm 3 ở trên.
- Khi có yêu cầu chấm dứt phong tỏa của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Nghị định cũng quy định rõ rằng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đóng tài khoản thanh toán:
Ngoài ra, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi:
- Chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;
- Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết;
- Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
- Các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Các quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Tài khoản thanh toán là một trong những loại tài khoản ngân hàng (Tài khoản thanh toán, Tài khoản ngoại tệ, Tài khoản tiết kiệm) với đa dạng chức năng, tiện ích cho người sử dụng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung cấp như chuyển khoản đến tài khoản cùng hoặc khác ngân hàng, rút tiền mặt, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, mua vé tàu, vé máy bay...