Câu chuyện thứ nhất: Đánh mất
Nếu không may đánh mất 100 đồng và cho rằng nó đã rơi ở một chỗ nào đó, bạn có sẵn sàng bỏ ra 200 đồng tiền xe để đi tìm lại 100 đồng đã mất không?
Có lẽ, nhiều người sau khi nghe câu hỏi này sẽ có chung một suy nghĩ: Đây quả là một câu hỏi ngu xuẩn. Thực chất, câu hỏi này đang phản ánh sự ngốc nghếch mà nhiều người trong chúng ta đã hoặc đang phạm phải nhưng không nhận ra.
Nhiều người không bao giờ chịu thừa nhận sai lầm của mình. Họ tìm mọi cách chống chế, nói dối quanh co để không phải nhận, tự làm hủy hoại hình ảnh và giá trị bản thân. Có những người chỉ vì một câu khiển trách, mắng nhiếc mà mất không biết bao lâu để buồn rầu, suy sụp, nghĩ quẩn quanh. Hay có những người vì sự bốc đồng, nóng tính mà làm tổn thương cả mình lẫn người...
Để không biến mình thành kẻ ngốc, hãy xóa sạch những chuyện buồn, không đáng lưu lại. Hãy sống tích cực, luôn hướng về phía mặt trời như hoa hướng dương. Đừng để đánh mất mới đi tìm lại bởi cái giá phải trả là quá đắt.
Câu chuyện thứ 2: "Buông tay mới có thể thoải mái!"
Một ông cụ nói với con của mình rằng: "Con hãy nắm chặt bàn tay con lại, sau đó hãy nói cho ta biết con cảm thấy thế nào?"
Người con trai nghe và làm theo, anh nắm chặt bàn tay lại rồi trả lời cha: "Hơi mệt một chút ạ."
Người cha nói tiếp: "Con thử dùng lực hơn một chút nữa xem."
Người con đáp: "Càng mệt hơn và có chút khó chịu ạ."
"Vậy bây giờ con xòe tay ra đi."
"Thoải mái hơn rất nhiều rồi cha ạ."
Lúc này, người cha mới nói: "Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt, càng gồng mình lên, con sẽ càng mệt. Buông lỏng ra, con sẽ thấy người thoải mái, dễ chịu".
Nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc triều đại nhà Minh – Vương Dương Minh từng nói:"Mọi phiền não, buồn khổ trong cuộc đời của một người đều là do tâm người ấy sinh ra". Sở dĩ, ông cho rằng vì ham muốn của con người là vô đáy nên luôn tự chuốc khổ vào thân. Khi không có thì ao ước thèm muốn đến khổ sở, mà khi có rồi thì lại sợ mất đi, như thế đều là khổ.
Hãy buông tay ra, hạ tay xuống, sẽ thấy đời mình chợt khác. Thành bại trong đời như khói mây mà thôi, bí quyết cho cuộc sống hạnh phúc chỉ ở một chữ "Buông".
Câu chuyện thứ 3: Sự kì quặc của con người
Một hòa thượng hỏi sư phụ của mình: "Sư phụ, người có thể nói một chút về điểm kì quặc nhất của con người là gì không?"
Vị sư phụ đáp: "Con người vội vã trưởng thành, sau đó lại than thở rằng mất đi tuổi trẻ, họ dùng sức khỏe đánh đổi lấy tiền nhưng không lâu sau đó, họ lại muốn dùng tiền để khôi phục sức khỏe.
Họ lo lắng khôn nguôi về tương lai nhưng lại không trân trọng hạnh phúc ở hiện tại. Vì thế, họ vừa không sống cho hiện tại, lại vừa không sống cho tương lai."
Đó chính là sự kì quặc, khó hiểu của con người chúng ta hiện nay. Mỗi chúng ta hãy nhìn nhận thấu đáo rằng sinh mệnh, đời người chỉ là những cái tích tắc ngắn ngủi và điều chúng ta nên làm nhất, là tận dụng nó sao cho thật hiệu quả, thật tốt, yêu quý nó, hưởng thụ nó.
Còn được sống, đó đã là một sự chiến thắng vẻ vang. Vì thế, hãy sống hết mình cho hiện tại, hãy làm những việc gì bản thân mình thấy vui vẻ và hạnh phúc.