Kỳ lạ nghề càng chạy càng ra tiền, thu nhập mỗi ngày vài trăm nghìn đồng

( PHUNUTODAY ) - Những người làm nghề dây keo ở nhiều tỉnh miền Tây mỗi ngày phải vừa chạy bộ chừng 15-20km để se sợi dây thừng. Công việc tuy vất vả nhưng mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định.

Xóm làng nghề làm dây thừng nằm cách trung tâm UBND xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, An Giang). Đa số các hộ dân ở đây đều làm nghề này tuy nhiên không ai rõ nghề có từ bao giờ. Người ta chỉ biết rằng đây là nghề cha truyền con nối của người dân xã Mỹ Hội Đông. Nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng gắn bó với nghề.

Nghề làm dây thừng giúp cho nhiều lao động có thêm thu nhập. Công việc này không theo mùa vụ mà xoay chuyển “quanh năm suốt tháng”, lúc nào cũng đắt hàng nên ổn định hơn so với việc làm nông. Người dân làng cho biết, dây keo được dùng làm dây neo cho tàu ghe, dây kéo lưới, dây cột động vật và phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp. Không chỉ bán trong vùng mà còn xuất đi cả Campuchia.

Vì đặc thù của công việc “chạy kéo dây” nên người dân tại đây tự đặt tên cho xóm mình là “xóm chạy”. Cụ thể, để có được một sợi dây thừng thành phẩm phải trải qua 4 công đoạn và chạy 3 lượt, mỗi lượt gần 200m. Như vậy, trung bình mỗi ngày mỗi người phải chạy từ 10 – 20km hơn cả vận động viên, liên tục chạy nhiều giờ liền nên cần sức khỏe thật dẻo dai. Không chỉ vậy, người làm nghề ở ấp Mỹ Thành còn phải chạy bộ dọc theo đường đê hay giữa các cánh đồng, kéo theo phía sau là một cái cào có buộc những sợi dây dài.

Thực tế quá trình làm dây keo bao gồm nhiều công đoạn khá vất vả. Các xưởng lớn phụ trách nấu

nhựa và se nhựa thành sợi nilon, sau đó cuộn sợi nilon thành từng ống. Những gia đình trong xã Mỹ Hội Đông sẽ nhận các ống sợi về, se thành dây to nhỏ tùy theo kích thước được đặt hàng. Người làm sẽ buộc các sợi nilon vào một cái cào, sau đó chạy để kéo căng dài hàng trăm mét, cài vào một cái giá để sẵn gọi là "ngựa". Các sợi mảnh, rời rạc sau đó được se tròn và bện lại với nhau thành những dây lớn.

Ở công đoạn chạy căng dây, một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ chạy và se dây. Bên cạnh sức bền và kỹ năng, người chạy còn phải có sự phối hợp nhịp nhàng để nhả dây từ từ. Nếu quá nhanh sẽ rối còn chậm thì người kéo sẽ rất nặng.

Trong một hộ gia đình làm nghề dây keo, thường thì người vợ sẽ đảm nhận nhiệm vụ chia dây và quấn dây còn người chồng sẽ chạy và se dây. Nếu dây bị đứt hoặc rối, người thợ phải sớm phát hiện và nhanh tay lấy thêm đoạn mới nối vào, nếu không cả đoạn sẽ rối, mất công lẫn tốn thời gian.

Thống kê năm 2021, toàn xã có hơn 500 lao động làm nghề dây keo, mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cứ một ký thành phẩm, người thợ được chủ các cơ sở trả từ 1.000 – 5.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Trung bình một ngày một người có thu nhập 300.000 – 400.000 đồng. Công đoạn chạy và đi bộ tuy có vất vả nhưng bù lại nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link