Cố đánh thức con dậy bú đêm sẽ khiến con chậm lớn
Thường trẻ sơ sinh hiếm khi ngủ liền mạch tới sáng mà sẽ tự động thức dậy khi bụng đói. Tuy nhiên, đối với trẻ từ 3-4 tháng tuổi trở đi, một số trẻ đã có khả năng ngủ xuyên đêm. Nếu bé ngủ suốt đêm, không thức dậy đòi bú, mẹ đừng quá lo lắng mà đánh thức trẻ dậy để trẻ bú đêm. Hành động này sẽ tác động không đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giấc ngủ đêm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ. Bởi đây chính là thời điểm lượng hormone tăng trưởng GH tiết ra nhiều hơn ban ngày, nhất là trong khoảng thời gian từ 10h đêm đến 3h sáng. Cha mẹ nên cho trẻ ngủ trước đó 1-2 tiếng để trẻ ngủ sâu giấc, và hormone GH tiết ra một cách tối đa.
Theo khoa học, GH là hormone kích thích sự tăng trưởng của tất cả các mô trong cơ thể, nhất là xương. Chúng giúp thúc đẩy quá trình tạo, duy trì cấu trúc xương, tăng cường quá trình trao đổi chất, tổng hợp protein ở tất cả tế bào, giúp tăng khối lượng cơ, kích thước các phủ tạng, giúp trẻ phát triển chiều cao và có một cơ thể khỏe mạnh.
Vậy nên, nếu trẻ đang ngủ sâu, đặc biệt là trong khoảng thời gian GH đạt đỉnh, mẹ đánh thức con dậy sẽ làm gián đoạn quá trình tăng tiết của hormone này, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc đáng kể với bạn bè cùng trang lứa.
Ngoài ra, dưới đây là 3 cách giúp trẻ phát triển chiều cao
1. Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng sẽ tác động đáng kể đến sự tăng trưởng thể chất, tầm vóc của trẻ đến 32%. Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm (chiếm 10-15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60-65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và vitamin và khoáng chất. Không nên ăn bất cứ thứ gì quá nhiều, bằng không sẽ gây mất cân bằng.
2. Luyện tập thể dục thể thao:
Cha mẹ có thể khuyến khích con tập các môn thể thao sau: đu xà, bơi lội, bóng rổ, các bài tập kéo dài như rướn dài kiểu mèo, kiểu rắn hổ mang, bài tập kéo dài chân... Sụn xương là yếu tố hình thành chiều cao của trẻ. Nếu chăm chỉ vận động, sẽ giúp trẻ cao lớn, khỏe mạnh.
3. Môi trường sống:
Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Nếu trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém, trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi.