Cách chọn gà ngon
Chọn gà là bước vô cùng quan trọng để có món gà luộc ngon. Tùy theo sở thích và nhu cầu, bạn có thể chọn gà trống hoặc gà mái để luộc. Gà trống thường có thịt chắc và dai hơn. Gà mái có thịt mềm và béo hơn.
Đối với gà trống, khi mua bạn nên để ý phần mào. Mào gà càng đỏ càng ngon. Gà cầm trên tay phải nặng, chắc chắn. Lông gà bám sát thân và có độ bóng mượt. Chân gà phải nhỏ, da chân vàng đều, cựa ngắn. Không nên chọn gà cựa dài vì đó là gà đã già, khi luộc lên sẽ dai và cứng. Phần diều của gà phải mềm, không bị căng cứng.
Đối với gà mái, bạn cũng chú ý các điểm tương tự như trên. Ngoài ra, chân gà mái nên nhỏ, mỏ càng dài chứng tỏ gà càng ngon. Gà mái đã đẻ rồi thì phao câu sẽ to. Trong khi đó, gà chưa đẻ thì phao câu bé. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn gà đã đẻ hoặc chưa đẻ.
Đối với gà đã thịt sẵn, cần chú ý độ đàn hồi của thịt. Dùng tay ấn thử thì vết lõm trên thịt gà phải nhanh chóng biến mất. Không mua thịt gà có mùi lạ, da gà xuất hiện vết đen, sạm hoặc tụ máu.
Mẹo khử mùi hôi thịt gà
Các loại gia cầm, bao gồm cả thịt gà thường có mùi hôi đặc trưng. Vì vậy, bạn cần phải sơ chế kỹ trước khi chế biến.
Nhặt sạch toàn bộ lông, kể cả lông tơ sẽ giúp loại bỏ mùi hôi của thịt gà.
Nên dùng các nguyên liệu có tính axit như giấm hoặc chanh chà xát lên toàn bộ con gà để làm sạch và khử mùi. Sau đó rửa lại thịt gà bằng nước lạnh. Axit trong các nguyên liệu trên có khả năng loại bỏ mùi hôi của thịt rất hiệu quả.
Thoa gừng lên thịt gà rồi ướp khoảng 30 phút cũng giúp khử mùi hiệu quả. Sau khi ướp, bạn chỉ cần đem thịt gà đi rửa sạch và để ráo nước.
Xát muối trắng xung quanh thân và trong bụng gà rồi rửa lại với nước cũng giúp loại bỏ chất bẩn và mùi hôi của gà.
Cách luộc thịt gà da giòn, không bị đỏ
Ngoài con gà đã sơ chế sạch, bạn cần thêm một số nguyên liệu như muối, gừng, nghệ.
Nghệ tươi giã nát và xát lên toàn bộ thân con gà đã làm sạch rồi để 5 phút. Cách này sẽ giúp gà có màu vàng đẹp mắt sau khi luộc.
Để gà luộc không bị tụt da, bạn nên chặt rời phần chân gà (phần chân gà bên dưới đùi) để luộc. Làm như vậy, da gà bị co lại sẽ không bị rách.
Để luộc gà, bạn cần chuẩn bị một chiếc nồi sâu lòng đủ lớn. Đặc con gà vào nồi và úp bụng xuống dưới đáy nồi. Đổ nước lạnh cho ngập mặt gà. Dùng nước lạnh luộc từ đầu sẽ giúp hạn chế tình trạng gà luộc bị đỏ xương. Nếu để nước sôi mới cho gà vào nồi thì gà khó chín đều, da dễ bị nứt. Nếu là gà đông lạnh, bạn cần phải rã đông gà hoàn toàn trước khi cho vào nồi luộc, nếu không gà sẽ rất lâu chín.
Thả thêm gừng đập dập vào nồi. Gừng sẽ giúp át đi mùi hôi tự nhiên của gà, làm phần thịt thơm ngon hơn. Thêm nửa thìa cà phê muối vào nồi luộc gà.
Mở bếp ở lửa vừa cho nước sôi. Khi thấy nước sôi, vặn nhỏ lửa liu riu và nấu tiếp 10 rồi tắt bếp. Lúc này, bạn đừng vội mở vung và vớt gà ra. Hãy đậy kín vung nồi và chờ thêm 10-15 phút nước. Làm cách này, thịt gà sẽ chín đều.
Tùy theo độ lớn của con gà, bạn có thể gia giảm thời gian luộc. Nếu gà quá lớn, bạn có thể luộc thêm 5-10 phút nữa.
Để kiểm tra gà chín hay chưa, bạn có thể dùng đũa xuyên qua thịt gà. Nếu đũa có thể xuyên qua dễ dàng và không ứa ra nước màu hồng nghĩa là thịt gà đã chín.
Sau đó, vớt thịt gà ra và ngâm vào tô nước đá. Để cho gà nguội hẳn thì vớt ra và để ráo nước. Ngâm gà trong nước lạnh sẽ giúp thịt săn chắc, dai hơn và màu sắc cũng tươi ngon, bắt mắt hơn.