Làm theo cách này, đũa gỗ không bị mốc khi trời nồm ẩm

23:54, Thứ bảy 15/02/2025

( PHUNUTODAY ) - Khi trời nồm ẩm, đũa gỗ rất dễ bị mốc. Để tránh tình trạng đũa mốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau.

Đũa gỗ là lựa chọn của nhiều gia đình vì đây là sản phẩm quen thuộc, tiết kiệm, dễ sử dụng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian, đũa rất dễ bị mốc, gây mất thẩm mĩ cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng. Vào mùa nồm ẩm, đũa càng dễ bị mốc.

Để hạn chế tình trạng đũa bị mốc, bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.

Xử lý đũa trước khi sử dụng

Đũa mới mua về không nên sử dụng ngay. Bạn cần chuẩn bị một chậu nước ấm, thêm muối trắng vào khuấy đều. Ngâm đũa trong nước này vài phút rồi đem đũa đi phơi dưới ánh nắng mặt trời cho thật khô ráo.

Khi phơi, hãy rải đều đũa trên một mặt phẳng để đũa được khô đều và lật trở đũa để các mặt đều khô ráo. Nên chọn lúc trời nắng dịu, có gió để tránh trình trạng đũa bị bạc màu.

Không ngâm đũa trong nước quá lâu

Nhiều gia đình có thói quen ngâm bát đũa trong nước một thời gian khá dài rồi mới rửa. Việc ngâm đũa gốc trong nước quá lâu sẽ khiến đũa rất nhanh bị hỏng, dễ bị mốc. Vi khuẩn có thể phát triển trong lúc ngâm đũa trong nước, làm nấm mốc dễ dàng phát triển hơn.

Vì vậy, sau khi ăn xong, bạn nên rửa sạch đũa ngay lập túc và đem đũa đi phơi khô.

Bảo quản đũa không đúng cách sẽ khiến nấm mốc xuất hiện trên đũa. Sử dụng đũa mốc có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dùng.

Bảo quản đũa không đúng cách sẽ khiến nấm mốc xuất hiện trên đũa. Sử dụng đũa mốc có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dùng.

Rửa sạch đũa sau khi sử dụng

Sau khi dùng, hãy rửa sạch đũa với nước rửa bát để loại bỏ dầu mỡ và thức ăn thừa. Nếu đũa không được làm sạch hoàn toàn, vi khuẩn và nấm mốc sẽ nhanh chóng phát triển, nhất là trong thời điểm trời nồm ẩm.

Không chà xát mạnh vào thân đũa

Nhiều người có thói quen chà xát mạnh vào thân đũa, thậm chí sử dụng miếng rửa bát kim loại để chà. Tuy nhiên, việc này khiến đũa gỗ bị trầy xước, tạo điều kiện cho thức ăn bám lại trên đũa, là nơi trú ngụ tuyệt vời của các loại vi khuẩn.

Phơi khô đũa dưới ánh nắng mặt trời

Sau khi rửa xong, hãy đem đũa đi phơi dưới ánh nắng mặt trời. Cách này vừa giúp đũa được khô ráo, vừa tiêu diệt vi khuẩn.

Vào buổi tối, không thể phơi đũa, bạn nên rải đều đũa ra rổ, giá rồi để ở nơi khô ráo, thoáng mát cho đũa khô tự nhiên.

Nếu có máy sấy bát đĩa, bạn cũng có thể sử dụng nó để làm khô đũa trước khi cất.

Vệ sinh nơi đựng đũa

Rửa bát đũa hằng ngày nhưng nhiều người không hề chú ý đến nơi đựng đũa. Sau một thời gian sử dụng, dụng cụ đựng đũa cũng sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, làm đũa dễ bị mốc hơn. Do đó, bạn nên tiến hành vệ sinh nơi đựng đũa định kỳ để hạn chế các chất bẩn tích tụ cũng như ngăn chặn vi khuẩn phát triển.

Thay mới đũa thường xuyên

Đũa cũng cần được thay mới thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Với các loại đũa tre, đũa gỗ, sau khoảng 4-5 tháng sử dụng, bạn có thể thay mới. Đặc biệt, nếu đũa xuất hiện các chấm đen hoặc vệt mốc trắng thì nên thay bằng đũa mới.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền