Kiến nghị bãi bỏ quy định mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, ai cần thì mua tự nguyện, Bộ Tài chính nói gì?

20:16, Thứ hai 17/02/2025

( PHUNUTODAY ) - Từ 1.1.2025 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/NĐ-CP có hiệu lực vẫn quy định người dân phải mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy nên nhiều cử tri tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định này, khuyến khích mua tự nguyện.

 Luật quy định thế nào về bảo hiểm xe máy?

Theo Điều 56 của Luật Trật tự an toàn giao thông thì khi ra đường, người dân đi xe máy cần có đăng ký xe, giấy phép lái xe và Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Đi kèm với Luật này là Nghị định 68/2024/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó Khoản 2 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã chính thức có hiệu lực quy định xử phạt liên quan tới bảo hiểm xe máy bắt buộc như sau: 

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy kinh doanh vận tải không mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là quy định của luật

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là quy định của luật

Trên thị trường hiện có 2 loại bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, có giá khoảng 50-65 nghìn đồng tùy theo dung tích xe. Bảo hiểm tự nguyện là bảo hiểm mua theo số người được bảo hiểm, thường có giá 10-20 nghìn đồng. Loại bảo hiểm quy định trong luật là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, bảo hiểm này đảm bảo khi chủ xe hoặc người đi trên xe của chủ xe mà gây ra tai nạn cho người khác thì người bị tai nạn có cơ hội được đền bù nhờ bảo hiểm chủ xe đã mua. Còn bảo hiểm tự nguyện là để bồi thường cho chủ xe và người ngồi trên xe của chủ xe, chứ không bồi thường cho người bị tai nạn. 

Chính vì thế luật mới bắt buộc dân mua bảo hiểm xe máy bắt buộc còn bảo hiểm tự nguyện thì không quy định.

Trước quy định đó thì một số của tri của một số địa phương kiến nghị bãi bỏ quy định này. Trên thực tế nhiều người dân khi mua bảo hiểm xe máy là đối phó với CSGT không thực sự quan tâm tới quyền lợi của loại bảo hiểm này và khi sự việc xảy ra thì thủ tục bảo hiểm rườm rà.

Thế nên cử tri đại biểu Đồng Nai mới đây đề nghị bãi bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm này, khuyến khích người dân ai cần thì mua bảo hiểm tự nguyện.

Bộ Tài chính trả lời thế nào? Bao giờ sẽ bãi bỏ quy định này?

Trước kiến nghị này của cử tri, Bộ Tài chính trả lời:

Trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ôtô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ASEAN.

Theo trả lời của Bộ tài chính thì bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy là quy định bắt buộc

Theo trả lời của Bộ tài chính thì bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy là quy định bắt buộc

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ôtô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988 theo Nghị định số 30- HĐBT ngày 10.3.1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

Hiện nay xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn. 

Theo số liệu thống kê, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có khoảng 6,5 triệu xe, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành (tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt khoảng 72 triệu chiếc).

Với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, sẽ được bảo hiểm chỉ trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn, về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm chủ xe máy) được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong đó có bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Theo đó đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm gia tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới về: Phí bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường...

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai loại hình bảo hiểm này, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến vai trò, ý nghĩa, nội dung của loại hình bảo hiểm này để người dân cũng như chủ xe cơ giới nắm rõ hơn các quyền lợi bảo hiểm, các rủi ro được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, cách thức liên hệ và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường (hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải in số hotline và hướng dẫn trên Giấy chứng nhận bảo hiểm)...

Cùng đồng bộ với các giải pháp nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm, góp phần tích cực trong việc thực hiện an sinh xã hội.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên