Dọc mùng là một nguyên liệu nấu ăn phổ biến, thường được mọi người chế biến để nấu canh, muối chua. Ngoài ra, dọc mùng cũng có thể dùng làm món nộm. Nộm dọc mùng có vị thanh mát, thích hợp với những bữa cơm ngày nắng nóng.
Một trong những vấn đề cần chú ý nhiều nhất khi làm nộm dọc mùng chính là sơ chế thế nào để khi ăn không bị ngứa.
Sơ chế dọc mùng
Dọc mùng mua về cần tước sạch vỏ, cắt chéo thành các lát mỏng rồi bóp muối. Sau khi bóp muối, hãy rửa lại dọc mùng bằng nước sạch. Rửa qua vài nước cho dọc mùng không bị mặn và hết các chất gây ngứa. Vắt hết nước ở dọc mùng.
Đặt một nồi nước lên bếp. Khi nước sôi, cho dọc mùng vào chần nhanh. Dọc mùng rất nhanh chín, bạn chỉ cần chờ nước sôi trở lại là có thể vớt dọc mùng ra. Không nên nấu quá lâu khiến dọc mùng bị nát.
Chuẩn bị một bát nước đá lạnh. Khi vớt dọc mùng ra khỏi nồi nước sôi, hãy ngâm ngay trong bát nước lạnh. Làm như vậy, dọc mùng sẽ giữ được độ giòn. Khi dọc mùng nguội, hãy vớt ra và vắt khô nước.
Để không bị ngứa tay, trong lúc sơ chế dọc mùng, bạn nên mang găng tay.

Các nguyên liệu khác để làm món nộm dọc mùng
Bạn có thể làm nộm dọc mùng với đậu phụ, nộm dọc mùng tai heo, nộm dọc mùng lưỡi heo, nộm dọc mùng với thịt gà luộc, thịt vịt luộc... Tùy theo sở thích, bạn hãy chọn nguyên liệu cho phù hợp. Nếu làm nộm dọc mùng tai heo, lưỡi heo, bạn cần luộc chín các loại thịt này rồi thái thành miếng mỏng. Nếu ăn chay, đậu phụ hoặc váng đậu/phù trúc là nguyên liệu thích hợp. Phần đậu phụ có thể đem luộc sơ với nước hoặc thái miếng mỏng rồi chiên vàng (tùy sở thích).
Ngoài ra, bạn sẽ cần chuẩn bị thêm lạc rang, vừng rang, nước mắm, đường, tỏi, ớt, giấm/chanh. Để món nộm thơm ngon hơn, bạn có thể cho thêm rau mùi, rau húng (tùy sở thích).
Để món nộm có thêm màu sắc, bạn có thể sử dụng thêm cà rốt bào sợi. Hoặc cũng có thể thêm giá sống.
Pha nước mắm trộn nộm
Cho nước mắm, đường vào bát và khuấy đều cho đến khi đường tan. Thêm chanh/giấm cho vừa khẩu vị. Cuối cùng thêm tỏi, ớt băm.
Nếu làm món chay, bạn có thể thay nước mắm cá bằng nước mắm chay hoặc bột canh.
Trộn nộm dọc mùng
Cho dọc mùng vào bát tô, thêm các loại thịt/đậu và từ từ thêm phần nước trộn vào đảo đều tay. Để nguyên trong khoảng 5 phút cho các nguyên liệu thấm gia vị. Thêm rau sống, lạc rang, vùng rang vào trộn đều một lần nữa. Xếp nộm ra đĩa, rắc thêm lạc rang, vừng rang, rau sống lên trên là có thể thưởng thức.

Phân biệt dọc mùng và cây ráy để tránh bị ngứa khi ăn
Cây dọc mùng và cây khoai ráy có hình dáng bên ngoài tương đối giống nhau. Cả hai đều có thể gây ngứa khi ăn nhưng cây ráy gây ngứa ngáy, đau rát hơn rất nhiều.
Cây ráy nhìn thô hơn cây dọc mùng và màu cũng xanh đậm hơn. Trong khi đó, thân dọc mùng mềm mại hơn và có màu hơi ngả vàng.
Lá cây ráy có hình khiên, phần hợp giữa hai thùy ở gốc có phiến rất hẹp. Phần cuống lá của cây ráy thường to và mập.
Lá và thân tháy có chứa sapotoxin gây ra các triệu chứng bỏng rát môi và lưỡi, thậm chí gây cứng hàm, sốc phản vệ, sưng tấy đường hô hấp dẫn tới khó thở, ngất hoặc ngộ độc. Nếu không sơ chế kịp thời, tính mạng của người bệnh có thể gặp nguy hiểm.