Ai được tổ chức Lễ Quốc tang?
Điều 5 Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định rõ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang. Cụ thể như sau:
- Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang và nghi thức để tang
Theo điều 10 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, thời gian tổ chức Lễ quốc tang là 2 ngày.
Cũng theo điều này, trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang. Theo đó, dải băng tang (màu đen) có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay.
Ngoài ra, trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng
Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng được quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2012/NĐ-CP.
Theo đó, nếu tổ chức tại Hà Nội, Lễ Quốc tang diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Nếu tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang là Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3.
Nơi án táng là Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội hoặc Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
Quy định về lễ viếng trong Quốc tang
Quy định về lễ viếng được nêu rõ tại Điều 14 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, theo đó:
1. Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 2 chiến sĩ khiêng vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn, phía sau bên phải Trưởng đoàn là sĩ quan dẫn viếng, các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.
2. Ban Tổ chức Lễ tang tổ chức đón và xếp các đoàn đại biểu nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác có nguyện vọng đến viếng và ghi sổ tang.
3. Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.
4. Trong quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc "Hồn tử sĩ".
Lễ truy điệu trong Quốc tang
Lễ truy điệu trong Quốc tang được quy định tại Điều 16 Nghị định 105/2012/NĐ-CP. Theo đó, tham dự lễ truy điệu gồm Ban Lễ tang Nhà nước; Ban Tổ chức Lễ tang; gia đình, người thân; đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương của người từ trần.
Vị trí các đoán đến dự Lễ truy được được quy định như sau:
- Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);
- Các đoàn đại biểu bộ, ban, ngành, đối tượng khác, lực lượng túc trực và đội quân nhạc đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.
Cùng thời gian diễn ra Lễ truy điệu ở Trung ương, lãnh đạo địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần tổ chức Lễ truy điệu tại địa phương.
Lễ đưa tang trong Quốc tang
Theo điều Điều 17 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, tham dự lễ đưa tang gồm Ban Lễ tang Nhà nước; Ban Tổ chức Lễ tang; gia đình, người thân; đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương của người từ trần.
Trong quá trình chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ có 1 sĩ quan mang ảnh, 1 sĩ quan mang gối Huân chương và 1 sĩ quan quấn cờ mang cờ đi trước linh cữu.
Đội công tác gồm 1 sĩ quan và 12 chiến sĩ chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang, từ xe tang vào phần mộ.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban Lễ tang Nhà nước cùng khiêng linh cữu (phía đầu linh cữu); gia đình và các thành viên khác đi phía sau linh cữu.