Món ăn dặm mẹ cứ ngỡ bổ dưỡng nên lạm dụng nhưng lại khiến bé còi cọc, chậm lớn

19:13, Thứ tư 26/02/2020

( PHUNUTODAY ) - 3 loại thực phẩm bổ sung dưới đây các mẹ lầm tưởng là tốt và cho bé ăn mỗi ngày nhưng sự thật không phải vậy.

3 món ăn dặm mẹ không nên lạm dụng cho con ăn

Nước ép

Các mẹ cứ nghĩ nước ép trái cây có giá trị dinh dưỡng cao nên bổ sung mỗi ngày cho bé.

Tuy nhiên thực tế, hầu như toàn bộ chất xơ của trái cây đã được loại bỏ trong quá trình ép, điều này sẽ khiến trái cây mất đi phần lớn giá trị dinh dưỡng.

Ngoài ra, nước ép trái cây thường rất hấp dẫn trẻ nhỏ nên bé sẽ quen với mùi vị thơm ngon của nước ép trái cây mà sẽ không uống nước lọc nữa. Việc uống nước ép trái cây nhiều có chứa nhiều đường, dễ gây sâu răng và béo phì ở trẻ nhỏ.

Vì thế, thay vì cho trẻ uống nước ép trái cây mẹ hãy cho bé dùng dạng sinh tố, nó sẽ bao gồm cả chất xơ giàu dinh dưỡng và nên uống theo một khẩu phần hợp lý.

Cháo trắng

Nhiều mẹ cho rằng cháo trắng là thực phẩm lành nhất và trẻ dễ ăn nên thường cố ép các bé ăn thật nhiều.

Tuy nhiên, trên thực tế phần trăm dinh dưỡng có trong cháo trắng khá thấp, ngoại trừ tinh bột và nước, rất khó để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Vì cháo có chứa một lượng nước lớn nên bé sẽ cảm thấy no sau khi ăn, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sữa. Đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi thì sữa vẫn là chế độ ăn chính. Uống sữa không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Nước hầm xương

Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến cáo dùng nước xương hầm cho trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Khi bé ăn cháo hoặc bột nấu từ nước hầm xương thường xuyên, bé sẽ bị thiếu hàng loạt các chất dinh dưỡng. Chỉ một thời gian ngắn bé sẽ mắc phải một loạt các bệnh liên quan đến việc thiếu hụt chất dinh dưỡng như bị thấp còi, thiếu năng lượng, thiếu canxi và các chất dinh dưỡng khác.

Ăn dặm đúng cách

Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), ăn dặm đúng cách cần đảm bảo những nguyên tắc sau:

Cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc gần giống với sữa công thức để bé quen dần với “những thức ăn mới lạ”. Nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt - mặn” khi bắt đầu giai đoạn cho bé ăn dặm, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ, trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

Nguyên tắc “ít - nhiều” để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 - 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén... sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng - dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Nguyên tắc “loãng - đặc” cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được “suôn sẻ”, đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể tiêu hóa được những thức ăn phức tạp hơn.Nguyên tắc “tô màu chén bột” nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt.

Nguyên tắc “không ép trẻ ăn” khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 - 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc
Từ khóa: ăn dặm