Kết thúc đẹp của những vụ trao nhầm con sau sinh

14:25, Chủ nhật 15/07/2018

( PHUNUTODAY ) - Những ngày qua, vụ 2 đứa trẻ 6 tuổi bị bệnh viện đa khoa Ba Vì trao nhầm khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, đó không phải là vụ trao nhầm con đầu tiên tại Việt Nam. Rất nhiều gia đình cũng đã phải rơi vào thảm cảnh "nuôi con người"...

Câu chuyện trao nhầm con 6 năm trước ở Ba Vì (Hà Nội) đang khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua. Bi kịch trao nhầm con khiến cho nhiều gia đình tan nát, những người phụ nữ bị đồn đoán, dị nghị, thậm chí chết tức tưởi trước "miệng lưỡi thiên hạ".

Vào 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Phùng Giang Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền sinh con trai tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau một thời gian nuôi con nhưng con ngày càng lớn lại càng không giống bố, mẹ, nghi ngờ cháu Phùng Thanh H. không phải là con của mình, vợ chồng anh đã đi xét nghiệm và họ đã vô cùng sốc khi đứa con mình chăm sóc, nuôi dưỡng 6 năm nay lại không phải là con ruột của mình.

Câu chuyện nhầm con ở Ba Vì đang khiến dư luận xôn xao

Câu chuyện nhầm con ở Ba Vì đang khiến dư luận xôn xao

Vô tình thấy một bức ảnh người bạn gửi cho, anh Sơn lặng lẽ đi tìm con. Và sự thật lại một lần nữa khiến một gia đình khác xáo trộn. Chị Vũ Thị Hương, người đã nuôi nấng cháu Đoàn Nhật M. 6 năm sốc nặng trước bản xét nghiệm ADN. Cháu M. không phải con đẻ của chị Hương mà là con đẻ của gia đình anh Sơn. Ngược lại, cháu H. mới chính là con đẻ của chị. Suốt bao nhiêu năm qua, chỉ vì sự tắc trách của bệnh viện đa khoa Ba Vì mà 2 gia đình phải sống trong dị nghị, nghi ngờ, thậm chí chồng chị Hương đã quyết tâm ly hôn với chị vì "con không giống cha".

Ngày 14/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cho biết, sẽ sắp xếp cuộc gặp giữa bệnh viện và gia đình để giải quyết sự việc này nhanh  nhất, sớm cho các cháu về đoàn tụ với gia đình của mình.

Hạnh phúc tìm thấy con gái mấy chục năm chưa từng được bồng bế

Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh (ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình.

Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Khi nhận con từ bác sỹ, thấy chân con là số 32, bà Hạnh và gia đình nghi ngờ vì không khớp với số 33 ở tay bà. Tuy nhiên, lúc đó bác sỹ giải thích do đưa con đi tắm nên số đã bị mờ và khẳng định đứa trẻ có số 32 đúng là con của bà.

Chị Tạ Thu Trang (áo xanh) và bà Nguyễn Mai Hạnh (ở giữa) đều đã tìm được người thân thất lạc.

Chị Tạ Thu Trang (áo xanh) và bà Nguyễn Mai Hạnh (ở giữa) đều đã tìm được người thân thất lạc.

Đưa con gái về nuôi, thấy con càng lớn đều không giống bố, mẹ, nghĩ về sự việc năm ấy, bà Hạnh linh cảm đó không phải là con mình. Năm 1994, khi chị Tạ Thu Trang (người con bà Hạnh nuôi nhầm) được 20 tuổi, bà Hạnh đã cùng con gái đi làm xét nghiệm ADN thì cả hai lần đều cho kết quả chị Trang không phải là con ruột của bà Hạnh.

Sau nhiều năm nhờ các phương tiện truyền thông và cộng đồng tìm kiếm, năm 2017, bà Nguyễn Mai Hạnh vô cùng hạnh phúc vì đã tìm thấy người con gái suốt mấy chục năm chưa từng được bồng bế. Còn chị Tạ Thu Trang đã tìm được cha mẹ của mình sau 43 năm thất lạc.

Kết thúc có hậu trong vụ trao nhầm con ở Thanh Hóa

Ngày 6/12/2012, chị Trâm Anh (ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) được đưa vào Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa. Cùng hôm đó, có một sản phụ ở TP. Thanh Hóa cùng sinh con gái. Họ cùng sinh mổ nên sau khi mổ xong, hai sản phụ nằm chung buồng bệnh ở phòng hồi sức sau mổ. Sau vài giờ đồng hồ nằm ở phòng hậu phẫu, họ được nữ hộ sinh trao trả con.

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ trao nhầm con năm 2012

Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ trao nhầm con năm 2012

Nuôi con, thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ, chị Trâm Anh lấy mẫu đi kiểm tra ADN. Hai vợ chồng chị vô cùng sốc và không thể tin vào sự thật rằng đứa con mà vợ chồng chị nuôi 4 năm qua không phải con mình.

Ngày 7/6/2016, vợ chồng chị quay lại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đề nghị tìm kiếm đứa con thất lạc. Sau đó, phía bệnh viện đã kết nối với 2 gia đình, và cả 2 gia đình đều đồng ý nhận lại con bị trao nhầm.

Hai cô bé bị trao nhầm trở thành "chị em ruột thịt"

Câu chuyện trao nhầm con tại Bình Phước cũng đã từng khiến dư luận xôn xao. Năm 2013, chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc S’Tiêng) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Nuôi con khoảng 1 năm thì vợ chồng chị Trang thấy con gái Lan Anh không giống cả cha lẫn mẹ nên nghi ngờ bị trao nhầm con. Đầu tháng 5/2016, gia đình chị Trang đưa bé đi xét nghiệm ADN thì kết quả cháu không cùng huyết thống nên khiếu nại bệnh viện.

Lan Anh (trái) cùng Ngọc Yến chơi với nhau tại nhà mẹ Liên

Lan Anh (trái) cùng Ngọc Yến chơi với nhau tại nhà mẹ Liên

Sau khi rà soát, bệnh viện đã đưa con chị Trang và con chị Liên đi xét nghiệm ADN thì sự thật mới sáng tỏ. Sau đó, 2 bé gái Lan Anh và Ngọc Yến được trả về cho ba mẹ ruột sau 3 năm bị trao nhầm. Rất may câu chuyện của họ kết thúc có hậu khi hai gia đình vẫn xem 2 bé như con cháu trong nhà.

Hiện 2 bé đều đi học cùng nhau từ thứ hai đến thứ sáu và ở cùng nhà với chị Trang, đến cuối tuần thì 2 bé về ở nhà chị Liên. Hai bé được xem như "chị em ruột" của nhau. Cả hai gia đình nhận em bé bị trao nhầm làm con nuôi và vẫn liên lạc, thăm hỏi nhau thường xuyên.

Con gái khắc khoải đi tìm mẹ đẻ sau 29 năm bị trao nhầm

Chị Lê Thanh Hiền và người mẹ Phan Thị Tuyết Hoa

Chị Lê Thanh Hiền và người mẹ Phan Thị Tuyết Hoa

Ngày 12/12/1987, bà Phan Thị Tuyết Hoa (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) sinh con tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Bà đặt tên con là Lê Thanh Hiền. Ngay từ nhỏ, chị Hiền đã có những nét khác biệt với các anh chị khác trong gia đình.

Sau khi lấy chồng và sinh 2 con, xét nghiệm máu chị Hiền nhận thấy chị có nhóm máu B, nhưng trong sổ khám bệnh bố chị lại nhóm máu O. Hè 2013, sau nhiều đêm trằn trọc, chị âm thầm lấy mẫu tóc của mẹ mang đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý (Viện khoa học hình sự, Bộ công an) để làm giám định.

Kết quả khiến chị không khỏi choáng váng: Chị không cùng huyết thống với cha mẹ. “Tôi sốc và không thể đứng vững, cảm giác bị tổn thương và đau nhói trong tim. Tôi khóc, nấc nghẹn từng tiếng", chị Hiền xúc động kể lại.

Để tìm lại cha mẹ ruột, chị cùng chồng đến nhà hộ sinh quận Đống Đa hỏi giấy tờ từ 29 năm trước. Sau quá trình tìm hiểu, bà Tô Thanh Th được cho là có nhiều nét gần giống chị Hiền nhất. Nhưng kết quả xác định chị không phải con gái đẻ của bà Th. Và đến bây giờ chị vẫn đau đáu khát khao tìm được đấng sinh thành.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc