Thông thường, khi sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân, người dân cần đến BV làm xét nghiệm để loại trừ sốt xuất huyết.
Đặc biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức mắt thì càng cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết.
Hiện nay, test sốt xuất huyết đã được phổ cập đến tận tuyến huyện. Chỉ khi kiểm tra không phải sốt xuất huyết mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt virus, sốt viêm họng...
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần nhập viện. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, hiện mỗi ngày khám 600-800 bệnh nhân sốt xuất huyết, số nhập viện chỉ chiếm 7-9% song BV vẫn đang quá tải.
Những dấu hiệu cảnh báo nặng
Người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng. Khi người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên, phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời. Nếu các thầy thuốc không phát hiện và xử trí đúng, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng với bệnh cảnh của SXHD nặng như sốc, xuất huyết nặng và suy đa tạng.
Sốc SXHD với biểu hiện của suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.
Sốc SXHD được chia ra 2 mức độ để điều trị bù dịch:
Sốc SXHD: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.
Sốc SXHD: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Những biểu hiện xuất huyết nặng: Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể có suy tạng nặng như suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác, viêm cơ tim, suy tim hoặc suy chức năng các cơ quan khác. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy, khi thăm khám, cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.