Đi khám bệnh không cần cầm thẻ BHYT
Sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy
Theo đó, tại Công văn 931/BYT-BH đã cho phép người dân dùng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh, cụ thể như sau:
- Trường hợp khi kiểm tra căn cước công dân gắn chíp (quét mã QR code) đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng căn cước công dân gắn chíp;
- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên căn cước công dân gắn chíp chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Sử dụng ứng dụng VNeID thay thẻ BHYT giấy
Theo Công văn 1101/BCA-QLHC, để sử dụng ứng dụng VNeID thay thẻ BHYT giấy, người dân thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Công dân đăng nhập vào ứng dụng VNelD bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 và bật chức năng “Xác minh ứng dụng qua QR code” trong mục “Cá nhân”.
- Bước 2: Công dân quay lại “Trang chủ” để tạo QR code định danh điện tử.
- Bước 3: Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính thực hiện đăng nhập vào ứng dụng VNelD bằng tài khoản định danh điện tử mức 2;
Sau đó thực hiện quét mã QR của công dân ở Bước 2 để xác định ứng dụng VNelD của công dân là thật hay giả. Kết quả hiển thị trên màn hình ngay sau khi quét mã QR.
- Bước 4: Sau khi chứng minh ứng dụng VNelD của mình là ứng dụng do Bộ Công an phát triển, công dân có thể sử dụng chức năng hiển thị thẻ BHYT đã tích hợp của mình trong mục “Ví, giấy tờ” để xuất trình cho nơi khám chữa bệnh.
Làm thế nào để người bệnh biết được mức hưởng BHYT của mình?
Để biết chi phí KCB của bạn được hưởng bao nhiêu %, bạn cần xem xét đến các yếu tố sau:
1) Bạn thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT nào? Bạn có thể Nhận biết mức hưởng bảo hiểm y tế trên mã số thẻ BHYT.
2) Tuyến KCB là đúng tuyến hay trái tuyến.
3) Tỷ lệ thanh toán BHYT của thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật mà bạn sử dụng.
4) Giới hạn tỷ lệ thanh toán BHYT của quỹ BHYT.
Về nguyên tắc, khi người bệnh có thẻ BHYT đi KCB đúng tuyến và xuất trình đầy đủ thủ tục thì phần chi phí của lần KCB đó sẽ thường gồm những khoản sau:
1 - Phần Quỹ BHYT chi trả ở mức 95% hoặc 80%, tùy theo mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của người tham gia.
2 - Phần người bệnh phải cùng chi trả là 5% hoặc 20%, tùy theo mức hưởng quy định trên thẻ BHYT. Đây là chi phí được tích lũy để làm căn cứ cấp Giấy miễn đồng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm.
3 - Phần ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT: người tham gia phải tự chi trả chi phí này.
Lấy ví dụ đối với trường hợp người bệnh là người lao động có mức hưởng BHYT ở mức 80%, đi KCB đúng tuyến và sử dụng thuốc A có tỷ lệ thanh toán BHYT là 50%, giá thuốc A là 10.000.000 đồng, thì phần chi phí bệnh nhân cùng chi trả khi sử dụng thuốc A là:
10.000.000 x 50% x (100% - 80%) = 1.000.000 đồng
Sau 10 lần sử dụng thuốc A thì số tiền cùng chi trả của người bệnh là 10.000.000 đồng.
Như vậy bằng việc tham gia BHYT người bệnh khi KCB BHYT sẽ được Quỹ BHYT hỗ trợ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị.
Người dân được hưởng thêm quyền lợi gì khi dùng BHYT từ tháng 10/2023?
Hiện nay, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.
Nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí.
Như vậy mức chi phí này tăng 46.500 đồng so với trước ngày 1/7/2023.