Bước 1: Dừng xe vào vị trí an toàn
Bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ và quan sát phía trước, hai bên và phía sau xe. Cho xe dừng vào khu vực CSGT chỉ dẫn, dừng xe vào vị trí an toàn. Bật đèn dừng khẩn cấp (với xe ô tô).
Bước 2: Chào hỏi, Nghe CSGT thông báo về lỗi mà bạn đã vi phạm; Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết.
Nếu CSGT đọc lỗi đúng với lỗi chúng ta vi phạm, chúng ta hãy nhận lỗi, xuất trình giấy tờ và chấp thuận việc kiểm soát, xử lý của CSGT theo quy định của pháp luật.
Còn trong trường hợp bạn bị CSGT tuýt còi nhưng không phát hiện vi phạm thì CSGT phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,...) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ”.
Dứt khoát chúng ta không đưa giấy tờ cho CSGT trước khi CSGT thông báo lỗi, chứng minh chúng ta vi phạm. Điều 12, TT số 01/2016/TT-BCA quy định về điều kiện CSGT được dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm tra, kiểm soát sau:
1. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Bước 3: Tra cứu lỗi và mức phạt sau khi CSGT thông báo về lỗi mà bạn vi phạm.
Bước 4: Xác định mức phạt phải nộp.
Mức tiền phạt cụ thể là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt (Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Ví dụ: Với lỗi đã nêu ở trên, không có tình tiết tăng nặng (ví dụ gây tai nạn…), giảm nhẹ thì tiền phạt phải nộp bằng: (100.000 + 200.000)/2 = 150.000 đồng.
Bước 5:
**Trường hợp 1: Mức phạt tiền tính được ở Bước 3 bé hơn hoặc bằng 250.000 đồng:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì với trường hợp phạt tiền bé hơn hoặc bằng 250.000 đồng thì CSGT phải ra quyết định xử phạt tại chỗ và bạn nộp phạt trực tiếp cho CSGT.
Vì vậy, bạn có quyền yêu cầu CSGT ra quyết định phạt ngay trong trường hợp này (xé biên lai tại chỗ) mà không lập biên bản nhé.
**Trường hợp 2: Mức phạt tính được ở Bước 3 lớn hơn 250.000 đồng thì theo đúng quy định bạn nhận biên bản phạt từ CSGT và thực hiện theo hướng dẫn có trên biên bản.
Lưu ý: trong trường hợp này bạn có thể kiểm tra căn cứ pháp lý hoặc nội dung vi phạm mà CSGT ghi trên biên bản có đúng hay không. Nếu có sự sai khác, hãy đề nghị CSGT giải thích rõ điều này.
Cũng có những lỗi CSGT có thể sẽ không phạt mà chỉ nhắc nhở bạn như: đè vạch, vượt phải, vượt tại đoạn đường con, vượt đèn đỏ mấy giây, xi-nhan hoặc khi bạn chạy vượt quá tốc độ cho phép dưới 5km.