Theo quy định tại Nghị định 123/2024 có hiệu lực từ ngày 4/10/2024, hành vi cố tình bán đất khi không có sổ đỏ hoặc đất đang thuộc diện tranh chấp sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức, người dân cần hết sức lưu ý.
Bán đất không sổ đỏ sẽ có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Theo quy định tại Khoản 1 thuộc Điều 45 Luật Đất đai 2024, đất phải có đủ các điều kiện sau mới được phép thực hiện mua bán:
- Đất có sổ đỏ;
- Đất không có tranh chấp;
- Đất không đang trong tình trạng bị kê biên hoặc bị áp dụng các biện pháp khác để đảm bảo việc thi hành án;
- Đất vẫn còn trong thời hạn sử dụng đất;
- Đất hiện không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngoài ra, Nghị định số123/2024 có hiệu lực từ ngày 4/10/2024 có quy định về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể như sau:
Khoản 3 thuộc Điều 17 nghị định này quy định các hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 thuộc Điều 45 Luật Đất đai 2024 thì hình thức và mức xử phạt 30 đến 50 triệu đồng.
Đồng thời, theo Khoản 2 thuộc Điều 5 Nghị định 123 quy định về mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền với cùng một hành vi vi phạm đối với tổ chức sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu có hành vi cố tình bán đất khi không có sổ đỏ hoặc đất hiện đang tranh chấp thì người bán đất sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 60 đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó cũng bắt buộc bên mua phải trả lại đất. Đồng thời, hợp đồng mua bán sẽ bị vô hiệu và nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do việc thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, buộc phải thực hiện việc đăng ký đất đai với những trường hợp đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ.
Về mức phạt với các hành vi không đăng ký đất đai khi làm sổ đỏ lần đầu, Điều 16 thuộc Nghị định 123/2024 quy định, sẽ phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo Điều 132 thuộc Luật Đất đai. Tức là đất vẫn đang sử dụng nhưng chưa được đăng ký; đất đã được Nhà nước giao và cho thuê để sử dụng; hoặc đất được Nhà nước giao để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký.
Nếu tự ý sửa thông tin trên sổ đỏ thì sẽ bị phạt bao nhiêu?Về mức phạt khi tự ý sửa các thông tin trên sổ đỏ, theo Nghị định số 123/2024, hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận sẽ bị phạt hành chính 2-5 triệu đồng và ngoài ra sẽ tịch thu sổ đỏ đã sửa chữa, tẩy xóa đó.
Trong khi đó, với hành vi dùng sổ đỏ giả đi mua bán nhà đất, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo Khoản 3 Điều 27 thuộc Nghị định 123/2024, phạt tiền 10 đến 20 triệu đồng với trường hợp sử dụng các giấy tờ giả khi thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác có liên quan đến đất đai chưa đến mức xử lý hình sự.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng và sẽhủy bỏ toàn bộ kết quả thủ tục đăng ký biến động đã sử dụng hồ sơ giả khi chuyển nhượng.