Luật sư giải đáp thắc mắc: Sổ tiết kiệm có thể đứng tên cả hai vợ chồng không?

( PHUNUTODAY ) - Thông thường, chúng ta chỉ mở sổ tiết kiệm đứng tên một người. Hiện có nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có thể mở sổ đứng tên cả hai vợ chồng được không?

Sổ tiết kiệm có thể đứng tên nhiều người

Giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề sổ tiết kiệm được đứng tên mấy người, theo VnExpress, luật sư Kiều Anh Vũ cho biết, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2011/TT-NHNN), chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ/sổ tiết kiệm; đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là hai cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm. Điều này được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm.

Như vậy, một sổ tiết kiệm có thể có nhiều người cùng đứng tên đồng sở hữu.

so-tiet-kiem-01

Bên cạnh đó, Điều 10 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định thủ tục nhận và chi trả tiền tiết kiệm trong trường hợp đồng chủ sở hữu tiền gửi phải phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp sổ tiết kiệm có đồng chủ sở hữu thì thủ tục rút tiền sẽ do ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định chung của pháp luật dân dự về đồng sở hữu cùng quy định chung của nhiều ngân hàng, trường hợp một sổ tiết kiệm có hơn hai chủ sở hữu thì việc rút tiền phải do các đồng sở hữu này cùng thực hiện. Trường hợp đồng sở hữu không thể có mặt tại ngân hàng thì phải có văn bản ủy quyền hợp pháp, hợp lệ cho người còn lại hoặc một người đại diện khác thực hiện thủ tục rút tiền.

Trong trường hợp đặc biệt, nhiều người cùng góp tiền và mở sổ tiết kiệm nhưng chỉ đứng tên một người (nhiều người góp tiền nhưng chỉ để một người đại diện làm thủ tục với ngân hàng và đứng tên sổ tiết kiệm) thì về mặt pháp lý, chỉ có người đứng tên được công nhận là chủ sở hữu của số tiền gửi; chỉ có người này (hoặc người được ủy quyền hợp pháp) mới được giao dịch với ngân hàng và thực hiện thủ tục rút tiền.

Việc phân chia tiền gửi, tiền lãi sẽ do tất cả những người góp tiền tự giải quyết theo thỏa thuận. Ngân hàng không chịu trách nhiệm liên quan.

Việc cùng góp tiền, gửi tiết kiệm nhưng không cùng đứng tên sẽ dẫn tới nhiều rủi ro cho người không đứng tên trên sổ tiết kiệm và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.

Một số lưu ý khi mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng

Thủ tục gửi tiết kiệm

Hiện nay, bạn có thể linh hoạt chọn hình thức gửi tiết kiệm, bao gồm gửi tiết kiệm tại quầy hoặc gửi tiết kiệm online.

Gửi tiết kiệm tại quầy là hình thức truyền thống. Khách hàng sẽ trực tiếp đến chi nhanh, phòng giao dịch của ngân hàng và được nhân viên hướng dẫn các thủ tục mở sổ tiết kiệm.

Trường hợp gửi tiết kiệm online sẽ mang lại nhiều thuận tiện hơn cho khách hàng. Mọi thao tác được thực hiện ngay trên điện thoại hoặc máy tính. Thông qua dịch vụ internet banking/mobile baking, khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi.

so-tiet-kiem-02

Những thông tin cầu chú ý trong sổ tiết kiệm

Khi thực hiện việc gửi tiền hoặc bất cứ các giao dịch khác nào tại ngân hàng, khách hàng cần đọc kỹ tất cả các giấy tờ, văn bản mà nhân viên ngân hàng đưa cho mình.

Trong sổ tiết kiệm, có một số tiêu chí mà người gửi cần chú ý, bao gồm số tiền gửi, thời hạn gửi, lãi suất, các con dấu, chữ ký hợp pháp trên văn bản đó.

Ngoài ra, khách hàng cần phải để ý đến tên, hình thức của văn bản mà mình nhận được. Ví dụ hợp đồng tiền gửi khác với sổ tiết kiệm. Hợp đồng chỉ là thỏa thuận, chưa phải căn cứ chứng minh khách hàng đã nộp tiền vào ngân hàng.

Sổ tiết kiệm là căn cứ quan trọng chứng minh tiền đã được gửi vào ngân hàng. Khách hàng phải bảo quản sổ này cẩn thận. Nếu làm mất, phải báo ngay với ngân hàng qua điện thoại. Trong vòng 24h sau, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu chậm trễ, kẻ gian có thể giả mạo chứ ký và các giấy tờ tùy thân để rút tiền.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link