Không chỉ nổi tiếng nhiều vợ đông con, dưới thời vị vua này lãnh thổ Việt Nam rộng lớp gấp 1,7 lần hiện nay

08:23, Thứ năm 22/09/2022

( PHUNUTODAY ) - Vua Minh Mạng nổi tiếng là có nhiều vợ và đông con nhất trong số các vị vua thời phong kiến Việt Nam. Ít ai biết rằng ông còn là vị vua mở đất mạnh nhất, rộng nhất.

Hơn 500 bà vợ và 142 người con chính thức

Vua Minh Mạng sinh năm 1791, tên Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của Gia Long. Ông lên ngôi năm 1820, là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn. Minh Mạng được miêu tả là thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung và chăm lo việc triều chính.

Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do ông Nguyễn Viết Kế biên soạn có thống kê vua Minh Mạng đã ăn nằm với 43 phi tần, sinh hạ được 142 người con. Trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Có nhiều tài liệu nói trong cung vua có đến 500-600 người. Vợ ông phần lớn là con gái miền Nam.

Trong đó, hai vương phi được sủng ái nhất là Hiền phi Ngô Thị Chính và bà Lệ Tần Nguyễn Gia Thị. Hiền phi sinh được 4 hoàng tử, 2 công chúa còn Nguyễn Gia Thị sinh được 7 hoàng tử và 3 công chúa. Hai bà thường xung đột nhau, Ngô Thị Chính cậy mình được vua yêu mến thường đánh ghen các bà khác. Vua Minh Mạng cũng nhiều lần đau đầu vì khó xử.

Vua mở đất mạnh nhất, rộng nhất

Minh Mạng được xem là vị vua anh minh của triều Nguyễn. Dưới thời của ông kinh tế ổn định, đời sống của người dân có phần sung túc sau nhiều năm chiến tranh. Hồi đó lãnh thổ Việt Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Vua Minh Mạng cũng đưa ra hàng loạt cải cách trong bộ máy chính quyền, giáo dục, nông nghiệp...

Ai Lao thần phục

Thời kỳ này Việt Nam và Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) đều đặt ảnh hưởng lên Ai Lao, khiến quốc vương Ai Lao phải xin thần phục cả hai nước. Nhiều xứ ở Ai Lao xin được đặt dưới quyền bảo hộ của Việt Nam, các vùng ngày nay gọi là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đều xin trở thành nội thuộc. Nhà Nguyễn cho sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ, phân thành các châu, phủ thuộc Việt Nam.

Campuchia mong được bảo hộ

Vào thế kỷ 17, các đời chúa Nguyễn ở phương Nam trợ giúp người Khmer nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Xiêm La, nhờ đó người Khmer liên tục giành được chiến thắng. Cuối thế kỷ 17 nhà Nguyễn lập ra phủ Gia Định kiểm soát cả vùng Đông Nam Bộ.

Năm 1771, Xiêm La cho quân tiến đánh Campuchia, đường thủy tiến đánh Hà Tiên. Chúa Nguyễn phải cho quân sang cứu Campuchia và đánh quân Xiêm La ở Hà Tiên. Cuộc chiến kết thúc bằng việc Xiêm La và Việt Nam cùng rút khỏi Campuchia. Xiêm La giữ quyền chi phối Campuchia, còn Việt Nam giữ được vùng Hà Tiên.

Năm 1833 diễn ra cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi ở thành Gia Định, vua Minh Mạng cử Trương Minh Giảng đến dẹp loạn, Lê Văn Khôi thua chạy đến cầu xin Xiêm La trợ giúp. Quân Xiêm La nhân cơ hội này tiến đánh Việt Nam, thế nhưng bị quân của nhà Nguyễn đánh bại.

Không chỉ thế, nhà Nguyễn còn cho quân sáng đánh Xiêm La ở Campuchia, chiếm giữ và bảo hộ hầu hết đất nước này, loại bỏ ảnh hưởng của Xiêm La, chỉ còn vùng đất nhỏ là Nam Bàn là thuộc về người Khmer. Nhà Nguyễn sáp nhập các vùng đất Campuchia vào lãnh thổ, đặt tên là Trấn Tây Thành, chia ra thành nhiều phủ, huyện, sắp đặt các quan lại người Việt đến cai trị.

Năm 1835, diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km2, gấp 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ (diện tích Việt Nam hiện là 331.698 km2, theo cổng thông tin điện tử chính phủ năm 2009).

Trước sự lớn mạnh của mình, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương Nam. Đây chính là nguyên nhân và ý nghĩa của quốc hiệu này.

chia sẻ bài viết
Theo:  xevathethao.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy