Khoai tây rất dễ mọc mầm nếu như không được bảo quản cẩn thận. Theo nghiên cứu, ăn khoai tây mọc mầm có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng nếu ăn ít, thậm chí là huyết áp thấp, mạch đập nhanh, sốt,… nếu tiêu thụ với liều lượng nhiều.
Vậy nên khi thấy khoai tây mọc mầm, phần lớn mọi người sẽ vứt chúng vào thùng rác. Tuy nhiên, điều này là rất lãng phí vì dù không ăn được, khoai tây mọc mầm vẫn còn có giá trị sử dụng.
Làm sạch nhà bếp, máy hút mùi
Sau khi nấu nướng, dầu mỡ rất dễ bám trên bề mặt bếp, tường bếp cũng như máy hút mùi. Nếu không vệ sinh thường xuyên thì các vết bẩn sẽ trở nên cứng đầu, rất khó để làm sạch. Chúng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn mất vệ sinh.
Khoai tây mọc mầm có thể giúp bạn dễ dàng giải quyết vấn đề này. Bạn chỉ cần cắt nó thành từng khoanh, rắc chút muối lên bề mặt rồi chà xát nhẹ lên bề mặt bếp, máy hút mùi,…
Trong khoai tây có tinh bột sẽ đánh bay vết dầu mỡ cứng đầu một cách nhanh chóng. Tiếp đến, bạn lấy khăn sạch lau lại một lần là được.
Làm kính sáng bóng
Mặc dù đồ dùng làm từ kính nhìn rất sang trọng nhưng chúng dễ bị ố hoặc có vệt nước, làm mất đi giá trị của nó. Muốn khắc phục tình trạng này, bạn có thể dùng khoai tây mọc mầm chà xát lên mặt kinh. Tiếp đến bạn lấy khăn sạch và khô lau qua, kính sẽ sáng bóng như mới.
Làm mềm giày da
Sau khi mới mua về, giày da khá cứng khiến người đi bị đau chân. Bạn chỉ cần lấy 1 lát khoai tây chà xát xung quanh giày mới. Phần nhựa sẵn có trong khoai tây sẽ giúp giày da mềm hơn và giúp bạn đi thoải mái hơn.
Tẩy vết gỉ trên chảo
Chảo sau một thời gian sử dụng có thể xuất hiện những vết gỉ. Tinh bột có trong khoai tây có thể giúp bạn khắc phục tình trạng này.
Trước tiên bạn đổ chút giấm vào chảo để làm mềm vết gỉ. Tiếp đến cắt khoai tây thành từng lát, thoa sẵn lớp muối lên bề mặt rồi dùng nó chà xát lên chảo. Lần lượt từng vết gỉ sẽ bong ra. Lúc này bạn rửa chảo lại với nước sạch là sẽ thấy chảo sáng bóng như mới.
Trồng hoa hồng
Khoai tây cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng và độ ẩm để tăng tỷ lệ thành công khi giâm cành, cho phép cây hoa hồng ghép phát triển bộ rễ khỏe mạnh. Khi khoai tây thối dần, nó sẽ trở thành phân bón tốt cho cây. Vì vậy, nếu thấy khoai tây mọc mầm thì bạn hãy dùng nó ghép cây hoa hồng.
Bạn chỉ cần lấy một cành hoa hồng khỏe mạnh, dùng kéo cắt chéo một góc 45 độ, cắt bỏ những nụ hoa đã tàn cùng toàn bộ lá và gai. Sau đó, bạn dùng vật nhọn đục một lỗ lên củ khoai tây sao cho vừa vặn với đường kính cành hồng của bạn. Bạn lưu ý các dụng cụ phải rửa sạch trước khi sử dụng.
Phết thuốc kích rễ lên cành hồng rồi cắm vào củ khoai tây. Tiếp đến bạn vùi củ khoai vào chậu chất đã chuẩn bị sẵn, tưới nước vừa đủ hàng ngày thì chỉ 1 tuần là cành hồng sẽ ra rễ.
Bạn cũng có thể mang khoai tây mọc mầm đi trồng để làm thành cây cảnh hoặc để thu hoạch củ về sau.