Một số nhà nghiên cứu phân chia cuộc đời của con người thành 4 giai đoạn:
- Từ 1 đến 35 tuổi: Đây là thời kỳ năng động nhất của cuộc đời, sức khỏe con người luôn dồi dào, được gọi là "thời kỳ khỏe mạnh"
- Từ 36 đến 45 tuổi: Chức năng sinh lý của con người bắt đầu suy giảm. Đây được coi là thời kỳ hình thành bệnh.
- Từ 46 đến 55 tuổi: Phần lớn bệnh tật bùng phát vào giai đoạn này và nó được gọi là "thời kỳ nguy cơ cao của cuộc đời".
- Từ 56-65 tuổi là thời kỳ tương đối an toàn.
Trong độ tuổi từ 46-55, chúng ta nên làm thêm 2 việc giảm bớt 3 việc để sống khỏe mạnh và trường thọ.
2 việc nên làm
Uống nhiều nước
Chúng ta đều biết rằng nước là một phần không thể thiếu của sự sống, khoảng 70% cơ thể con người là nước. Uống nhiều nước là thói quen có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người thường lãng quên điều này.
Uống đủ nước có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, thúc đẩy quá trình bài tiết chất thải, giảm gánh nặng cho gan thận.
Thay vì các loại đồ uống có đường, nước ngọt có gas, trà sữa... bạn nên chọn uống nước đun sôi để nguội.
Tập thể dục nhiều hơn
Kiên trì tập thể dục sẽ giúp tăng cường thể lực, tăng sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt, khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật nhiều hơn thì việc củng cố hệ miễn dịch là điều cần thiết.
Việc ngồi lâu, lười vận động sẽ làm tăng khả năng tích lũy mỡ thừa, khiến cơ thể trì trệ.
Nên vận động hợp lý mỗi ngày để tiêu hao năng lượng dư thừa, ngăn chặn tình trạng tích mỡ, giúp cơ thể giữ được độ dẻo dai, nhanh nhẹn. Việc tập thể dục còn giúp cải thiện sức đề kháng, phòng tránh sự xuất hiện của bệnh tật cũng như trì hoãn lão hóa.
Bạn có thể chọn những hình thức vận động phù hợp với thể lực như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi, tập yoga...
3 bớt để sống lâu
Thức khuya
Thức khuya là thói quen của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, việc thức khuya thời gian dài sẽ âm thầm hủy hoại sức khỏe.
Thức khuya dẫn đến rối loạn nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, tăng tốc độ lão hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Việc đi ngủ sớm vào ban đêm và ngủ đủ giấc sẽ giúp tăng cường sức để kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm đồng thời giúp cơ thể chống chọi lại với các bệnh như cao huyết áp, đau đầu, mệt mỏi.
Ngủ sớm còn giúp phát triển trí não, tăng khả năng tập trung, giữ đầu óc minh mẫn, chuẩn bị tinh thần thoải mái để bắt đầu quay lại công việc vào hôm sau.
Uống rượu, hút thuốc
Uống rượu và hút thuốc là hai việc tàn phá sức khỏe rất nhanh. Uống nhiều ượu có thể gây ra gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, mạch máu não và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Trong khi đó, thuốc lá cũng chứa rất nhiều chất độc hại. Càng hút nhiều thuốc, tuổi thọ càng có nguy cơ bị rút ngắn.
Nếu bạn muốn cơ thể khỏe mạnh, sống lâu, hãy cố gắng bỏ hai thói quen này càng sớm càng tốt.
Ăn quá nhiều
Mỗi người thường ăn 3 bữa chính trong một ngày gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Càng có tuổi, hệ tiêu hóa càng hoạt động chậm, khả năng tiêu thụ thức ăn kém đi. Đây là lúc bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống.
Hãy giảm bớt các loại thức ăn có hại cho sức khỏe như đồ chiên rán, thực phẩm nhiều đường, đồ muối... Thay vào đó, hãy tích cực tiêu thụ các loại rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, thịt, cá... để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Tránh ăn quá no trong bữa ăn. Việc ăn quá no sẽ khiến chức năng tiêu hóa của dạ dày bị quá tải. Thường xuyên ăn no còn dẫn đến việc dư thừa năng lượng, sinh ra béo phì và kéo theo nhiều bệnh nguy hiểm khác.