Lộ diện 1 thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có thể mất hàng tỷ đồng: Ngân hàng cảnh báo tới người dùng

09:55, Thứ tư 08/11/2023

( PHUNUTODAY ) - Mới đây, ngân hàng ACB đã cảnh báo khách hàng một hình thức lừa đảo rất tinh vi, có thể bị lừa hết tài khoản ngân hàng.

Ngày nay, việc lừa đảo công nghệ cao đã trở nên rất phổ biến. Những kẻ xấu đã sử dụng rất nhiều các thủ đoạn tinh vi, nếu không phải là người am hiểu chuyên sâu và có tính cảnh giác cao độ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có cảnh báo tới khách hàng về hình thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản bằng cách gửi tệp nén chứa mã độc.

lua-dao

Cảnh báo cho biết, gần đây, nhiều người dùng tại Việt Nam gặp phải tình huống nhận được các email giả mạo với tiêu đề và nội dung của các ngân hàng (trong nội dung email là địa chỉ email thật của ngân hàng để làm tăng độ tin cậy), gửi Sao kê tài khoản hoặc Chứng từ giao dịch... dưới dạng file nén (có đuôi .rar hoặc .zip) hoặc gửi file nén báo giá qua Mạng xã hội (Messenger, Zalo...) nhằm mục đích chiếm đoạt các thông tin bảo mật.

lua-dao1

Khi giải nén, mã độc ẩn trong file sẽ xâm nhập máy tính, điện thoại. Một khi máy tính nhiễm mã độc, người dân có thể bị đối tượng lừa đảo kiểm soát và thực hiện sao chép trạng thái đăng nhập để truy cập các tài khoản nạn nhân như: email, mạng xã hội, tài khoản ngân hàng... Điều này dẫn tới nguy cơ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân có khả năng bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể mạo danh nạn nhân để lừa bạn bè, người thân trong danh sách bạn bè từ Facebook, Zalo…

Ngân hàng khuyến khích khách hàng đề cao cảnh giác, không mở file nén khi chưa xác nhận chính xác người gửi. Không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn trên mạng xã hội hoặc email...

Đồng thời không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc tải các tập tin từ đường link lạ về thiết bị. Không nghe, trao đổi về hoạt động tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội từ người lạ.

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an, các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm tấn công mạng.

Trong đó, đối với ngân hàng, các thủ đoạn mà đối tượng sử dụng là rà quét, tấn công hệ thống, dò tìm, khai thác lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc...

Đối với khách hàng của ngân hàng, kẻ gian sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như giả mạo công chức, viên chức, cơ quan nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile…)

lua-dao4

Những thủ đoạn lừa đảo quen thuộc hiện nay cần cảnh giác cao độ

Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu "nhí"

Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… các đối tượng lừa đảo sẽ kết bạn với phụ huynh và mời tham gia ứng tuyển người mẫu "nhí" cho hãng thời trang. Sau khi nạn nhân “cắn câu”, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách.

Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển “người mẫu nhí” là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.

Thông thường ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt số tiền đã chuyển.

Lừa đảo tuyển dụng CTV online

Hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là lừa tuyển cộng tác viên (CTV) "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt Mặt khác, kẻ lừa đảo thường yêu cầu tạm ứng tiền trước khi bắt đầu công việc. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bạn trước khi tham gia.

Lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất quan trọng để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Dấu hiệu để nhận diện: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không thể tin được và quá cao so với thị trường thực tế; không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý; yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ; sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định…

Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, chỉ bằng việc nhận cuộc gọi voicecall bạn có thể bị mất tiền như FlashAI hoặc tương tự là không chính xác. Bởi không có cách nào để người dùng bị trừ tiền chỉ bằng việc nhận cuộc gọi voicecall thông thường trên điện thoại di động, việc các đối tượng làm vậy nhằm mục đích câu view, like và gây hoang mang dư luận xã hội.

Do đó, người dân nên cảnh giác và tránh tiếp nhận các cuộc gọi không mong muốn từ các số điện thoại lạ, đặc biệt là từ các số không rõ nguồn gốc. Có một số hình thức lừa đảo như "cướp cuộc gọi" (call spoofing) hay "vishing", trong đó kẻ gian sẽ giả mạo số điện thoại hoặc sử dụng các công nghệ để hiển thị số điện thoại khác khi gọi đến.

Mục đích của chúng là lừa đảo người dùng bằng cách thuyết phục họ thao tác theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo để tiết lộ thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc thực hiện các giao dịch tài chính. Vì vậy, nếu nhận được cuộc gọi không mong muốn, hãy cẩn thận và không tiết lộ thông tin cá nhân hay tài khoản của mình.

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake

Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Khi người dân nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính, nên tỉnh táo xác nhận thêm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo