Lý giải GDP 'trốn tìm'

15:14, Thứ ba 01/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Những con số thống kê nền kinh tế Việt Nam theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” thời gian qua khiến nhiều người băn khoăn. Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã giải thích về sự vênh nhau giữa các con số này.

Trước đó, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế – xã hội năm 2011-2013 và những điều chỉnh chiến lược” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức  vào sáng ngày 23/9 tại Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã có phát biểu gây xôn xao dư luận khi cho rằng các báo cáo về kinh tế có dấu hiệu sai lệch.

Ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi rằng: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”

Trao đổi về vấn đề này, trên tờ Sài Gòn tiếp thị hôm 30/9, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, lý do sự vênh số liệu GDP giữa tỉnh và Trung ương đó là do cách tính. Theo ông Lâm, cách tính GDP của Việt Nam khác với cách tính các nước khác. Nếu trên thế giới, GDP tính cho toàn bộ nền kinh tế thì ở Việt Nam do còn phải phục vụ yêu cầu của UBND tỉnh, thành phố trong đánh giá, điều hành, dự báo tình hình, nên phải tính cả chỉ tiêu GDP cho tỉnh.

“Theo đúng thông lệ quốc tế thì phải tính theo đơn vị thường trú. Chẳng hạn như một đơn vị xây dựng, giả sử trụ sở chính ở Hà Nội, nhưng nhận công trình ở Nghệ An. Tất cả các tính toán hạch toán luôn vào doanh nghiệp mẹ ở Hà Nội.

Các tỉnh khó thu thập các số liệu của các doanh nghiệp mẹ đóng ở Hà Nội, khó tách bao nhiêu cho Nghệ An. Cho nên việc tính GDP cho tỉnh hiện nay vẫn có cái bất cập, ngành thống kê cố gắng thu thập theo đơn vị cơ sở nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện được. Các tỉnh tính GDP có hiện tượng vừa bị trùng, vừa bị bỏ sót về mặt phạm vi” ”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Ngoài ra, theo ông Lâm, nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng không khớp nhau đó là do căn bệnh thành tích. Việc đặt ra các mục tiêu quá cao tại các địa phương, do đó khi báo cáo thì các tỉnh cố đẩy số ảo lên để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra.

Kết  thúc năm 2012, nền kinh tế được đánh giá là suy giảm, song số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê qua 3 chỉ số chính: tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được “cải thiện nhẹ”.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đều tương ứng giảm nhẹ lần lượt 1,99 và 2,8% so với các mức 2,22% và 2,96% trong năm 2011.

Riêng đối với khu vực thành thị, tỷ lệ này, dù vẫn cao hơn mức thất nghiệp bình quân chung, nhưng lại thể hiện sự giảm nhẹ từ 3,6% năm 2011 xuống còn 3,25% trong năm 2012.

Những con số thống kê nêu trên nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích và khó lý giải trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, cơ quan xây dựng bản tin nghi ngại.

Câu hỏi tiếp tục được đặt ra khi số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đến cuối năm 2012 có tới khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động. Trong khi, các doanh nghiệp mới thành lập về số lượng có thể cao hơn (ước tính 65.000 doanh nghiệp), song khó có thể có đóng góp nhiều cho quá trình tạo việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Trả lời câu hỏi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng loạt, nhưng  tỷ lệ thất nghiệp của cả nước lại giảm đi liệu có đáng tin cậy? Ông Lâm cho biết: “Để phản ánh đầy đủ bức tranh lao động của Việt Nam,  cần phải nghiên cứu ba chỉ tiêu: thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động ở khu vực phi chính thức. Theo đó, nếu ở những nước phát triển  có quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn, những người thất nghiệp chỉ cần ở nhà nhận được tiền đủ sống, khi khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Còn ở Việt Nam, khi kinh tế khó khăn, người dân tìm việc khác để làm, hoặc về nông thôn, hoặc phục vụ gia đình. Do đó lao động chuyển từ khu vực chính thức sang phục vụ gia đình, làm hàng ăn, làm phi chính thức. Theo đó, mặc dù kinh tế suy giảm nhưng thất nghiệp giảm đi, tỷ lệ thiếu việc làm và lao động phi chính thức tăng lên là phù hợp”.

Trong khi đó, lý giải về con số doanh nghiệp đóng cửa, ông Lâm cho biết, nguyên nhân là do mục tiêu khi thống kê của mỗi cơ quan khác nhau. “Theo Tổng cục thống kê, nếu thấy không hoạt động thì cho là giải thể. Nhưng cơ quan thuế thì yêu cầu phải hoàn thành hết các thủ tục thuế, kể cả nợ thuế thì mới đồng ý cho giải thể”, ông Lâm nói.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: