Tình yêu với xứ sở Kim Chi trong tôi bắt đầu từ những bộ phim Hàn như: Nấc thang lên thiêng đường, Giày thủy tinh, Anh em nhà bác sĩ, Bản tình ca mùa đông… Ngày đó, dù quê tôi chỉ có những chiếc tivi đen trắng nhưng tôi đã không bỏ lỡ bất cứ tập phim nào. Lớn dần lên, tôi quyết tâm thi vào khoa tiếng Hàn để được học ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa của xứ sở này. Sau 4 năm học đại học chuyên về tiếng Hàn Quốc, tôi “săn” được học bổng và sang Hàn Quốc du học.
Ban đầu tôi chỉ định đi học thêm 2 năm để “sành sỏi” hơn với tiếng Hàn Quốc nhưng cơ hội đến, tôi thi tuyển vào một trong những công ty khá tiếng tăm ở nước này và tôi quyết định lập nghiệp ở đây.
Chồng tôi bây giờ cùng là đồng nghiệp với tôi. Vì công ty tôi cũng có chi nhánh tại Việt Nam nên chúng tôi hay được cử đi công tác cùng nhau. Vì tôi là người Việt Nam nên mỗi lần công ty cần người đi công tác sang Việt Nam là tôi tình nguyện đi ngay, một công đôi việc vừa được về thăm bố mẹ lại vẫn làm được việc. Anh thì thích đi du lịch, thích sang khám phá đất nước và con người Việt Nam nên chúng tôi hay đi với nhau. Tình cảm nảy sinh cũng từ những lần đi công tác đó. 2 năm sau ngày quen nhau, anh chính thức ngỏ lời cầu hôi. Tôi thì chẳng lỡ lắc đầu bởi nói thật tôi chờ đợi anh lên tiếng cả năm rồi. Tôi thích anh ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ vì anh khá điển trai lại rất điềm đạm. Đây cũng là lý do vì sao càng làm việc ở công ty này tôi càng có ý định gắn bó đời mình với xứ sở Kim Chi.
Tôi rất lo lắng khi ở cùng nhà với bố mẹ chồng Hàn Quốc. (ảnh minh họa)
Buồn một nỗi là bố mẹ tôi không đồng ý. Nhà tôi chỉ có hai chị em gái nên bố mẹ không muốn tôi lấy chồng xa. Ngày lên đường đi du học, tôi đã phải hứa với bố mẹ là chỉ đi học 2 năm rồi sẽ về nước, sẽ lấy chồng cùng quê, bố mẹ mới yên tâm. Khi tôi quyết định ở lại Hàn Quốc làm việc, bố khóc như mưa (lần đầu tiên tôi thấy bố khóc), còn mẹ thì nói sẽ không nhìn mặt tôi nữa. Nhưng tôi vốn là đứa con gái ương bướng. Cuối cùng bố mẹ cũng chiều theo ý tôi, nhưng lần này quyết định lấy chồng Hàn Quốc – đồng nghĩa với việc sẽ gắn bỏ cả cuộc đời ở đất nước này – khiến bố mẹ tôi sốc. Mẹ đã gọi điện cho tôi nói: “Nếu mi quyết định lấy nó – chồng tôi bây giờ - thì đừng bao giờ về nhà này nữa”. Ngày tôi dẫn anh về ra mắt, ban đầu bố mẹ lạnh nhạt lắm, nhưng chẳng hiểu chàng cư xử thế nào mà chỉ sau 5 ngày ở nhà tôi, bố mẹ đã gật đầu lia lịa đồng ý. Vậy là tôi toạn nguyện.
Dù vậy, điều tôi lo lắng nhất là chuyện làm dâu “mẹ chồng Hàn Quốc”. Tôi đã từng biết đến sự khắc nghiệt của “mẹ chồng Hàn Quốc” qua những bộ phim trên màn ảnh nhỏ. Tôi sợ mình sẽ không thể làm tròn nghĩa vụ con dâu khi sống chung với bố mẹ. Và đúng là chẳng nằm ngoài nỗi lo của tôi, mẹ chồng tôi cũng khó tính không kém những bà mẹ chồng Hàn trong phim. Hồi hai vợ chồng tôi còn son rỗi, tôi luôn cố gắng làm hài lòng mẹ chồng bằng việc chăm chỉ thức khuya, dậy sớm. Vậy nên mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình tôi rất êm ấm. Mọi chuyện chỉ bắt đầu “đi lệch quỹ đạo” khi tôi sinh con đầu lòng – bé Hyun-woo.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết mẹ chồng Hàn Quốc cổ hủ chẳng kém các mẹ Việt Nam. Sau khi sinh Hyun-woo bà bắt tôi kiêng đủ thứ. Kiêng tắm gội 2 tuần, kiêng ăn linh tinh, phải ở cữ đủ 3 tháng 10 ngày… Đương nhiên, một phụ nữ hiện đại như tôi đâu có thể nhất nhất làm theo những quan điểm cổ hủ của mẹ chồng. Vậy nhưng để “trong ấm ngoài êm”, tôi đã luôn làm giấu bà những việc có thể như tắm, gội đầu hoặc cho bé ra ban công tắm nắng.
Có một điều tôi không thể làm “vụng trộm” được là chế độ ăn uống. Mọi thứ tôi ăn hàng ngày đều dưới sự kiển soát nghiêm ngặt của bà và chính mẹ chồng cũng là người nấu ăn cho tôi trong suốt 3 tháng ở cữ. Hàng ngày, mẹ chỉ cho tôi ăn cơm trắng, thịt kho và canh rong biển. Tôi thắc mắc với mẹ: “Ăn thế này liệu có đủ sữa cho Hyun-woo ti không ạ?”. Mẹ chồng khẳng định như đinh đóng cột: “Mẹ đảm bảo với con là luôn thừa sữa”. Câu nói của mẹ khiến tôi phải ngoan ngoãn ăn theo thực đơn của bà bởi tôi đâu còn lý do gì để biện minh nữa. Nói thực là tôi cũng rất lo ăn uống kiêng khem sẽ không có nhiều sữa cho con tu ti. Ấy vậy mà trái với lo lắng của tôi, ba tháng đầu sau sinh sữa tôi lúc nào cũng chảy ướt áo và hiếm có những ngày tôi không phải hút sữa bỏ đi vì ngực căng quá.
Món canh rong biển của mẹ chồng giúp tôi nhiều sữa, nhanh phục hồi sau sinh. (ảnh minh họa)
Rất nhiều lần tôi đã băn khoăn tự hỏi liệu có phải cơ địa tôi nhiều sữa vậy? Khi đem thắc mắc này hỏi mẹ chồng, bà bảo đó là nhờ canh rong biển đấy. Mẹ chồng tôi nói, canh rong biển là món ăn mà sản phụ Hàn Quốc thích “mê mẩn” nhất. Không chỉ dễ ăn, món canh này còn chứa rất nhiều dưỡng chất đặc biệt là sắt. Mẹ bảo tôi đẻ mổ nên mất nhiều máu vì vậy càng phải ăn nhiều canh rong biển. Cũng theo lời mẹ chồng tôi, canh rong biển còn giúp sản phụ nhiều sữa và nhanh phục hồi sức khỏe. Đặc biệt trong canh rong biển có chứa hàm lượng i-ốt rất cao, giúp tăng tỉ lệ trao đổi chất và giúp bà đẻ đốt cháy nhiều ca-lo, vì vậy đây cũng là món ăn giảm cân hiệu quả sau sinh. Vậy là nhờ có canh rong biển mà tôi luôn dồi dào sữa, nhanh phục hồi và eo thon sớm sau sinh.
Mẹ chồng cũng khá tâm lý khi thường xuyên đổi món với rong biển cho tôi ăn như canh rong biển thịt bò, canh rong biển đậu hũ, canh rong biển hầm sườn non… Vì vậy mà tôi không quá ngán ngẩm canh rong biển dù phải ăn 3 bữa/ngày và trong cả 3 tháng đầu sau sinh.
Dù mẹ chồng Hàn Quốc hơi khó tính nhưng thiết nghĩ sự khó tính đó cũng chỉ xuất phát từ tình yêu thương con cháu. Suốt 3 tháng tôi ở cữ, một tay bà chăm sóc hai mẹ con tôi chu đáo. Cũng nhờ kinh nghiệm với món canh rong biển của bà mà tôi luôn thừa sữa cho con tu ti. Lần sinh nhóc thứ 2 này, tôi xin về Việt Nam để ở cùng bố mẹ đẻ một vài tháng nhưng tôi luôn ghi nhớ bí kíp của của mẹ chồng. Trước khi về nước, mẹ chồng cũng đã chuẩn bị cho tôi rất nhiều rong biển khô. Bà còn nhắc đi nhắc lại “sau sinh phải ăn nhiều canh rong biển con nhé”. Tôi thầm cảm ơn mẹ chồng và không chút hối hận vì đã quyết định đi “làm dâu xứ người”.