Người lao động dành cả đời để lên kế hoạch, tiết kiệm và mơ về cuộc sống khi về hưu, nhưng nhiều người không tránh khỏi hối tiếc vì chưa chuẩn bị tốt. Hối tiếc của người hưu trí chủ yếu liên quan đến tình hình tài chính. Dù lao động tiết kiệm tiền để về hưu, nhưng những yếu tố như lạm phát và chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng khiến họ phải tiêu khoản tiết kiệm nhanh hơn dự kiến. Dưới đây là những điều gây hối tiếc nhất của những người bước vào độ tuổi hưu trí.
1. Không tiết kiệm và đầu tư sớm hơn trong sự nghiệp
Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu, 46% người về hưu không cảm thấy bản thân đã hoàn thành giấc mơ nghỉ hưu của mình. Chỉ 14% cảm thấy họ đang sống cuộc sống mà họ dự định khi nghỉ hưu, trong khi 40% cảm thấy họ đã phần nào đạt được mục tiêu của mình. Trong đó 51% người về hưu hối hận vì không tiết kiệm sớm hơn và 36% ước rằng họ đã đầu tư sớm hơn. Tiết kiệm để về hưu ở mọi lứa tuổi đều rất quan trọng, có thể giúp xây dựng thói quen tốt và tận dụng lợi ích từ lãi kép.
Đầu tư có hiệu quả sẽ giúp bạn tăng quỹ tài chính trước khi bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Dĩ nhiên, bạn không thể dự đoán trước sự lên xuống hay biến động của thị trường tài chính, nhưng như một nhà thông thái đã từng nói: “Việc bạn kiếm ra lợi nhuận ở đâu và như thế nào hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn”.
Việc đầu tư vào các quỹ có chỉ số thấp, đa dạng được rất nhiều đánh giá sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng khi họ nghỉ hưu. Hãy kiên trì với chiến lược: Không theo đuổi lợi nhuận, tránh đầu tư với chi phí cao, kiên nhẫn và nghĩ về lâu dài.
2. Không tiết kiệm nhiều hơn từ thu nhập
Theo khảo sát, 39% người về hưu hối tiếc vì đã không tiết kiệm nhiều hơn từ lương. Dù các mục tiêu về hưu của mỗi người lại khác nhau, bạn có thể về đích nhanh hơn nhờ lời khuyên của cố vấn tài chính để lên kế hoạch cho cuộc sống mơ ước khi về hưu.
Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì các khoản đầu tư của bạn càng có thể sinh lãi nhiều hơn. Hãy hình dung câu chuyện về hai người phụ nữ 65 tuổi. Người đầu tiên tiết kiệm được 2 triệu đồng một tháng từ năm 25 tuổi. Người kia đợi đến 40 tuổi và tiết kiệm được 4 triệu đồng một tháng. Người bắt đầu đầu tư khi 25 tuổi giờ sẽ có nhiều tiền tiết kiệm gấp đôi, dù người còn lại tiết kiệm một khoản gấp đôi mỗi tháng từ năm 40 tuổi.
3. Không giữ gìn sức khỏe
Một phần ba số người về hưu hối hận vì đã không chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước khi nghỉ hưu. Thời gian dành để chăm sóc sức khỏe và thể chất có thể ngăn ngừa các vấn đề tốn kém sau này. Khi không có sự chuẩn bị, đến tuổi nghỉ hưu, rất nhiều bệnh tật tìm đến bạn. Bên cạnh đó, mỗi người cần tiết kiệm một khoản riêng dành cho chi phí chăm sóc sức khoẻ hàng năm bên cạnh khoản dự trù cho cuộc sống tương lai.
4. Không trả hết nợ trước khi nghỉ hưu
16% người về hưu hối hận vì đã không trả hết nợ trước khi đến tuổi nghỉ hưu và 16% khác ước rằng họ đã trả hết mọi khoản nợ thế chấp trước khi về hưu. Chỉ khi trả hết nợ trước khi nghỉ hưu, bạn mới có thể có tâm trí thoải mái, cuộc sống thư thái trong giai đoạn cuối của cuộc đời. Khi sức khoẻ giảm sút, tài chính không dư giả mà còn khoản nợ cõng trên lưng sẽ khiến cho cuộc sống vô cùng áp lực, mệt mỏi.