“Người ta đã dụ dỗ hết những đứa con của tôi rồi, đẩy bà cháu tôi vào cảnh khốn cùng thế này. Không biết bao giờ chúng mới về, bây giờ mấy bà cháu chỉ biết ngóng trông chứ chẳng biết đường nào mà tìm”. Nói rồi, người phụ nữ dân tộc Mông - người từng là một cô giáo giỏi của vùng - đưa hai bàn tay thô ráp, chai sạn nắng mưa lên lau vội đôi dòng nước mắt đang chảy trên gò má nhăn nhúm.
Nỗi đau tột cùng
Đó là câu chuyện của bà Hạng Thị Say (62 tuổi, trú tại bản Suối Thầu, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Ở bản xa xôi, hoang vu và hẻo lánh như bản Suối Thầu, có lẽ ít người mẹ nào lại phải chịu đựng những nỗi bất hạnh, đắng cay vì tệ nạn buôn bán phụ nữ như bà. Bốn đứa con của bà (1 con gái, 3 con dâu) bị lừa bán sang bên kia biên giới từ hơn nửa thập kỷ trước tới nay vẫn chưa hề có manh mối.
Trong căn nhà tồi tàn, lụp xụp, nằm xiêu vẹo trên triền một dốc thoải, tôi gặp mẹ Hạng Thị Say - một người phụ nữ có dáng người nhỏ thó trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông đã sờn rách.
Bà Say kể, bà lớn lên ở vùng đất Tả Phìn đã hơn nửa đời người. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ nhưng ngay từ nhỏ, bà đã chăm chỉ phụ giúp gia đình việc đồng áng, chăn nuôi và đặc biệt, bà rất hiếu học. Có lẽ đó là lý do giúp bà trở thành một trong những giáo viên giỏi của bản Suối Thầu nhỏ bé sau này.
Ở tuổi đôi mươi, bà Say lập gia đình cùng một chàng thanh niên chất phác, sau đó sinh hạ được 6 người con (2 gái, 4 trai).
Hơn nửa cuộc đời trôi qua, nay ở cái tuổi gần đất xa trời (62 tuổi), đáng ra phải được con cái chăm sóc, phụng dưỡng thì hàng ngày bà Say vẫn phải đều đặn lên nương làm rẫy, kiếm cái ăn cái mặc cho bản thân và các cháu, làm thay phần việc của những người con gái và con dâu.
Bà Hạng Thị Say ngồi trên bậu cửa ngóng con. |
Nói về hoàn cảnh gia đình, bà Say không giấu được nỗi niềm đau khổ: “Người ta đã dụ dỗ hết những đứa con của tôi rồi, đẩy bà cháu tôi vào cảnh khốn cùng thế này. Không biết bao giờ chúng mới về được. Bây giờ, mấy bà cháu chỉ biết ngóng trông chứ chẳng biết đường nào mà tìm”, nói rồi bà đưa hai bàn tay thô ráp chai sạn nắng mưa của mình lên lau vội đôi dòng nước mắt đang chảy trên gò má.
Theo lời bà Say, cuối năm 2009, sau một ngày làm lụng vất vả trên nương trở về, cô con gái út của bà bỗng mất tích. Gia đình cùng hàng xóm láng giềng đã dốc sức đi tìm khắp bản, khắp núi mà đứa con gái nhỏ xinh chưa đầy 15 tuổi vẫn bặt vô âm tín. Ngày qua ngày, dù không muốn tin nhưng rồi bà cũng phải chấp nhận sự thật rằng, cô con gái út của bà đã bị bán sang bên kia biên giới như bao nhiêu trường hợp tương tự đã diễn ra trước đó.
Trong khi nước mắt khóc thương cô con gái ruột còn chưa ngưng, thì trong hai năm liên tiếp sau đó, bi kịch của bà liên tiếp lặp lại: Ba cô con dâu - vợ của ba người con trai lớn của bà - đều lần lượt mất tích như cô con gái út. Nỗi đau này chưa nguôi, nỗi đau khác đã ập đến. Số phận như một trò đùa dai dẳng khiến bà chỉ còn biết gào thét giữa núi rừng để vơi đi phần nào nỗi đớn đau và sự mất mát.
Bơ vơ tìm con xứ người
Không chỉ phải chịu nỗi đau mất con, gia đình bà còn bị đẩy vào bước đường cùng khi việc đi tìm các con tốn kém quá nhiều tiền tài và sức lực. Mỗi lần một đứa con của bà mất tích, gia đình bà lại nghèo đi mấy phần. Món nợ cũng cứ thế mà dần tăng theo cấp số nhân, song vẫn chẳng thấy điểm dừng chân cuối.
Để cưới vợ cho 3 người con trai, gia đình bà phải chấp nhận mất vài ba năm mới trả hết nợ phạt, bởi người dân tộc Mông có tục cướp vợ. Lấy một người vợ thông thường mất khoảng 30 triệu đồng, với người dân tộc đó là một cái giá không hề thấp.
Gia đình bà Say cũng không phải là ngoại lệ. Để cưới được vợ cho 3 cậu con trai, gia đình bà Say đã tốn đến cả trăm triệu đồng. Đến khi đứa con gái bé nhỏ và 3 người con dâu của bà bị bán sang Trung Quốc, số nợ phạt mua dâu vẫn chưa trả hết.
Những đứa cháu của bà Say. |
Mặc dù vậy, trước những khó khăn, nhọc nhằn đó, người mẹ Hạng Thị Say vẫn không chùn bước, quyết vay mượn tiền làm lộ phí đi tìm con. Bà đi khắp Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Simacai, Bát Xát, Mường Khương, đi sang cả Lai Châu, Hà Giang. Thậm chí còn làm cả hộ chiếu sang Trung Quốc tìm, mà các con của bà vẫn bặt vô âm tín.
Gia cảnh của bà vốn đã khó khăn, từ khi các con mất tích lại càng trở nên bi đát. Chồng bà phải đi vào tận những vùng xa xôi, sâu trong các mỏm núi cao chót vót, để kiếm kế sinh nhai. Một mình bà ở lại Tả Phìn, ngày ngày đồng áng, chăm cháu và nghĩ cách tìm con.
Cả mấy năm trời bỏ công bỏ sức, bỏ tiền bỏ bạc, ròng rã tìm con mà vẫn không thấy đâu, nhưng chưa bao giờ bà hết hi vọng, cứ ở đâu có ai mách có người đi Trung Quốc về là bà lại tìm đến hỏi xem họ có thấy những đứa con của bà ở bên đó không.
Có lần, bà lặn lội sang tận biên giới, vào những nhà chứa nơi phụ nữ Việt thường bị bán sang đó làm gái mại dâm để tìm con. Nhưng dù đã trải qua cả hàng chục lần như thế, tin tức về những người con của bà vẫn bặt vô âm tín. Tìm mãi chẳng thấy con đâu trong khi số tiền vay họ hàng, làng xóm để đi tìm con đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Kể lại hành trình tìm con đầy nước mắt của mình, bà Say cho biết: “Không biết người ta lừa chúng đi đâu, chẳng có tin tức cũng chẳng thấy tăm hơi. Nợ thì ngày càng nhiều mà con thì chẳng thấy đâu. Chúng sống hay đã chết, tôi cũng chẳng được biết. Sao mà bọn buôn người tàn ác quá, những đứa con của tôi có tội tình gì đâu mà chúng lại lừa hết cả”. Nói rồi, người mẹ đó bật khóc.
Tả Phìn là một xã miền núi của huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Người Mông và người Dao ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng ngô, trồng lúa trên ruộng bậc thang hoặc thu hoạch thảo quả và cây thuốc từ các rừng gần đó. Ngoài ra, để kiếm thêm thu nhập, một số phụ nữ còn làm đồ thủ công bán cho khách du lịch. Cuộc sống của hơn 170 hộ dân ở xã Tả Phìn nhìn bề ngoài tưởng chừng như yên bình, êm đềm, nhưng theo số liệu của UBND xã Tả Phìn, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có ít nhất 10 trường hợp phụ nữ mất tích khỏi địa phương. |
Bán vợ sang Trung Quốc vì tội... cãi mẹ chồng Tại cơ quan công an, Lao cho biết lý do bán vợ sang Trung Quốc vì: "Cãi lại mẹ cháu nên bán nó luôn vừa được tiền, vừa lấy được vợ mới". |