Ép học vì thầy phán thế
Lấy nhau hơn mười năm, anh chị Hoa (Ninh Bình) mới sinh được bé Tùng. Sự hiếm muộn khiến Tùng trở thành con cưng. Gia đình có điều kiện, Tùng được bố mẹ dành cho những điều tốt nhất từ vật chất đến tinh thần. Nhưng có điều, làm con một không phải lúc nào cũng là tốt, ngày từ nhỏ, bé đã phải gánh trên vai đủ thứ kì vọng của cha mẹ về nghề nghiệp, tương lai. Năm nay, bé Tùng vừa tròn bốn tuổi, sang năm bé mới vào lớp một nhưng công cuộc học hành của bé đã diễn ra từ gần một năm trước đó. Nếu là để chuẩn bị cho năm tới bé vào lớp một thì hoàn toàn chẳng có gì ngạc nhiên nhưng nhà chị Hoa ép con đi học bởi nghe theo lời thầy.
Chị Hoa là người rất sùng tín. Trong nhà, dù là việc nhỏ nhất như mua đồ đạc mới trong nhà, chị cũng nhất định phải đến gặp thầy để thỉnh ý. Ngay cả việc chị sinh được bé Tùng, Hoa vẫn cho rằng đó là con cầu tự, là nhờ thầy cầu khấn cho mà có nên mọi việc xung quanh bé Tùng đều do thầy phán, vợ chồng Hoa cứ thế mà làm theo. Chính vì thế mà dù mới bốn tuổi nhưng Tùng đã chịu đủ thứ khốn khổ do mẹ bé sùng tín mang về. Thầy nói rằng thằng bé Tùng sau sẽ có số xuất ngoại, đi du học ngành mĩ thuạt ở bên Ý, tương lai vô cùng xán lại nên chị Hoa về tức tốc bắt con đi học.
Cái sự học tiếng nước ngoài của một đứa trẻ mới hơn ba tuổi thật quá nhiều khó khăn. Mở đầu cho chuỗi ngày "gian khổ", Tùng phải học nói cho sõi và học mặt chữ Tiếng Việt trước. Song song với việc học mặt chữ, Tùng phải nghe tiếng Ý liên tục trong ngày dù chẳng hề hiểu gì. Cùng với công cuộc học tiếng, bé "được" cha mẹ cho đi học vẽ. Tay bé xíu ngày nào cũng phải vật lộn với cây cọ vẽ to đồ sộ. Chẳng những thế mà chị còn bắt hai vợ chồng cùng đi học tiếng Ý để về cả nhà chỉ nói tiếng Ý với nhau để con tiếp thu nhanh và nhớ lâu. Tùng phải "đoạn tuyệt" hoàn toàn với Tiếng Việt. Không còn những ngày đi học mẫu giáo cùng chúng bạn, cũng ít khi được đi thăm ông bà, cô chú, Tùng ngày nào cũng bị ngập trong thứ tiếng xứ xa kia.
Chiều con nhưng Hoa cũng rất nghiêm khắc. Từ ngày cho bé Tùng học tiếng Ý, chỉ cần bé nói chuyện mà dùng tiếng Việt thì y như rằng sẽ bị ăn đánh. Anh chị còn đầu tư thuê hẳn một gia sư dạy tiếng đến ở cùng gia đình. Mọi giao tiếp của Tùng với bố mẹ đều thông qua cô giáo. Việc học vẽ của Tùng cũng vất vả không kém. Từ cách pha mầu, phối cảnh, lấy góc độ...Tất cả được nhồi nhét cật lực vào đầu óc của đứa trẻ mới gần lên năm. Mỗi bức vẽ của Tùng đều được bố mẹ bé kì công mang đi nhờ họa sĩ nổi tiếng thẩm định và nhận xét. Những lời chê sẽ đồng nghĩ với việc Tùng phải học nhiều và nhiều hơn nữa.
Ảnh minh họa |
Thằng bé không được vui chơi như bạn bè cùng lứa, lại phải học toàn những thứ nó không thích, khóc mếu nhưng mẹ vẫn mặc kệ bởi chị nói tương lai du học của con ở rất gần đây rồi. Hoa không hề nhận ra rằng đã rất lâu, trên khuôn mặt trẻ thơ của con đã mất đi nét cười hồn nhiên, cũng đã rất lâu chị không còn được nghe tiếng gọi bố gọi mẹ của con trai mình. Chị cứ mải miết chuẩn bị cho tương lai trong mơ của con. Nhà cửa cũng được sửa sang lại theo kiến trúc của Ý để "sau này con mình sang bên đó học thì sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ nhiều". Một tương lai thật đẹp được vẽ ra và được nỗ lực làm cho nó trở thành hiện thực, chỉ có hiện tại của Tùng là không đẹp. Cái mác "du học" ám vào suy nghĩ của bố mẹ cháu và dán chặt vào tuổi thơ cháu, mang đi hai chữ bình yên.
Học thật nhiều để thành thần đồng
Nói về chuyện học hành của con, anh Huy suy nghĩ rất thoáng. Anh không bao giờ ép con phải học thế này thế kia bởi Huy không muốn Mi, con gái anh phải chịu những áp lực học hành mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Huy quan niệm học được là tốt nhưng học để phát điên thì thà không học còn hơn.
Là một bác sĩ tâm lý, bản thân anh đã chứng kiến nhiều trường học các cháu bị trầm cảm vì bị bố mẹ thúc ép học hành. Sự không cân đối giữa thời gian chơi và thời gian học đồng thời tâm lý nặng nề khiến các cháu không thể sống đúng với tuổi của mình. Huy hoàn toàn không muốn con mình cũng bị lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mi học giỏi, luôn vui vẻ và lúc nào cũng ríu rít. Nhưng những ngày tháng "huy hoàng" kết thúc khi con trai nhà hàng xóm rinh về giải nhất toán tỉnh và vô số các giải thưởng khác. Con bé Mi học giỏi nhưng chẳng bao giờ chịu dự thi bất cứ kì thi nào nên cháu không có giải gì. Điều này động tới tự anh của anh Huy.
Thấy hàng xóm khen ngợi con nhà bên, Huy thấy con mình cũng thuộc dạng thông minh nên không cớ gì mà lại thua con nhà người khác được. Ngay lập tức, Huy lên kế hoạch xếp lịch học cho con với quyết tâm "ăn thua" với con nhà hàng xóm. Huy nhờ tất cả các mối quan hệ và tự bản thân đi lùng sục khắp nơi tìm thầy giỏi cho con.
Mi năm nay lên lớp sáu. Anh Huy muốn biến con gái mình thành một học sinh giỏi toàn diện. Huy tìm thầy dạy kèm tất cả các môn cho con, kể cả các môn phụ như kĩ thuật hay giáo dục công dân... Lịch học vốn nhẹ nhàng của Mi giờ được xếp dày đặc với đủ những bài tập, bài luận. Một ngày, anh chỉ con ngủ khoảng sáu tiếng. Trừ đi hai tiếng ăn trưa và tối cùng chút ít thời gian để làm những việc khác, phần thời gian còn lại đều được dùng để học. Những môn học thuộc, Huy yêu cầu thầy phải dạy con mình hiểu và sau đó ngồi nghe Mi diễn đạt theo ý hiểu của mình. Học nhiều, bị kiệt sức, anh thuê cả bác sĩ riêng đến.
Một tay con anh cắm truyền nước, một tay cặm cụi chép bài. Thế chưa đủ, trước khi đi ngủ, anh còn bắt con phải đọc từ điển bách khoa toàn thư bởi anh muốn con phải hiểu biết toàn diện, cái gì cũng biết, mà biết thì không thể là qua loa bởi trong bữa cơm, con anh còn bị “hành hạ” tiếp vì phải trả bài cho ba. Huy còn kì công ngồi thu âm bài giảng vào máy ghi âm để khi ngủ, con bé Mi sẽ đeo tai nghe. Như thế, ít nhiều những kiến thức ấy cũng sẽ lọt vào bộ nhớ của cháu và với Huy, như thế thật quá tốt.
Nhưng đáp lại những kì vọng của anh, việc học của cháu Mi đi xuống. Không ngủ đủ giờ, học nhiều khiến Mi không thể tiếp thu thêm những kiến thức mới. Cháu không còn đủ sức để đưa những điều đó vào bộ nhớ của mình. Mi mệt mỏi, chán chường nhưng tất nhiên là Huy không quan tâm đến điều đó. Anh cần con mình học thật chăm. Ngoài điều đó ra, không gì có thể làm anh bận tậm.
Cảm thấy vẫn chưa đủ với những gì con đã học, Huy còn bắt con học cả cờ vua, cờ tướng vì đó là nhừng trò chơi có khả năng phát triển trí tuệ, khả năng suy luận rất tốt. Để tránh trong tuổi dậy thì, con có những tình cảm khác lạ với bạn khác giới, Huy đưa con vào chương trình quản thúc đặc biệt. Huy tạo môi trường để con không thể thể hiện sự nữ tính. Anh muốn con thật nam tính để không bị làm phiền bởi bạn khác giới. Quần áo Mi mặc cũng không được chọn lọc đặc biệt.
Từ bỏ mái tóc dài đen mượt, Mi bị ba bắt cắt tóc ngắn để trông cho bớt xinh xắn. Mọi hành động của Huy đều hướng tới một mong muốn duy nhất là làm sao cho con bé không bị tán tỉnh, bị phân tâm bởi chuyện tình cảm chưa đến tuổi. Hễ bạn trai nào tỏ ý quý mến Mi thì y như rằng Huy sẽ đến tận nhà cháu trai đó để thông báo cho bố mẹ cháu. Điều này khiến các bạn này tránh xa và có ý dè chừng với Mi. Đó là điều mà Huy mong muốn được thực hiện.
Con anh chưa biết có thể trở thành thần đồng hay không nhưng điều chắc chắn là cháu đang bị khủng hoảng trầm trọng. Nhưng anh sẽ không dừng lại cho đến khi con anh phải “vượt” được con trai nhà hàng xóm. Tận mắt chứng kiến những đứa trẻ phát điên vì học hành quá nhiều không đủ để cho Huy dừng cách đối xử của mình đối với con. Có lẽ với Huy, sĩ diện quan trọng nhiều hơn so với đứa con mình dứt ruột để ra.
Hàng ngày, Huy vẫn lớn tiếng trách các bậc cha mẹ đưa con đến phòng khám của mình chữa chứng trầm cảm vì học quá nhiều nhưng chính bản thân anh lại đang làm điều mà anh vẫn chống lại nó. "Tất cả chỉ là lí thuyết. Muốn nên người thì con tôi phải học thôi. Trầm cảm thì có thể chữa chứ học không ra gì thì có giời mới cứu được" - Anh Huy tâm sự khi đang mải miết soạn giáo án để dạy cho con yêu một môn học mới.
Bắt con học những trò thời thượng
Cũng mong muốn con thật giỏi giang như những ông bố, bà mẹ trên, ông Kiên dồn mọi tâm trí và tiền bạc để đầu tư cho việc học của con. Tuy nhiên, khác với những câu chuyện đã kể, ông Kiên không ép con mình phải khốn khổ học văn hóa vì ông coi chuyện đó không quá quan trọng. Bản thân ông vốn xuất thân từ nông dân, học hết lớp chín, qua vài đợt buôn đất trúng mánh giờ ông Kiên trở thành một tỷ phú với số tiền nhiều tới mức không thể tưởng tượng nổi. Mặc cảm với xuất thân của mình, ông thề rằng sẽ biến con gái yêu của mình thành một tiểu thư giàu sang bậc nhất để có thể ngẩng mặt khoe với thiên hạ. Vì thế, thay vì bù đầu với các môn học ở trường, Linh, con gái ông, được bố đầu tư cho đi học những trò chơi của giới nhà giàu, thể hiện được đẳng cấp và địa vị của mình.
Những bài học trên lớp Linh chỉ phải học qua loa và không mấy phải chú tâm vì bố cô đã thuê hẳn một gia sư chuyên giúp đỡ con gái rượu của mình trong việc làm bài tập. Phần lớn thời gian của cô bé 11 tuổi này là dành cho sân gôn.
Ngoài việc thuê thầy, đích thân ông Kiên cũng hồ hởi dạy con các tư thế đứng cho đẹp đẽ khi phát gôn. Trước hết là “phải tập dáng đã rồi đánh trúng hay không tính sau”. Thậm chí ông Kiên còn cho phép con gái nghỉ học để đi tập gôn với bố. Nếu Linh muốn đi học hơn đi tập chắc chắn sẽ nhận được những lời quát mắng từ phía ông bố yêu quý. Có những khi Linh mệt nhoài vì phải diễn đi diễn lại một thế đứng cho các bạn của bố xem để bố có dịp ngẩng mặt với đời. Mỗi khi đi cùng đối tác thì ông Kiên lại càng muốn khoe cô con gái rượu có tư thế đánh rất đẹp của mình.
Kết thúc buổi tập, cô bé bị đưa thẳng về nhà vật lộn với đàn dương cầm. Tối đến thay vì nghỉ ngơi Linh lại được đưa đến nhà thầy để tập múa balê. Hai tiếng balê mỗi ngày đủ cho Linh mệt nhoài với toàn thân đau nhức. Bố cô bé giao chỉ tiêu cho thầy rằng trong 2 tuần, Linh phải múa thật tốt, thật uyển chuyển để còn tham gia cuộc thi tài năng giữa các “công chúa, hoàng tử” của bạn bè ông. Vì thời gian gấp rút, cô bé phải tập cật lực, chân bị toé máu. Nhưng điều đó không khiến ông Kiên bận tâm. Thứ ông muốn biết là bao giờ con gái ông có thể tự tin trên sân khấu để múa những điệu múa balê ông vẫn thường nhìn thấy kia.
Việc tập đàn cũng khiến Linh khốn khổ. Bởi không có mấy năng khiếu về âm nhạc nên khả năng nhớ các nốt và di chuyển tay không nhanh nhẹn. Ông bố còn đầu tư cho việc học nhạc của con bằng cách xây một phòng lớn có cách âm để Mi được tập trong sự yên tĩnh. Nhưng nghệ thuật là thứ nếu không có khiếu thì bạn không thể làm được. Ấy vậy mà ông bố lại bắt Linh học thêm cả vĩ cầm. Vì “bố thấy cái dáng con gái kéo vĩ cầm nó sang lắm”.
Lịch học chồng chéo, ông Kiên cho Linh nghỉ hẳn ở nhà để học. Ngoài học mấy trò chơi trên, Mi còn "được" bố đăng kí cho đi học nấu ăn những món ăn Tây, bánh qui, nữ công gia chanh...Mi được "lệnh" của bố là phải giữ cho đôi bàn tay thật mềm mại vì "tiểu thư thì tay chân phải như vậy". "Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" là tiêu chuẩn về giao tiếp dành cho Mi.
Ông Kiên luôn tin rằng con gái mình là một thiên tài, rất có khiếu đối với các bộ môn nghệ thuật. Để "khoe" con gái, ông cho ghi đĩa những bản nhạc mà Linh đã chơi rồi mang tặng cho bạn bè. Việc làm ấy khiến ông cảm thấy hãnh diện lắm. Sắp tới, ông Kiên đã tìm được khóa học trà đạo cho con gái vì "con gái mà học trà đạo thì sẽ đằm tính, ra dáng con nhà giàu, một tiểu thư chính hiệu". Và chắc chắn rằng Linh sẽ phải học thêm nhiều thứ nữa, miễn là đối với ông Kiên, học thứ đó rất hợp với dáng của tiểu thư.
Tất cả những qui tắc do bố đề ra đổ lên đầu cô bé 11 tuổi đã biến cuộc sống của bé thành những ngày không ấu thơ. Vậy là để thỏa mãn những sử thích và tính sĩ diện, phô trương của bố, những ngày chớm đầu thiếu nữ của Mi đã lặng lẽ ra đi mà chủ nhân của nó thậm chí còn chưa kịp nhận ra là nó đã đến với rất nhiều những buồn vui. Tâm sự với chúng tôi, cô bé nói: "Có lúc em ước rằng mình được sinh ra trong một gia đình bình thường, không giàu có. Như thế, bố mẹ sẽ không có tiền để chi trả cho những môn nghệ thuật mà em hoàn toàn không có năng khiếu này".
Con khốn khổ với kĩ năng sống
Cũng khốn khổ với việc học hành nhưng bé Đan (6 tuổi) lại mải miết với những khóa học "kĩ năng sống". Bố mẹ bé quan niệm rằng, khi vào đời, ngoài hành trang là kiến thức con Đan mang theo, cái quan trọng nữa là bé phải giao tiếp với mọi người thật tốt. Đó là lí do vì sao những lớp kĩ năng mềm được đăng kí cho Đan. Bố mẹ bé yêu cầu là khi khoá học kết thúc, bé Đan phải học được cách phân biệt tốt xấu, giao tiếp tốt với mọi người, biết bảo vệ mình trước những cám dỗ…Giáo viên nhận dạy cho bé cũng hoảng hồn vì những yêu cầu mà anh chị đưa ra. Đến người lớn còn không tránh khỏi những cám dỗ nữa là một con bé 6 tuổi, chỉ thông qua một vài khoá học thì sao có thể.
Nhưng chiều theo nguyện vọng cuả thượng đế, cô giáo bắt đầu công cuộc đào tạo công dân của mình. Bé Đan hàng ngày bị nghe hàng chục câu chuyện về người lừa ngừơi, những thủ đoạn mà con người dùng để lừa dối nhau. Sau đó cô giáo đưa ra các tình huống cho bé tự phán xét xem trong câu chuyện cô đưa ra ai đang lừa ai, ai là người xấu… Rồi chính Đan sẽ nghĩ ra những trường hợp trong đó người tưởng là tốt thì hóa ra lại là kẻ thủ đoạn và ngược lại. Sự cảnh giác của Đan đối với mọi người xung quanh tăng lên trông thấy. Trước mọi sự việc, cô bé luôn nghĩ thật kĩ xem nên ứng xử thế nào. Đó có lẽ là điều tốt nhưng mặt hại lại nhiều hơn.
Bố mẹ bé từng hết hồn khi nghe con kể chuyện về một bà già qua đường nhờ bé dắt: "Con không tin là bà không thể tự qua đường. Con cho rằng bà âm mưu muốn lấy thứ gì đó của con". Những suy nghĩ quá sâu và quá người lớn khiến Đan đánh rơi đi tuổi thơ của mình. Cô bé quay sang nghi ngờ cả bố mẹ mình. Làm bất cứ việc gì Đan cũng phải hỏi dò thật kĩ. Kĩ năng sống không biết cô bé có thu nạp được không nhưng đầu óc non nớt của bé thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bé lúc nào cũng chỉ thấy người xấu xung quanh mình, nghi ngờ tất cả và lúc nào cũng suy xét là việc này, việc này có lợi cho mình hay không thì mới bắt tay vào làm.
Nhận ra điều đó, bố mẹ bé cho dừng tất cả các khóa học để con mình không bị sa đà vào việc suy xét quá nhiều. Nhưng sau đó, ngay lập tức anh chị tự mình mở một lớp kĩ năng ở nhà cho con. Hai bố mẹ thay nhau dạy con qua từng câu chuyện, từng tình huống. Bất cứ chương trình nào chiếu trên tivi, hay bộ phim hoạt hình hay cùng lắm là một đoạn quảng cáo, anh chị cũng sẽ tìm ra được một điểm gì đó xấu xa để dạy cho Đan biết đường tránh.
Ví dụ đơn giản như một chương trình truyền hình phát lệch giờ so với giới thiệu chương trình, bài học được rút ra cho Đan là bất cứ ai trong cuộc đời này cũng có thể lừa chúng ta. Việc học văn hóa của cháu cũng được chú trọng. Hai anh chị đưa ra mức thưởng 50.000 đồng cho một điểm chín và 100.000 đồng cho một điểm mười nhằm kích thích con học tốt hơn.
Họ không biết rằng việc làm này đã vô tình đẩy con gái bé nhỏ của họ vào việc nói dối. Bé chỉ mang về điểm chín, mười cho cha mẹ xem còn những điểm thấp thì giấu hết đi. Chỉ đến khi cô giáo gọi điện thông báo thì hai người mới ngã ngửa. Hình phạt được đưa ra cho những việc làm của Đan là lịch học dày đặc với sự giám sát của bố mẹ. Sự ép học nhiều dần tới quá tải. Đan thường xuyên đau đầu và mệt mỏi. Cô bé kêu với bố mẹ thì nhận lại được những cái nhìn dò xét và đầy nghi ngờ. Không một ai tin. Chỉ đến khi Đan ngất xỉu và phải đưa vào bệnh viện, bố mẹ bé mới tin con mình bị căng thẳng quá mức. Đợt điều trị tâm lý của bé khiến việc học bị dừng lại. Có lẽ phải khá lâu nữa, Đan mới lấy lại được sự thăng bằng trong tinh thần của mình và nếu may mắn, bé sẽ lấy lại được phần nào tuổi thơ đã mất.
Cha mẹ luôn luôn kì vọng vào con cái. Ai cũng muốn con mình giỏi giang tới mức hoàn hảo. Nhưng các bố các mẹ nên biết rằng hoàn hảo không phải là tất cả. Con cái chúng ta quan trọng hơn nhiều so với bảng điểm của các con cháu. Hãy để chúng lên lớn lành lặn cả trong tâm hồn lẫn thể xác với vẹn toàn tuổi thơ mà các cháu nhất thiết phải đi qua. Cổ vũ, động viên và khích lệ để các con hứng thứ với việc học hành của mình, hứng thứ tự mình vươn lên luôn luôn có tác dụng tốt hơn so với việc thú ép và bắt làm theo. Mỗi đứa trẻ là một khoảng trời riêng đầy đẹp đẽ của mỗi ông bố, bà mẹ. Có thể con chúng ta không phải là thần đồng nhưng chúng đủ thông minh để lớn lên mà không cần đến sự thúc ép của chúng ta. Hãy để mọi thứ tự diễn ra, như nó vẫn thế...
Đan Di